Vận tải

Cơ hội nào cho AirAsia bay nội địa Việt Nam?

13/04/2017, 07:06

Cơ hội để tập đoàn hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia thâm nhập thị trường vận tải hàng không Việt Nam không...

12

Air Asia sẽ hợp tác với hãng hàng không Hải Âu để lập hãng hàng không giá rẻtại Việt Nam

Muốn bay nội địa, nhà đầu tư ngoại phải “đi đường vòng”

Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu Đinh Thu Trang cho biết “đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép vận chuyển hàng không ngay trong quý II/2017 để có được phê chuẩn của Chính phủ và đi vào hoạt động từ năm 2018”.

Thông tin trên được bà Trang đưa ra sau khi xác nhận kế hoạch hợp tác của Tập đoàn Thiên Minh (TMG) - “cha đẻ” Hãng hàng không Hải Âu và Tập đoàn hàng không giá rẻ của Malaysia AirAsia. Cụ thể, AirAsia đã ký thỏa thuận cổ đông và hợp đồng mua bán 30% cổ phần với Gumin để lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam trên cơ sở ban đầu là Hãng hàng không Hải Âu của TMG, đang hoạt động hàng không chung, khai thác thủy phi cơ.

"Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không VN sẽ báo cáo Bộ GTVT về kết quả thẩm định. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo của Cục, Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ GTVT, Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp giấy phép. Tối đa 5 ngày sau đó, Bộ GTVT sẽ thực hiện cấp phép theo quy định”.

Ông Võ Huy Cường
Phó cục trưởng
Cục Hàng không Việt Nam

Điều này không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không sau khi thông tin về kế hoạch hợp tác được tiết lộ. “Chắc chắn sẽ không có một hãng hàng không mới được thành lập mà sẽ “nâng cấp” Hàng không Hải Âu bằng cách xin bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp này”, một chuyên gia dự đoán.

Trong khi Hải Âu là doanh nghiệp đã sở hữu giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại với đội bay gồm bốn chiếc thủy phi cơ, Gumin lại là “tân binh” trong lĩnh vực tư vấn quản lý, vừa mới đi vào hoạt động hôm 29/3/2017. Cả hai doanh nghiệp trên đều thuộc sở hữu của ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Thiên Minh.

Tại liên doanh mới, AirAsia sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ, cá nhân ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT TMG nắm giữ 1% và Gumin nắm 69,9%. Hiện nay, vốn điều lệ của Hải Âu có 100 tỉ đồng và sẽ tăng lên 1.000 tỉ đồng sau thương vụ này để mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không.

Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ hàng không thế giới, các quốc gia không cấp thương quyền nội địa cho hãng hàng không nước ngoài khai thác. Hay nói cách khác, một hãng hàng không nước ngoài không được bay nối hai điểm bất kỳ trong lãnh thổ quốc gia khác. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 92/2016, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phép tham gia tối đa 30% vào hãng hàng không trong nước.

Dễ nhận thấy, nếu muốn được bay nội địa, nhà đầu tư nước ngoài phải “đi đường vòng” là liên doanh với hãng hàng không của nước sở tại. Đây cũng là điểm mấu chốt trong cái bắt tay của AirAsia với TMG.

Đáng nói hơn, theo thông tin của Báo Giao thông, đây không phải là lần đầu tiên AirAsia thể hiện tham vọng thâm nhập thị trường nội địa Việt Nam. Thực tế, ngay từ năm 2005, AirAsia đăng ký mua cổ phần của Hãng hàng không Pacific Airlines (PA), tuy nhiên lại về nhì khi để lọt thương vụ này vào tay Tập đoàn Hàng không Australia Qantas. Đến năm 2007, AirAsia một lần nữa thất bại dù đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lập hãng hàng không giá rẻ bởi thời điểm đó, Việt Nam đang trong thời điểm hạn chế thành lập hãng hàng không mới và không cấp phép lập hãng hàng không có yếu tố nước ngoài.

Quá tam ba bận, năm 2010, AirAsia đã ký thỏa thuận hợp tác với Vietjet (khi đó, Vietjet đã thành lập được ba năm nhưng chưa bay) nhưng vì nhiều nguyên nhân lại tiếp tục thất bại.

Cánh cửa hẹp

Liên quan đến việc xin cấp phép vận chuyển hàng không của Hải Âu, trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định, chưa nhận được bất cứ đề xuất gì về thay đổi giấy phép hoạt động hay hồ sơ đăng ký thành lập hãng hàng không mới.

Mặc dù vậy, ông Cường cũng nhấn mạnh, hiện tại Việt Nam không giới hạn việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Điều này có nghĩa là về lý thuyết, AirAsia hoàn toàn có cơ hội ở Việt Nam thông qua liên doanh nói trên.

“Theo quy định tại Nghị định 92/2016 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, doanh nghiệp có nhu cầu, gửi hồ sơ xin cấp phép về Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ này bao gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo mẫu; Bản chính văn bản xác nhận vốn; Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách; Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay; Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Vietstar - đơn vị có cùng xuất phát điểm như Hải Âu vừa bị từ chối cấp phép kinh doanh hàng không. Cụ thể, văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 7/4 gửi Bộ GTVT nêu rõ: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã thẩm định hồ sơ của Công ty Vietstar và khẳng định hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành.

“Hiện tại, hạ tầng một số CHK, nhất là tại Tân Sơn Nhất đang rất quá tải. Bộ GTVT đang hoàn thiện phương án điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngay cả khi phương án điều chỉnh được phê duyệt trong quý II/2017, cũng phải mất 2 - 3 năm nữa để  hoàn thành xây dựng Nhà ga hành khách lưỡng dụng T3 và T4 cũng như nâng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất lên con số 85. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu liên doanh của AirAsia không “thuyết phục” hơn Vietstar Air thì việc có thể được cấp phép bay trong năm 2018 như kế hoạch sẽ khó thành hiện thực”, một chuyên gia nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.