Thể thao

Chuyện khổ luyện để đoạt HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh

02/09/2016, 15:03
image

6 tháng trời trước ngày diễn ra Olympic, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không hề động đến một giọt rượu, bia...

27

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với tấm Huy chương vàng lịch sử

6 tháng không bia, rượu

Như thừa nhận của xạ thủ vừa lập kỳ tích trên đất Brasil, trong những dịp nghỉ hay liên hoan tổng kết khi không phải làm nhiệm vụ, anh có thể “chiến đấu” hết cả lít rượu quê, hay cả két bia. Thế nhưng, trong suốt cả chiến dịch Olympic, anh cùng người đồng đội Trần Quốc Cường tuyệt đối nói không với các loại chất cồn. Thậm chí, xạ thủ 42 tuổi này còn không động đến trà hay cà phê, để tránh những ảnh hưởng đến thần kinh vốn quyết định đến kết quả của việc tập luyện thi đấu. Món đồ uống quen thuộc của họ chỉ là nước lọc tinh khiết.

Trong cuộc gặp mặt sau buổi thi đấu Xuân Vinh đoạt HCV Olympic, đoàn Việt Nam có bật sâm-panh để ăn mừng nhưng Vinh cũng chỉ uống nhấp môi. Đơn giản vì Vinh sẽ phải vác súng đi tập từ sáng hôm sau để chuẩn bị cho nội dung thi tiếp theo.

Cũng vì để giữ tinh thần và sự tập trung cao độ cho Olympic, suốt ba tháng nay, anh tuân thủ một lịch sinh hoạt “chuẩn không phải chỉnh”. Theo đó, cứ 21h tối là phải lên giường đi ngủ và phải cố gắng ngủ ngay để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Với Xuân Vinh, nếp đó quá quen, nên anh chỉ cần 5-10 phút đã có thể ngủ ngon. Theo chỉ lệnh của HLV Nguyễn Thị Nhung, trong suốt thời gian ở Rio, mỗi ngày Vinh chỉ được dành đúng 10-15 phút cho nhu cầu, niềm vui cá nhân chính đáng: Gọi điện về cho vợ và hai con. Theo bà Nhung, việc sinh hoạt, ăn uống của Xuân Vinh bà không bao giờ phải suy nghĩ vì ngôi sao đang là Đại tá quân đội này tự chủ, tự giác tới mức thành bản năng.

Vinh bảo, do chủ yếu phải giữ cái đầu chứ không mấy lo cái bụng, nên anh có thể thoải mái thưởng thức cả trăm món ăn tại nhà ăn Làng VĐV như bình thường. Chuyện ăn uống của dân bắn súng cũng đơn giản, anh chỉ chú ý ăn đúng định mức, không để quá no, hay quá đói cũng như ăn ít các món quá cay. Vinh kể mình ăn tương đối ít, mỗi bữa tối đa chỉ một, hai bát cơm, còn bù lại bằng các món, cũng như dùng thực phẩm chức năng.

26

 

“Đầu óc căng thẳng không còn chỗ nghĩ đến… sex”

Xuân Vinh đã phá lên cười rất to khi được hỏi về một câu chuyện luôn rất “nóng” tại các kỳ Olympic, song lại giống như một đề tài cấm kị với đoàn thể thao Việt Nam: Sex. Anh cho hay, thực tế ở các môn khác như thế nào không biết, còn các xạ thủ như anh ngay cả trong các chuyến xuất ngoại tập huấn, chuẩn bị đấu giải chứ chưa nói đến một “chiến dịch cao điểm” như Olympic, đều tập trung đến vài trăm phần trăm cho chuyên môn. Anh cũng khẳng định đầy dí dỏm “chúng tôi lao tâm khổ tứ, đầu óc căng thẳng mệt mỏi đến mức có muốn nghĩ tới chuyện đó cũng không nổi”.

Theo anh, các tuyển thủ Việt Nam theo một nền nếp, mỗi khi xuất ngoại thi đấu đều xác định mình đang làm nhiệm vụ quốc gia. Ngoài ra, điều đó còn xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa. Xuân Vinh kể, ngay như môn của anh, có một số cặp vợ chồng cùng đội, mỗi khi lên tập huấn ĐTQG, chứ chưa nói giai đoạn chuẩn bị và đấu giải, cũng được bố trí tạm xa nhau. Chồng ở phòng nam, vợ ở phòng nữ. Các HLV cũng chẳng hề phải nhắc nhở, họ cũng biết mình cần và nên làm gì để tránh ảnh hưởng đến việc tập luyện, thi đấu của chính mình, cũng như cả đội.

Theo Xuân Vinh, có nhiều tuyển thủ bên cạnh hàng trăm lý do chuyên môn, còn muốn “kiêng khem” để giữ gìn theo quan niệm có thể tạm gọi là mê tín. Chẳng biết đúng hay sai nhưng mọi người đều mặc định làm như thế. Anh cũng cho rằng, điều người ta nói về chuyện sex ở các kỳ Olympic có lẽ ở đâu quá xa, chứ không phải với các tuyển thủ Việt Nam tại Rio.

Mời lãnh đạo đoàn ở nhà cho Vinh… yên tâm thi đấu

Như một nếp quen, sau khi danh sách đoàn đi Rio được chốt lại lần cuối, bộ phận tham mưu đã chủ động chọn một ngày được cho là tốt trình lãnh đạo ngành xem xét phê duyệt. Rồi lãnh đạo cũng chọn một ngày đẹp theo quan niệm để ký quyết định thành lập đoàn. Trước khi lên đường, ông Trưởng đoàn cùng đại diện cán bộ, HLV, VĐV đã tổ chức đi Đền Hùng và Đền Kiếp Bạc thành kính dâng hương, cầu mong may mắn, thành công cho thể thao Việt Nam ở Olympic 2016. Điều này không lạ, bởi người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng vẫn tự nhủ “có thờ có thiêng”. Hôm đó, HLV Nguyễn Thị Nhung và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đều góp mặt.

Dù đã “cậy nhờ” Vua Hùng và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhưng bà Nhung vẫn chưa yên tâm. Có một câu chuyện rất thú vị thế này, ở buổi Hoàng Xuân Vinh thi đấu nội dung 10m súng ngắn hơi rồi lập kỳ tích lịch sử, bà Nhung đã chủ động mời các lãnh đạo đoàn, kể cả Trưởng đoàn Trần Đức Phấn ở nhà theo dõi Xuân Vinh tranh tài qua truyền hình, để tránh áp lực cần thiết cho niềm hi vọng tranh huy chương. Mọi công việc, trách nhiệm sẽ do bà Nhung, với tư cách lãnh đội kiêm HLV trưởng lo hết.

Việc mời lãnh đạo không đến chỉ đạo, cổ vũ trên thực tế cũng có cơ sở về mặt chuyên môn khi từng xảy ra trường hợp một số tuyển thủ Việt Nam, thậm chí có người thuộc diện trụ cột, đã căng cứng trước sự có mặt của lãnh đạo đến nỗi không tài nào thể hiện được đúng khả năng của mình.

Ngoài lý do có vẻ như chuyên môn, sự thực đó còn xuất phát từ quan niệm kiểu như “có kiêng có lành” để chí ít thầy trò có thể yên tâm bước vào trận đánh lớn.

Thật ngẫu nhiên, trong buổi đấu không có sự xuất hiện trực tiếp của lãnh đạo đoàn nào ấy, xạ thủ Xuân Vinh đã tỏa sáng rực rỡ. Trong đó, anh đã có một viên đạn cuối cùng “không thể tin nổi” đạt tới 10,7 điểm, dù đang bị dẫn trước, anh vượt lên đoạt luôn HCV kèm theo kỷ lục Olympic.

VĐV Việt Nam ăn và chơi thế nào tại Olympic 2016?

Như những lần xuất ngoại thi đấu trước đây, trước khi lên đường sang Brasil các VĐV Việt Nam hầu hết đều chuẩn bị lương khô, mỳ tôm, xúc xích, ruốc và cả muối vừng đề phòng việc đồ ăn của nước chủ nhà không hợp khẩu vị. Tuy nhiên, tại Olympic 2016, nước chủ nhà khá tâm lý khi bố trí những bếp ăn theo khẩu vị từng khu vực nên các tuyển thủ Việt Nam dễ dàng tìm được những món ăn phù hợp như: Nem, chả, cá kho, rau luộc… Bên cạnh đó, một số tuyển thủ rất hào hứng với các món ăn lạ của nhiều quốc gia khác nhau. Chỉ có điều, ở bếp ăn của làng Olympic nấu cơm rất tệ nên có thành viên đoàn Việt Nam suốt quá trình ở Brasil không động một hột cơm nào.

Đó là chuyện ăn, còn chuyện chơi ở Brasil thì ly kỳ hơn nhiều. Brasil vốn nổi tiếng với nạn trộm cắp và tội phạm đường phố, vì vậy, để đảm bảo an ninh, các VĐV đều phải đăng ký với Ban quản lý làng Olympic. Tuy nhiên, mỗi lần đi chỉ giới hạn 5 người, có bảo vệ đi kèm và mỗi người phải nộp 30 USD. Nước chủ nhà cũng bố trí xe buýt đón VĐV từ làng Olympic đến các trung tâm thương mại để mua sắm, cứ 15 phút lại có một chuyến. Trước khi muốn rời làng Olympic, các VĐV Việt Nam đều phải báo cáo và được sự cho phép của trưởng đoàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.