Doanh nghiệp

Cổ phần hóa, thất thoát ngàn tỷ vì bị “dìm” giá

22/08/2017, 06:25

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi xác định giá trị để CPH bị định giá thấp, sau đó giá cổ phiếu tăng vọt...

9

Nhiều tập đoàn lớn bị phát hiện xác định giá trị doanh nghiệp thấp hơn so với giá thị trường tại thời điểm kiểm toán (Trong ảnh: Công nhân điện lực Hà Nội thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo dưỡng trạm biến áp trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉ 7 doanh nghiệp điều chỉnh tăng hơn 20 nghìn tỷ

Tại hội thảo xác định giá trị doanh nghiệp trước khi CPH và vai trò của kinh tế Nhà nước, ngày 21/8, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết: “Trong bối cảnh Chính phủ muốn đẩy mạnh cải cách, sắp xếp, CPH các doanh nghiệp Nhà nước, đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng chủ trương cố tình định giá thấp giá trị doanh nghiệp, dẫn đến làm thất thoát tài sản Nhà nước vào tay một nhóm lợi ích”.

"Xác định giá trị tài sản là bất cập lớn nhất trong quá trình CPH. Hội nghị T.Ư cũng nêu rõ là có vấn đề định giá thấp, thất thoát tài sản Nhà nước nên việc vào cuộc của KTNN là chắc chắn và hết sức cần thiết. Vừa rồi có vụ việc như tại Công ty CP Điện Quang hay những doanh nghiệp bán ngay lần đầu tăng giá hay có trường hợp đưa lên sàn tăng tới 72% thì đúng là có vấn đề ở khâu định giá. Chúng ta mới bán 8% giá trị doanh nghiệp Nhà nước, còn lại giá trị doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu còn lớn nên quá trình CPH còn lâu dài”.

TS. Hoàng Ngọc Hà

Theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2016, cơ quan này đã thực hiện kiểm toán xác định lại giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hóa của 8 đơn vị. Kết quả, nhiều sai sót đã được chỉ ra như: Tài sản không được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH; nhiều đơn vị tư vấn và kiểm toán độc lập sử dụng phương pháp định giá không sát và tính hết giá trị thực của doanh nghiệp. Sau khi KTNN vào cuộc, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lên 10-15%, thậm chí có đơn vị phải điều chỉnh lên tới 20%. Cụ thể, sau kiểm toán, đã điều chỉnh vốn Nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng đối với những doanh nghiệp trên. “Có những tài sản dù không lớn, những tài sản ban quản lý dự án chuyển giao giữa các giai đoạn đều là dấu hiệu buông lỏng trong các đơn vị thực hiện quản lý những tài sản này”, ông Thành nói.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, năm 2016, sau khi kiểm toán lại phương án xác định giá trị doanh nghiệp của các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, các dự án lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty của Hà Nội và TP HCM…, KTNN phát hiện khâu tư vấn đã làm cho giá trị doanh nghiệp bị xác định thấp hơn so với giá thị trường tại thời điểm kiểm toán. Ông Tiến cho rằng đây là thiếu sót của khâu thẩm định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm định giá. “Giá trị doanh nghiệp được xác định đến ngày 31/12 nhưng công ty thẩm định giá chưa tính đến lợi tức được chia và chưa đưa vào báo cáo. Lẽ ra, doanh nghiệp phải công khai điều này để nhà đầu tư biết vẫn còn một khoản lợi tức của Nhà nước sẽ được chia, từ đó họ sẽ trả giá cao lên. Khi giá cao lên như thế, nếu khâu quyết toán làm chặt chẽ thì vẫn thu được về cho Nhà nước, nhưng nếu Nhà nước không làm chặt thì khoản lợi tức đó sẽ chỉ thuộc về một nhóm cổ đông mà thôi”, ông Tiến nói.

Tư vấn thấp cũng phải chịu trách nhiệm

Theo Bộ Tài chính, Chính phủ đang “thúc” một số tập đoàn lớn, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn như PVN, EVN... hay các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các doanh nghiệp tại TP.HCM cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Đến nay, sau quá trình CPH và thoái vốn, các đơn vị đã thực hiện được ở trên 90% doanh nghiệp Nhà nước nhưng xét về giá trị mới được khoảng 8%. Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là số các doanh nghiệp còn lại ở giai đoạn này đa phần là các doanh nghiệp có quy mô về tài sản rất lớn, nguy cơ của việc thất thoát tiền và tài sản Nhà nước trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp càng trở nên hiện hữu. Chính vì thế, KTNN đang được đề nghị tham gia sâu vào quá trình định giá doanh nghiệp Nhà nước khi CPH. Ý kiến từ Bộ Tài chính đề nghị KTNN tham gia ngay từ khi doanh nghiệp chốt các số liệu mới có thể kịp thời tư vấn, giám sát, cảnh báo ngăn ngừa sai lệch trong việc tính toán, xác định giá trị tài sản.

Hiện, trong định giá giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hóa vẫn vướng nhất là xác định giá trị đất. “Đây cũng là cái khiến nhiều ông thành tích, nhiều ông đi tù”, ông Nguyễn Hồng Long cho hay. Bởi, “giá thị trường” là một yếu tố khó xác định. Bên cạnh đó, ông Thành cũng kiến nghị Chính phủ phải đưa ra trách nhiệm của đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp. “Nếu sai phạm ảnh hưởng giá trị doanh nghiệp thì phải có chế tài”, Phó tổng KTNN nói.

Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/ NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP). Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình cổ phần hóa, trọng tâm là khâu xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất đầy đủ vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; nâng cao trách nhiệm và chất lượng của tư vấn độc lập...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.