Chính trị

Có lợi ích nhóm trong đề xuất chính sách?

20/03/2018, 07:05

Sáng 19/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mở đầu phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

4

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Liên tục xin lùi, rút các luật, ai chịu trách nhiệm?

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trương Minh Hoàng đề cập vấn đề thời gian qua việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được tuân thủ chặt chẽ, nhiều luật được đưa vào, rút ra liên tục và việc này thường xuyên lặp lại. Ông Hoàng hỏi Bộ trưởng Tư pháp việc xử lý trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai?

Tài sản bất minh của quan chức phải đưa ra tòa

Trả lời chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về quan điểm của Bộ Tư pháp về việc xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra toà xem xét giống như các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ.

Đánh giá việc xây dựng luật có tiến bộ đáng kể thời gian qua, nhưng Bộ trưởng Lê Thành Long cũng xác định, đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng trên. Lý do vì khi lên dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường hết được diễn biến. Ngoài ra, thực tế, có những lãnh đạo cơ quan ban ngành chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thể chế, pháp luật.

Trả lời chất vấn của ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) về việc thời gian qua có tới 124/2.752 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền ban hành phải kiến nghị xử lý; 703/2.752 văn bản có sai sót về pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, chiếm gần 1/3 số lượng văn bản ban hành, trách nhiệm của Bộ thế nào, Bộ trưởng Long cho rằng, trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Bởi liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản thì “tầm với” cao nhất của Bộ Tư pháp là thông tư và nghị quyết của HĐND, còn các văn bản như quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên hay các văn bản pháp lý cao hơn thì Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Nhiều dự án luật quá chậm, không đảm bảo chất lượng

ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp chất vấn Bộ trưởng Long và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng xung quanh chất lượng và tiến độ các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội. Về tiến độ, bà Nga cho rằng nhiều dự án luật quá chậm so với yêu cầu. Việc này đẩy cơ quan thẩm tra vào tình trạng rất khó khăn, có dự án luật từ khi trình đến khi họp chỉ trước 2 ngày, lại rơi vào ngày nghỉ. Về chất lượng, nhiều báo cáo tổng kết còn hình thức, không ký, không đóng dấu; đánh giá tác động “chay”- không có số liệu chứng minh kèm theo; sự tham gia góp ý của các bộ, ngành cũng hình thức.

Thừa nhận, Bộ trưởng Long nhấn mạnh câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu khi trình hồ sơ, trình dự án luật được giao chậm, không đúng tiến độ, không đảm bảo quy trình thủ tục. Theo Bộ trưởng, Quốc hội đã có nghị quyết liên quan công tác xây dựng văn bản, theo đó, xét về nhiệm vụ chính trị, các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong công tác xây dựng pháp luật sẽ là một yếu tố để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. Ở Chính phủ, trong các phiên họp chuyên đề, Thủ tướng cũng yêu cầu rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc trình luật không đúng thời hạn, tiến độ, không đảm bảo chất lượng văn bản.

Có lợi ích nhóm trong đề xuất chính sách?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chất vấn việc có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong việc đề xuất chính sách?

Cho rằng dùng từ “lợi ích nhóm” là khái quát “hơi mạnh”, Bộ trưởng Long nhận định cách thức làm luật của chúng ta như hiện nay cơ bản là ổn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận với cơ quan chủ quản soạn thảo luật ít nhiều cũng có cái nhìn thiên lệch, thiên vị, dành phần thuận lợi hơn cho ngành mình, bộ mình. Ông chỉ rõ, biểu hiện cục bộ (nếu có) trong xây dựng luật thường thể hiện qua một số vấn đề như quy định về quỹ tài chính, vấn đề tổ chức, bộ máy, cơ chế chính sách trong các đạo luật không phải chuyên ngành…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, khi rà soát lại các văn bản, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng là không quy định tổ chức bộ máy trong các đạo luật không phải chuyên ngành, đặc biệt là Nghị quyết 18 đã quy định rõ.

Còn về pháp luật, quy trình, thủ tục và những việc cần làm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật đều đã được quy định rất rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từng tầng, từng nấc, từng công đoạn đánh giá… đều rất rõ. “Tôi nghĩ rằng, nếu có lợi ích nào đấy sâu hơn đối với một ngành thì chắc cũng khó vì quy trình tương đối chặt chẽ”, ông Long khẳng định.

Bộ trưởng KH&CN trăn trở về đề tài khoa học “cất ngăn tủ”

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh tiếp tục đăng đàn trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu kiến nghị của cử tri cho rằng trong thời gian qua có việc trùng lặp trong giao nhiệm vụ KHCN giữa bộ ngành, địa phương. Kết quả nghiên cứu các đề tài chưa được ứng dụng hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn lực, đồng thời truy vấn trách nhiệm của Bộ KH&CN.

Thừa nhận đây là hạn chế, trăn trở mà thực tế vẫn còn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, Bộ trưởng chịu trách nhiệm đề tài cấp quốc gia; các bộ, ngành, UBND tỉnh chịu trách nhiệm từ đầu vào đến nghiệm thu cũng như tiếp nhận kết quả. Nói về giải pháp, Bộ trưởng cũng bày tỏ trăn trở và cho hay, từ việc thu thập, đăng ký đề tài, lưu giữ toàn bộ thông tin 100% đề tài cấp quốc gia khi nghiệm thu đều được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận thực tế đầu vào chưa nghiêm túc và cần tiếp tục tăng cường các giải pháp và thanh kiểm tra.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) muốn biết hàng năm ngân sách Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu KHCN; có hay không tình trạng các đề tài nghiên cứu khoa học “cất ngăn tủ” và với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng làm gì để khắc phục tình trạng này?

“Đề tài bỏ ngăn tủ là cách ví von, nói thật nhiều thế hệ của Bộ KH&CN trăn trở điều này. Với trách nhiệm từng đồng thuế của nhân dân nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, có nghĩa chậm ứng dụng trong cuộc sống là lãng phí”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ và cho biết Bộ đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu của KHCN, nghiên cứu cơ bản. Hiện nguồn ngân sách dành cho nhiệm vụ cấp quốc gia là 2.900 tỷ/năm.

Hoài Vũ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.