Tâm sự

Chuyện tình vượt số phận ở làng hủi

24/01/2017, 06:05

Trở về thôn Đồng Lệnh, chứng kiến cánh đồng mía xanh bạt ngàn, những vườn cam nho nhỏ, trẻ em khỏe mạnh, nô đùa...

7

Từng bị người đời xa lánh vì mắc bệnh phong, đến nay, bà Triệu Thị Khóa đã khỏi bệnh, vui vẻ bên con cháu

Trở về thôn Đồng Lệnh (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), chứng kiến cánh đồng mía xanh bạt ngàn, những vườn cam nho nhỏ, trẻ em khỏe mạnh, nô đùa, chúng tôi nhận ra, vùng đất “chết” Đồng Lệnh với những phận đời bị ghẻ lạnh, hắt hủi đã không còn nữa.

Nương tựa nhau vượt qua đau thương

Một buổi chiều đầu năm mới, vượt qua quãng đường dài quanh co, uốn lượn sườn đồi, chúng tôi tìm về thôn Đồng Lệnh, nơi trước kia được mệnh danh là ngôi làng đau khổ với những con người lầm lũi bởi căn bệnh phong.

Nhớ lại chuyện xưa, bà Triệu Thị Khóa (SN 1948, quê gốc ở xã Phú Lương, huyện Sơn Dương) rưng rưng nước mắt kể, bà mắc căn bệnh phong khi bắt đầu bước vào tuổi 18. Hồi ấy, bà đã kết hôn và có 2 người con. “Lúc đầu, tôi thấy tay chân tê buốt, động vào lửa không thấy đau, cấu véo cũng không có cảm giác. Không có điều kiện đi khám, cuộc sống lại khó khăn nên hàng ngày vẫn phải lội bùn cấy hái. Sau, những đốt ngón tay, chân cứ rụng rời dần, nghĩ bị nhiễm trùng nên tôi tìm thuốc nam để uống mà không thuyên giảm”, bà Khóa kể lại.

Năm 1973, một đoàn bác sĩ về thăm khám bệnh cho dân trong xóm, bà mới biết mình bị căn bệnh “hủi” (bệnh phong). Từ đó, hàng xóm và người chồng đầu ấp tay gối bắt đầu xa lánh bà. Càng đau khổ hơn khi lúc ấy, bà đang mang thai đứa con thứ ba. Sau khi sinh con được 6 tháng, bà chuyển về trại phong Đồng Lệnh sống và chữa bệnh. Người chồng cũ nhân cơ hội đã đi lấy vợ mới và gửi 3 con thơ dại cho bà rồi từ ấy biệt tăm không thăm hỏi gì.

“Khoảng thời gian đó, tôi vừa chữa bệnh, vừa cố gắng lao động, trồng ngô, trồng khoai dù chân tay đã cụt gần hết để nuôi con. Khó khăn chồng chất, đêm đêm thương con, tủi phận lại ôm con mà khóc. Sau này, nhiều người bệnh khác từ các huyện, tỉnh cũng tự tìm về đây để tránh sự kỳ thị, dằn vặt của người đời. Trại phong Đồng Lệnh trở thành mái ấm, nơi mọi người đồng cảm, sẻ chia, cưu mang, đùm bọc nhau vượt qua nỗi đau số phận”, bà Khóa nghẹn ngào nhớ lại.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Khóa vừa tranh thủ lấy cơm vào bát cùng thức ăn rồi mang sang ngôi nhà bên cạnh cho cụ Lương Thị Lám (đã ngoài 80 tuổi). Cụ Lám sống một mình, chân lại đau không thể di chuyển, mọi sinh hoạt đều nhờ cậy bà con chòm xóm.

Năm 18 tuổi, cụ Lám (quê gốc ở Lạng Sơn) về Tân Thành làm dâu, ít lâu sau, cụ mắc căn bệnh phong rồi bị gia đình chồng xa lánh, xua đuổi. Cụ tìm về Đồng Lệnh sinh sống, chịu nỗi đau thể xác và tinh thần, nhiều lần cụ tìm đến cái chết. Nhưng trước sự quan tâm và tình thương của những người đồng cảnh ngộ, cụ gạt nước mắt, vượt qua tất cả. “Ngày ngày, chị em tôi cùng mọi người ra đồng trồng lúa, tối đến quây quần bên bếp lửa kể chuyện đời, hát những khúc hát quê hương cho vơi đi nỗi nhớ. Ngày ấy, trại phong Đồng Lệnh mới thành lập, nghèo lắm, chỉ có mấy gian nhà tranh vách nứa, cô lập với thế giới bên ngoài vì ai cũng xa lánh. Được cái, mọi người trong trại đều tình cảm, gần gũi vì thấu hiểu hoàn cảnh của nhau”, nắm tay bà Khóa, cụ Lám nghẹn ngào nói.

Chứng kiến cô con gái thứ ba mà bà Khóa có cùng người chồng cũ trong thời gian đang mang bệnh lớn lên khỏe mạnh, người làng phong nơi đây vui mừng nhận ra, căn bệnh này không di truyền. Họ yên tâm đến với nhau, thành vợ thành chồng như ông Triệu Văn Chông và bà Triệu Thị Khóa, ông Triệu Văn Hảo và bà Lương Thị Bông, ông Văn Tiến Thanh và bà Phan Thị Long,… Thế hệ thứ hai của làng phong cũng vì thế mà lần lượt ra đời, trở thành niềm tin, hy vọng về một tương lai của sự hồi sinh.

Nhắc về cuộc hôn nhân thứ hai tại trại phong Đồng Lệnh, bà Khóa cười hiền lành cho biết, năm 1975, chồng bà là ông Triệu Văn Chông (quê ở Na Hang) tìm về trại để chữa bệnh. Tại đây, ông gặp bà, cảm thương và khâm phục trước người đàn bà đầy nghị lực, vượt lên nỗi đau bệnh tật mà nuôi 3 con nhỏ, ông Chông ngỏ lời muốn san sẻ gánh nặng cùng bà. Năm 1976, ông bà kết hôn, đám cưới diễn ra đầm ấm trong sự chúc phúc giản dị của những người đồng cảnh ngộ. “Rồi 4 người con (2 gái, 2 trai) khỏe mạnh, xinh xắn lần lượt ra đời, trở thành động lực cho vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn. Thời gian ấy, người dân Đồng Lệnh vẫn phải sống trong cảnh “bế quan tỏa cảng”, “tự cung tự cấp”, con cái không được đi học. Lo cho tương lai các con, tôi tìm cách gửi 2 cô con gái của chồng cũ về quê ngoại nhờ người nhà chăm nuôi, dạy dỗ. Đến giờ, các cháu đều đã lập gia đình, sống hạnh phúc, thỉnh thoảng lại đưa nhau về Đồng Lệnh thăm mẹ, thăm em”, bà Khóa kể.

“Vượt biên” đi tìm hạnh phúc

Sự biệt lập giữa Đồng Lệnh với thế giới bên ngoài, bao năm cứ mãi thế, cho đến khi diễn ra cuộc “vượt biên” đi tìm hạnh phúc của những người con là thế hệ thứ hai của làng.

Anh Trịnh Văn Hào, Trưởng thôn Đồng Lệnh hiện tại cũng chính là chàng rể đầu tiên của vùng đất “chết” cho biết: Anh quê gốc Ninh Bình, lên 5 tuổi, anh theo gia đình lên xã Tân Thành khai hoang rồi sinh sống tại đây. Khoảng thời gian đi học, anh quen chị Triệu Thị Hiền (con gái của cụ Triệu Văn Hảo và Lương Thị Bông). Dù bố mẹ đều mắc bệnh phong nhưng chị Hiền hoàn toàn khỏe mạnh, xinh xắn. Tuy nhiên, trước định kiến của người đời, chị Hiền dẫu được đi học vẫn bị bạn bè xa lánh.

Trại phong Đồng Lệnh được thành lập từ năm 1972, là nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân phong ở các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng... Những ngày đầu thành lập, mọi cơ sở vật chất tại đây đều thiếu thốn, chỉ có mấy gian nhà tranh, vách nứa, nhà ăn tập thể, phòng y tế. Năm 1973, trại bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân. Năm 1979, là thời điểm trại tiếp nhận người bệnh nhiều nhất (tới hơn 100 người) từ trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) và trại phong Quỳnh Lưu (Nghệ An) chuyển về.

Tiếp xúc với chị Hiền, thấy chị là người con gái hiền dịu, nết na lại xinh đẹp, anh Hào đem lòng thương mến. Sau khi tốt nghiệp, anh thường ghé thôn Đồng Lệnh chơi rồi ăn ngủ tại nhà các bạn nam trong thôn, nhân cơ hội gặp gỡ chị Hiền nhiều hơn, tiện mua măng, sắn mang ra chợ bán giúp dân làng. Lâu dần, người làng coi anh như con cháu trong nhà. “Một thời gian sau, gia đình phát hiện tôi thường xuyên qua lại Đồng Lệnh lại yêu thương Hiền nên ra sức phản đối. Còn nhớ, sau khi biết chuyện, một người bạn thân của tôi đã không dám cho tôi ngồi cùng xe đạp vì sợ lây bệnh”, anh Hào cười, nhớ lại.

Sự ngăn cấm của gia đình, sự nghi kị của hàng xóm, bạn bè xa lánh không làm anh Hào nản chí. Vì tình yêu với Đồng Lệnh, với chị Hiền, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Hào đã quyết định họp gia đình để thuyết phục mọi người. Anh lấy chính bản thân mình, người có thời gian dài qua lại, ăn ngủ ở Đồng Lệnh nhưng không mắc bệnh để chứng minh, bệnh phong không phải căn bệnh dễ lây nhiễm hay di truyền. Trước quyết tâm của anh, gia đình cuối cùng cũng chấp thuận để anh tổ chức đám cưới với chị Hiền. Đến giờ, anh Hào - chị Hiền đã có 3 người con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

Sau anh Hào - chị Hiền, một loạt những cặp đôi khác có vợ (chồng) là người lành ở ngoài thôn Đồng Lệnh cũng nên duyên như cặp vợ chồng anh Trịnh Văn Lô - chị Phạm Thị Miên, anh Hoàng Xuân Văn - chị Văn Thị Vân,…

Đưa chúng tôi ra thăm ruộng mía xanh bạt ngàn của gia đình, anh Hào kể, ngày anh về Đồng Lệnh làm rể, người dân còn nghèo, chỉ có mấy gian nhà tranh vách nứa, chủ yếu sống nhờ vào việc trồng ngô, trồng lạc. Từ ngày những cặp vợ chồng “vượt biên” đến với nhau, mọi thứ trong làng dần thay đổi, những đám cưới giữa người làng phong và người làng ngoài ngày càng nhiều, là cầu nối giữa người dân thôn Đồng Lệnh với thế giới bên ngoài, hóa giải “lời nguyền” để hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mấy năm sau, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Nhà máy Đường Tuyên Quang (nay thuộc Công ty CP Mía đường Sơn Dương), người dân thôn Đồng Lệnh được hỗ trợ giống và nhà máy đưa xe về tận nơi thu mua mía khi đến mùa thu hoạch, những cánh đồng mía bạt ngàn dần xuất hiện.

Nhờ chuyển đổi sản xuất, đời sống người dân Đồng Lệnh trở nên khá giả hơn. Đồng Lệnh hôm nay đã có đường bê tông trải khắp, bóng dáng ngôi nhà tầng xây dựng kiên cố đã xuất hiện thay cho những ngôi nhà tranh vách nứa. Thời gian trôi qua, thế hệ thứ ba, thứ tư của làng phong dần ra đời, con cháu làng phong được ăn no, mặc ấm, được đi học như bao bạn cùng trang lứa. Cuộc sống rộn ràng, đầy ắp tiếng cười của những đứa trẻ lành lặn với hình ảnh các bà, các chị cần mẫn trên những cánh đồng mía.

Anh Hào cho biết, Đồng Lệnh hiện nay có 39 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, ngôi làng đã rũ bỏ chiếc áo u ám trước kia và đang khoác trên mình màu áo của nhựa sống tràn trề. Năm 2003, một đoàn y tế từ Hà Nội về thăm khám và kết luận Đồng Lệnh không còn bệnh phong. Bao nhiêu tủi nhục, đắng cay mà người Đồng Lệnh phải gánh chịu suốt mấy chục năm chính thức được trút bỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.