Bạn cần biết

Co giật, động kinh vì sán làm tổ trong não

26/09/2016, 10:41

BS. Thọ cho hay, rất nhiều bệnh nhân mắc sán não nhưng lại được điều trị bệnh động kinh.

unnamed

Bệnh nhân đang được điều trị sán não tại Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư

Rất nhiều bệnh nhân mắc sán não nhưng lại được điều trị bệnh động kinh. Trong đó, nhiều người bị liệt, thậm chí tử vong chỉ vì bỏ sót loại trừ xét nghiệm ký sinh trùng, dẫn đến điều trị nhầm bệnh.

Nhập viện khi sán đã làm tổ trong não

Nằm điều trị tại phòng Khám bệnh, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư (Hà Nội) đến nay đã 3 năm, đều đặn cách 1 tháng lại nhập viện 15 ngày, anh Nguyễn Văn Uyên (Yên Dũng, Bắc Giang) buồn rầu cho biết: “Không biết khi nào mới chữa khỏi bệnh. Hiện, anh chỉ có thể tham gia công việc nhẹ nhàng vì sức khỏe không cho phép”.

Theo bác sĩ điều trị, anh Uyên nhập viện khi sán đã làm tổ nhiều trên não, nên tiên lượng bệnh phụ thuộc nhiều vào độ thích ứng thuốc của cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân cho biết, cách đây 7 năm, anh xuất hiện biểu hiện đau đầu, đi lại không vững, lúc nào cũng lừ đừ như người say rượu, rồi ít lâu sau thì lên cơn động kinh.

Máu là môi trường sống lý tưởng cho ký sinh trùng, tuy nhiên tiết canh lại mà món khoái khẩu của không ít người. Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn còn tập tục ăn gỏi sống. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm”.

BS. Trần Huy Thọ khuyến cáo

Khám ở tuyến dưới, anh Uyên được điều trị căn bệnh động kinh. “Tuy nhiên, càng điều trị, tần suất các cơn động kinh lại càng tăng. 4 năm ròng điều trị không thấy hiệu quả. Cách đây 3 năm, có người họ hàng xa mách nước nên đến viện Viện Sốt rét và ký sinh trùng T.Ư khám. Tại đây, các bác sĩ cho chụp, xét nghiệm và ra ngay sán não”, anh Uyên thở dài cho biết.

Cùng phòng anh Uyên, bệnh nhân Đậu Đức Hậu (Hoàng Mai, Nghệ An) cũng vừa trải qua cuộc phẫu thuật cấp cứu giãn não thất và hiện đang tiếp tục điều trị sán não. Theo bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng phòng Khám bệnh, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư, nguyên nhân giãn não thất ở bệnh nhân Hậu cũng bắt nguồn từ sán làm tổ trong não gây chèn ép, bít tắc trong não thất…

Theo chia sẻ của anh Đậu Đức Tường (con trai bệnh nhân Hậu), bố anh có dấu hiệu bệnh từ cách đây 18 năm cũng với dấu hiệu lên cơn động kinh. Ở tuyến dưới, ông cũng có nhiều năm được chỉ định điều trị động kinh nhưng không hiệu quả nên bỏ điều trị. Cơn động kinh mới nhất, ói ra máu, khiến ông Hậu lăn ra bất tỉnh nên gia đình vội vàng đưa cấp cứu thẳng tuyến tỉnh. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng nên ông được chuyển thẳng lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư rồi lại sang Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư. Đến thời điểm này, ông Hậu đã hoàn toàn tỉnh táo, tuy nhiên vẫn chưa thể tự đi lại được và đang tiếp tục điều trị sán não.

Theo tìm hiểu, tại Khoa khám bệnh của Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư, số ca sán não và sán lá gan chiếm số đông. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân khi nhập viện đều muộn. Năm 2014, viện tiếp nhận 5 nghìn bệnh nhân, năm 2015 là 7 nghìn bệnh nhân thì chỉ 6 tháng đầu năm 2016, số bệnh nhân đến khám và điều trị lên đến 5.440 người.

Căn bệnh nguy hiểm nhưng dễ bị lãng quên

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Trần Huy Thọ cho biết, sán não là bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Do vậy, nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh ăn uống không bảo đảm vệ sinh, thường ăn đồ sống. Nang sán có nhiều trong các loại rau thủy sinh như: Rau cần, muống, cả xoong, mã thày…“Tuy nhiên, không hẳn ai ăn đồ sống cũng nhiễm nang sán, bởi người bệnh chỉ nhiễm sán khi ăn phải loại thực phẩm có chứa ấu trùng sán. Nhưng chính việc nấu chín sẽ giúp tiêu diệt các loại nang trùng giun, sán. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo mọi người nên ăn chín, uống sôi để phòng bệnh”, ông Thọ cho biết.

1
Phim chụp nang sán phủ kín não của bệnh nhân

Điều khó tiên đoán đối với sán não chính là do biểu hiện của bệnh thường thoáng qua hoặc giống triệu chứng của các bệnh lý khác; đáng lưu ý là các cơ sở y tế lại thường bỏ qua xét nghiệm ký sinh trùng để loại trừ. Chính những nguyên nhân này dẫn đến việc rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị điều trị sai, gây ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân, bỏ quá thời gian điều trị khiến bệnh tăng nặng, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

BS. Thọ cho hay, rất nhiều bệnh nhân mắc sán não nhưng lại được điều trị bệnh động kinh bởi biểu hiện của người bệnh dễ nhận thấy nhất là các cơn co giật, động kinh. Khi được đưa đến viện thì bệnh rất nặng. Hoặc có bệnh nhân mắc sán lá gan nhưng lại chẩn đoán sang u gan buộc phải cắt bỏ 1/3 lá gan. Cũng không ít bệnh nhân nhiễm sán lá gan nhưng lại được chẩn đoán và điều trị bệnh dạ dày hay rối loạn tiêu hóa vì những biểu hiện tương tự nhau. “Trước khi quyết định phẫu thuật hay điều trị bệnh lý như trên nên nghĩ đến và làm xét nghiệm loại trừ ký sinh trùng để tránh điều trị nhầm”, ông Thọ khuyến cáo.

Theo lưu ý của ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng bộ môn Ký sinh trùng của Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư, khi có những biểu hiện như nổi u nhỏ dưới da, nốt xám trắng, kèm đau đầu… người dân nên đến khám để phát hiện sớm bệnh lý ký sinh trùng. Không nên để đến lúc có các biểu hiện rõ rệt như nhìn mờ, co giật, ngất, giảm trí nhớ hay hạn chế vận động, lúc đó đã bước vào giai đoạn nặng, khó khăn trong điều trị.

Việc điều trị hiệu quả với mỗi bệnh nhân là khác nhau vì không phụ thuộc vào việc đáp ứng thuốc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ có số ít có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn không để lại di chứng. Còn đa phần bệnh nhân mắc sán não sau điều trị đều có di chứng co giật khi làm việc căng thẳng, uống rượu, bia...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.