Thế giới giao thông

Cơ hội nào cho hãng bay vừa lập của tỷ phú Trung Quốc Bill Wong?

25/10/2021, 06:27

Theo tỷ phú Wong, dự tính hãng phải chi gần 2 tỷ đôla Hồng Kông (257 triệu USD) để hoàn thành thủ tục cấp phép.

Bất chấp thị trường hàng không đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bill Wong - một tỷ phú bất động sản, được mệnh danh là “Lý Gia Thành của Thâm Quyến, Trung Quốc đại lục” vẫn quyết định thành lập hãng hàng không mới mang tên Greater Bay Airlines.

img

Tỷ phú Bill Wong (trái) vốn sở hữu hãng hàng không Donghai Airlines. Ảnh: SCMP/ K. Y. Cheng

Đối mặt nhiều trở ngại

Ban đầu, Greater Bay Airlines đã từng dự định đi vào hoạt động từ ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10) với chuyến bay biểu tượng từ Hồng Kông tới Bắc Kinh (Trung Quốc).

Nhưng kế hoạch này không thể thành hiện thực vì chưa có được giấy phép.

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết, tuy hai hãng Cathay Pacific và Hong Kong Airlines không chính thức phản đối yêu cầu xin cấp phép của Greater Bay Airlines nhưng cả hai đều âm thầm tìm cách ngăn chặn quy trình phê duyệt. Dự kiến thời gian xem xét giấy phép sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.

Hiện tại, Greater Bay Airlines chưa có lợi nhuận vì chưa bán vé. Trong khi đó, theo tỷ phú Wong, dự tính hãng phải chi gần 2 tỷ đôla Hồng Kông (257 triệu USD) để hoàn thành thủ tục cấp phép.

“Đầu tư vào hàng không là một bài toán rất tốn kém nhưng nhà đầu tư của Greater Bay Airlines là Bill Wong, tỷ phú bất động sản tại Thâm Quyến nên chúng tôi có được sự ủng hộ tài chính rất mạnh”, Giám đốc điều hành (CEO) Greater Bay Airlines - ông Algernon Yau nhận định.

Trở ngại khác chính là tương lai của Hồng Kông. Liệu đặc khu này có tiếp tục là trung tâm vận tải khu vực nữa hay không vẫn là dấu hỏi lớn, khi các biện pháp cách ly khắt khe không thay đổi. Hiện tại hầu hết hành khách tới đặc khu vẫn phải mất 21 ngày cách ly tại khách sạn.

“Nhu cầu bay tới Hồng Kông đang rất thấp vì các quy định cách ly nghiêm ngặt”, Giám đốc điều hành về thương mại và khách hàng của Cathay - ông Ronald Lam cho biết, tại thời điểm hãng bay này công bố số liệu cho thấy, hãng chỉ phục vụ 131.774 lượt khách trong tháng 9.

“Chính Covid-19 mang đến nhiều lợi thế”

img

Máy bay Greater Bay Airlines. Ảnh: Website hãng

Bất chấp khó khăn của dịch bệnh và cách tiếp cận “Zero Covid-19” của Hồng Kông, Greater Bay Airlines có thể hưởng lợi nhờ thời điểm ra mắt thuận lợi, giá vé rẻ, không tắc nghẽn về slot cất, hạ cánh và có lượng phi công dồi dào.

Hầu hết phi công và tiếp viên của Greater Bay Airlines đều có kinh nghiệm làm việc cho Cathay, Dragon hoặc Hong Kong Airlines. Hãng dự định tuyển thêm 150 nhân viên nữa tính đến tháng 12.

Về thời điểm ra mắt, Bill Wong chọn đưa Greater Bay Airlines vào Hồng Kông đúng lúc tập đoàn mang tính biểu tượng của đặc khu là Cathay Pacific đang lao đao.

Từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Cathay đã bị ảnh hưởng nặng vì cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019 tại Hồng Kông.

Dịch bệnh ập tới, đặc khu hành chính Hồng Kông kiên quyết thực hiện chiến lược “Zero Covid-19” nên Cathay chỉ có thể đứng nhìn các hãng bay khác tại Singapore và Indonesia rục rịch chuẩn bị mở lại tuyến quốc tế.

Vì không có thị trường nội địa, Trung Quốc đại lục vẫn đóng chặt biên giới kể cả với Hồng Kông nên lưu lượng hành khách của Cathay chỉ còn 5% so với mức trước dịch.

Trong khi đó, với Greater Bay Airlines, CEO Algernon Yau - vốn là Giám đốc điều hành chi nhánh Cathay Dragon thuộc Cathay Pacific cho hay: Chúng tôi đang bắt đầu nên chưa có gánh nặng.

Theo ông Yau, Covid-19 đã “san bằng” sân chơi. “Lúc này, tất cả chúng ta đều từ cùng một vạch. Khi hoạt động kinh doanh quay trở lại, chúng tôi sẽ dễ dàng bắt kịp và không bị bỏ lại phía sau”, ông Yau chia sẻ với Bloomberg.

Các chuyên gia còn nhìn thấy một lợi thế rất lớn ở Greater Bay Airlines đó là mối quan hệ của ông Wong tại Trung Quốc đại lục. Tỷ phú Wong, 62 tuổi không phải xa lạ với thị trường hàng không.

Ông vốn sở hữu một hãng bay có trụ sở tại Thâm Quyến là Donghai Airlines, đang phục vụ rất nhiều thành phố tại Trung Quốc và một số tuyến trong khu vực.

Bên cạnh đó, doanh nhân này còn là một thành viên thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc - cơ quan cố vấn chính trị quan trọng của Trung Quốc.

Richard Harris - nhà sáng lập, CEO công ty Port Shelter Investment Management có trụ sở tại Hồng Kông nhận định: “Greater Bay Airlines hẳn sẽ được giới chức đại lục tương đối ưu ái”, đây chính là điều mà đối thủ Cathay không có.

Cathay thuộc sở hữu của một tập đoàn tại Anh, tập đoàn HNA của Trung Quốc và Qatar và không có quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh.

Từ phía Cathay, trước sự xuất hiện của đối thủ mới, hãng này vẫn bày tỏ không lo ngại áp lực cạnh tranh. “Có rất nhiều tiềm năng hàng không để khu vực có thể tiếp tục phát triển”, vị đại diện của hãng nói.

Greater Bay Airlines được định hướng là hãng bay cung cấp dịch vụ toàn diện như Cathay Pacific nhưng với giá tiết kiệm hơn.

Hãng đặt trụ sở tại Hồng Kông, đặt tham vọng bay tới 104 địa điểm tại Trung Quốc đại lục, khu vực Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á bao gồm Thủ đô Bangkok (Thái Lan) và Phutket (Thái Lan).

Greater Bay Airlines chưa xây dựng lịch trình bay, mới nhận được chứng chỉ vận hành hàng không từ đầu tháng 10 và đang làm thủ tục cho giấy phép vận tải hàng không.

Hãng đang thuê 3 máy bay Boeing 737-800 và dự kiến tăng lượng máy bay lên hơn 30 chiếc vào năm 2026.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.