Giao thông

Có nên "cào bằng" mức thu giá giữa cầu và hầm?

22/11/2017, 09:05

Trong bối cảnh hiện nay, quy định thu phí cào bằng đối với tất cả công trình đường bộ là bất hợp lý.

13

Hầm Hải Vân - Ảnh: Tạ Tôn

Thông tư 35 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ có hiệu lực từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 năm thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng, mức giá áp dụng chung cho tất cả các công trình, trong đó có hầm lớn đang tạo ra nhiều bất hợp lý.

Hầm đầu tư cao gấp 10 lần cầu, đường

Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa sử dụng dịch vụ đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý đang quy định mức giá tối đa theo lượt áp dụng chung cho tất cả các công trình đường, cầu, hầm... Tuy nhiên, thực tế, các nhà đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ cho rằng chi phí đầu tư xây dựng hầm lớn hơn công trình cầu, đường và chi phí cho quy trình vận hành, khai thác lớn hơn nhiều so với dự án xây dựng cầu, đường bộ.

Là nhà đầu tư sở hữu 3 dự án hầm lớn là: Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân, ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn - SBRC cho biết, các công trình hầm đường bộ có suất vốn đầu tư rất cao, khoảng hơn 10 lần so với công trình khác. “Đoạn tuyến qua hầm là tuyến mới và ngắn nên chỉ có thể thu phí hoàn vốn theo chặng. Để hoàn vốn, không thể thực hiện được nếu cùng quy định về mức giá như đối với các công trình PPP khác do chênh lệch rất lớn về suất vốn đầu tư”, ông Thế nói và cho biết, việc áp dụng quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ trong Thông tư 35 để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ là không khả thi cho bất cứ dự án hầm đường bộ nào có chiều dài lớn từ 1.000m trở lên.

“Hầm đường bộ có chiều dài lớn như: Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông cần chi phí quản lý vận hành và bảo trì thường xuyên hàng năm lớn hơn rất nhiều so với công trình cầu, đường cùng cấp hạng kỹ thuật. Do đó, khi ở một mức giá nhất định mới đủ điều kiện hoàn vốn, còn với mức giá tối đa như hiện nay, không thể hoàn vốn cho một trạm thu phí đặt ở cửa hầm. Mức giá trần hợp lý cần được tính khi công trình PPP hầm đường bộ đã xác định được chi phí đầu tư thực tế và các thông số thực tế khác (dòng xe, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì hàng năm), từ đó giả định với một trạm thu phí hoàn vốn sẽ tính được mức giá tối đa”, ông Thế chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quy định thu phí cào bằng đối với tất cả công trình đường bộ là bất hợp lý. Công trình hầm chi phí đầu tư thường lớn hơn công trình bình thường do phải thi công ở địa chất phức tạp, chi phí quản lý vận hành cũng phức tạp hơn. Do vậy, cần có một cơ chế đặc thù về giá đối với loại công trình này. “Để tính toán mức giá tối đa hợp lý cho công trình hầm cần căn cứ vào chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn và các chi phí khác cho công trình để tính toán mức giá hợp lý”, ông Long nói.

Sẽ có mức giá riêng cho hầm đường bộ

Cũng theo ông Trần Văn Thế, hầm Đèo Cả đã hoàn thành và được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, là hầm đôi với tiêu chuẩn cho đường cao tốc, cũng chính là tiêu chuẩn cho tương lai các hầm cao tốc ở Việt Nam sắp tới, nên việc lựa chọn hầm Đèo Cả như là trường hợp điển hình để tính toán mức giá tối đa bổ sung vào thông tư là hợp lý nhất. Trên cơ sở mức giá tối đa sẽ đảm bảo hoàn vốn cho các dự án hầm đường bộ và cũng là tiền đề cho sự thành công của các dự án PPP hầm đường bộ trong tương lai.

Biểu giá tối đa cho sử dụng hầm đường bộ theo lượt được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng mức giá tối đa là 114.000 đồng (mức chung theo Thông tư 35 là 52.000 đồng). Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn mức giá tối đa là 137.000 đồng (70.000 đồng). Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức giá tối đa là 228.000 đồng (87.000 đồng). Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet có mức giá tối đa là 274.000 đồng (140.000 đồng) và xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet có mức giá tối đa là 547.000 đồng (200.000 đồng).  

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, các yếu tố hình thành giá sử dụng dịch vụ đường bộ quy định tại các hợp đồng dự án thay đổi so với thực tế như: Chi phí đầu tư, tỷ lệ trượt giá, chi phí bảo trì dự án, lưu lượng xe, số thu, lãi suất tiền vay. Do đó, việc xây dựng mức giá tối đa cho dịch vụ hầm đường bộ là hợp lý và cần thiết.  “Cơ sở pháp lý để quy định riêng mức giá tối đa cho hầm đường bộ được căn cứ trên cơ sở Luật Giá số 11/2012, Nghị định số 177/2013 và Nghị định số 149/2016 của Chính phủ. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá có biến động bất thường và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ đã được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất trình Bộ GTVT tại Dự thảo sửa đổi Thông tư số 35, trên cơ sở mức giá của Trạm thu giá hầm Đèo Cả đã được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân). Lý do tổng cục chọn hầm Đèo Cả làm cơ sở đề xuất mức giá chung cho hầm đường bộ là do hiện nay, Dự án hầm đường bộ Đèo cả là dự án xây dựng hầm đường bộ theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư lớn nhất. Bên cạnh đó, mức giá của Trạm thu giá hầm Đèo Cả đã được Bộ GTVT tính toán, phê duyệt trên cơ sở bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển KT-XH của Nhà nước trong từng thời kỳ.

“Tổng cục đề xuất sửa đổi theo hướng tách mức tối đa cho dịch vụ sử dụng cầu, đường bộ theo lượt bổ sung quy định riêng về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt cho các dự án hầm đường bộ”, ông Cường khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.