Chất lượng sống

Chuyện phóng viên giao thông tác nghiệp nguy hiểm như phim

22/06/2018, 15:08

Với phóng viên, nhất là phóng viên thường trú các tỉnh của Báo Giao thông, nhận lệnh là lên đường, bất kể đó là...

32

PV Báo Giao thông đột nhập điểm nóng về phá rừng tại huyện Đắk Song (Đắk Nông)

Vừa đi, vừa bàn kế hoạch, vừa báo cáo vừa tác nghiệp. Có khi phải “nằm gai, nếm mật” để thu thập thông tin, hiểm nguy đến cả tính mạng.

Ăn quả mít non, nằm rừng sâu để điều tra mãi lộ

Khoảng 2h sáng 7/3, khi tôi đang chìm trong giấc ngủ, bỗng điện thoại đổ chuông liên hồi. Vừa nhấc điện thoại, đầu dây bên kia trưởng đại diện “khẩn báo”: “Có đoàn xe chở gỗ từ Gia Lai theo hướng QL14C tới địa phận Đắk Lắk, đang bị CSGT Ea Súp bắt giữ và đòi làm luật. Cánh tài xế ngã giá 500 nghìn đồng/xe nhưng CSGT đòi mỗi xe phải chung chi đủ 5 triệu đồng mới cho qua. Tài xế bức xúc cách làm luật đắt đỏ và trắng trợn của CSGT nên đã gọi điện phản ánh đến anh. Em sắp xếp vào ngay hiện trường”.

Tôi chỉ kịp “dạ” và ngắt máy rồi chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Trước giờ xuất phát, tôi bấm số gọi cho tài xế N. xác định vị trí và cách thức “nhập vai” . Anh N. cho hay: “Đoàn xe đang bị “giam lỏng” ở xã Ea Lê (Ea Súp, Đắk Lắk), cách chân cầu Ea Lê 500m. Tụi anh kẹp sổ làm luật 500 nghìn đồng nhưng CSGT không đồng ý. Họ nói phải đủ 5 triệu đồng mới cho đoàn xe đi, không sẽ cho cân tải trọng”. Nghe tới đây, tôi ngắt điện thoại và dặn anh N. nhớ để máy để liên lạc lại khi tới nơi. Sau đó, tôi gọi điện thoại báo sếp rồi lên đường ngay trong đêm.

Vị trí 16 chiếc xe chở gỗ bị giam lỏng cách TP Buôn Ma Thuột hơn 80km. Theo TL1 vắng vẻ, khi trời vừa tờ mờ sáng tôi đã vào đến thị trấn Ea Súp. Lúc này, còn cách vị trí đoàn xe khoảng 2km, tôi gõ cửa một nhà người quen để gửi xe và thay quần áo ngụy trang vai phụ xe, sau đó nhờ người chở xuống chân cầu Ea Lê. Trên đường đi, tôi gọi cho tài xế N. đón tại chân cầu Ea Lê.

Gặp tài xế N., anh dặn dò tôi vài điều để đối phó nếu lỡ ai hỏi. Anh N. dặn dò: “Em cứ nói em là phụ xe anh”. Nói xong, N. dẫn tôi đến vị trí xe của mình. Từ đây, tôi bắt đầu vào vai phụ xe.

Đoàn xe chở gỗ với 16 chiếc xếp hàng dài khoảng 500m ngáng hết con đường TL1 chật hẹp. Bên trong sân vườn của một hộ dân cho cánh tài xế và phụ xe tá túc, tài xế móc võng ngủ khắp nơi. Tại đây, tôi cùng với cánh tài xế ở lại 3 ngày 2 đêm và chứng kiến toàn bộ đoàn xe bị “giam lỏng” và những cuộc ngã giá bất thành. Tài xế làm đủ mọi cách hòng cho xe đi, xin xỏ, ngã giá chung chi, thậm chí quyết định lên trực tiếp nhà Trưởng Công an huyện này để “cầu cứu” nhưng đều bất thành. Sau thời gian dài chờ đợi, đoàn xe quyết định quay đầu bỏ trốn nhưng bị Công an huyện Ea Súp (gồm Cảnh sát hình sự và CSGT) vây ráp, áp tải và cuộc bỏ chạy bất thành. Sau một đêm phải quay lại hiện trường, đến chiều 9/3, đoàn xe lần nữa nổ xe bỏ trốn và lần này không có sự ngăn cản nào của Công an huyện và đoàn xe quay về Gia Lai bình yên.

3 ngày 2 đêm tôi ăn ngủ cùng tài xế. Vì nhận định tình hình sai nên 3 ngày 2 đêm tôi mặc một bộ quần áo duy nhất. “Ẩn mình” cùng tài xế cả ngày đêm, ở những nơi rừng sâu không có ánh điện. Thường xuyên phải ăn bánh mì, mì tôm và cơm hộp, thậm chí, có khi đói quá hái cả quả mít non nhai tạm. Sau 3 ngày 2 đêm, cánh tài xế rất hoang mang và tôi thì cứ thế làm nhiệm vụ. Tại đây, việc của tôi hàng ngày là theo sát mọi hoạt động của cánh tài xế và CSGT đang canh giữ đoàn xe. Một hoạt động đều được tôi bí mật ghi hình, ghi âm. Những đoạn video và ghi âm đều đặn được tôi tải lên mail lưu giữ, phòng trường hợp bất trắc. Tiếp đó, sau mỗi ngày thu thập thông tin, đêm về tôi bấm điện thoại gửi hết thông tin vào hộp thư thoại Facebook của một đồng nghiệp (giờ là vợ tôi). Cứ như vậy, mọi thông tin đều được lưu giữ. Chiều 9/3, sau khi đoàn xe thoát chạy thành công, tôi trở lại với phố thị và viết 2 kì trong bài viết “Cách xử lý lạ đời của CSGT với đoàn xe chở gỗ”.

Ngay sau khi 2 bài báo đăng tải, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xác minh làm rõ thông tin. Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, sáng 14/3, sau khi tiếp nhận thông tin của Báo Giao thông, lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu Công an huyện Ea Súp báo cáo nội dung vụ việc. Đồng thời, Công an tỉnh đã lập đoàn công tác xuống Công an huyện Ea Súp xác minh để làm rõ một số nội dung báo phản ánh.

33

PV Báo Giao thông ngụy trang vai phụ xe, đột nhập vị trí đoàn xe chở gỗ bị CSGT huyện Ea Súp (Đắk Lắk) giam lỏng

Ngụy trang bám sát lâm tặc, cát tặc

Rời đoàn xe chở gỗ, PV tiếp tục nhận được tiếng “kêu cứu” của những cánh rừng Tây Nguyên. Sau lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhưng rừng vẫn ngày đêm “chảy máu”. Trong số đó, có rừng phòng hộ Buôn Đôn do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý. Đầu tháng 8/2017, tôi cùng 2 đồng nghiệp trong vai người đi hái măng rừng “đột nhập” vào rừng phòng hộ Buôn Đôn. Cánh rừng trải dài trên QL29 từ huyện Cư M’gar đi huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), bên ngoài thoạt nhìn rừng xanh rất yên bình. Tuy nhiên, sau khi cất giấu xe máy cẩn thận, nhóm chúng tôi đột nhập vào sâu bên trong và nhận thấy nhiều điều bất thường. Tại tiểu khu 453, 454, dấu hiệu “xẻ thịt” rừng phòng hộ hiện rõ rệt, cảnh tượng hoang tàn hơn. Những gốc cây 2 - 3 người ôm đã cũ, bên cạnh là những cây gỗ đường kính nhỏ hơn, dấu cưa để lại sắc lẹm, phần thân đã được xẻ phách mang đi, cành lá chưa kịp héo. Những dấu tích để lại khẳng định chắc nịch, rừng phòng hộ Buôn Đôn bị xẻ thịt trong suốt một thời gian dài.

Tiếp tục di chuyển men theo con đường mòn chằng chịt dấu xe kéo gỗ, tại tiểu khu 436, chúng tôi giáp mặt lâm tặc đang hoành hành khai thác gỗ. Lúc này, ống kính ghi nhận nhóm lâm tặc có 4 người, một xe cày và cưa máy đang hoạt động hết công suất. Tiếng gỗ đổ ầm ầm, phần thân nhanh chóng được cắt gọn rồi được 3 người còn lại cẩu lên xe. Lúc này, trời mỗi lúc một tối, nhưng tôi vẫn quyết ghi lại cảnh lâm tặc chở gỗ ra khỏi rừng.

Sau chuyến đi trên, tôi đã phơi bày sự trên bài viết “Lâm tặc ngang nhiên phá rừng phòng hộ Buôn Đôn”. Sau bài viết, Ban giám đốc BQLR phòng hộ Buôn Đôn bị kiểm điểm vì để xảy ra tình trạng phá rừng nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, Giám đốc BQLR ông Lê Danh Khởi bị kỷ luật với hình thức khiển trách; Phó giám đốc Võ Văn Hảo và Phó giám đốc Dương Quang Hưng bị kiểm điểm nhắc nhở.

Đầu năm 2018, tôi lại nhận lệnh của Trưởng đại diện lên đường điều tra tình trạng cát tặc trên sông Krông Nô. Đây là địa bàn vùng sâu giáp ranh 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông rất nguy hiểm, nơi bọn tội phạm trốn lệnh truy nã hay ẩn nấp. Vì vậy, sếp quyết định đi cùng tôi. Đến địa bàn, vào nhà người quen, xây dựng kế hoạch, sếp giả làm xe ôm, còn tôi giả làm người đi mua rẫy trồng dâu tằm và cà phê. Trong một tuần liền, với cái nắng cháy da, chúng tôi không chỉ điều tra được ngọn nguồn cát tặc mà còn phát hiện hàng đoàn xe quá tải, xe tải hết niên hạn sử dụng, rồi cả bến cóc xe khách ngay trước chốt Công an huyện.

Ngày cuối cùng, khi đã đủ thông tin hiện trường, chúng tôi vào phỏng vấn lãnh đạo UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng), sau đó làm việc với Công an huyện. Không hiểu sao khi đang phỏng vấn đã nhận được điện thoại từ cánh lái xe gọi điện xin, sau đó là dọa. Lúc đó, sếp phát tín hiệu chúng tôi sử dụng phương án đánh lạc hướng. Nơi đây, muốn về Buôn Ma Thuột hay lên Đà Lạt cũng chỉ có con đường duy nhất là QL27. Sếp và tôi chào lãnh đạo Công an huyện và nói đi nói lại rằng, về Buôn Ma Thuột để hôm sau dự một cuộc họp. Tuy nhiên, khi lên xe chúng tôi lại chạy thẳng đội mưa vượt 100m lên Đà Lạt. Trên đường đi, sếp nhận rất nhiều cuộc gọi của cánh lái xe đã đón sẵn ở huyện Lắk (Đắk Lắk) để xin. Không nói gì nhưng tôi và sếp đều hiểu, nếu giờ này mà đi về Buôn Ma Thuột thì khó mà tránh khỏi phiền phức trên dọc đường đi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.