Quản lý

Cổ phiếu Cảng Sài Gòn “nóng” trước giờ IPO

15/06/2015, 06:15

Cảng biển lớn thứ 2 và là cảng cuối cùng trong danh sách CPH của Vinalines có vốn điều lệ lên đến 2.162 tỉ...

3
Những hãng tàu lớn nhất thế giới vào làm hàng ở Tân Cảng

Cảng biển lớn thứ 2 và là cảng cuối cùng trong danh sách CPH của Vinalines có vốn điều lệ lên đến 2.162 tỉ đồng sẽ được bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến vào 30/6 tới đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Vingroup đăng ký mua 80% cổ phần

Sức hấp dẫn của các cổ phiếu cảng biển lại một lần nữa được minh chứng khi trước giờ IPO cảng Sài Gòn trên sàn chứng khoán TP HCM, có tới ba “đại gia” muốn tham gia làm Nhà đầu tư chiến lược với tổng số cổ phiếu đăng ký lên tới 102% tổng số cổ phần của DN.

Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết, từ đầu năm nay, khi mới có chủ trương CPH cảng Sài Gòn, đã có ba nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua. Khối lượng đăng ký mua lớn nhất thuộc về Tập đoàn Vingroup (VIC), đăng ký mua 80% tổng số cổ phần Cảng Sài Gòn. VPBank và Vietinbank, mỗi ngân hàng đăng ký mua 11%.

"Các lợi thế về vị trí, quy mô hay năng lực khai thác của cảng Sài Gòn chắc chắn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư muốn quan tâm đến tiềm năng phát triển của doanh nghiệp này”.

Bà Đinh Thị Thu Thảo
nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Vingroup lý giải việc đăng ký mua số lượng lớn cổ phần của cảng này là do Vingroup đánh giá cao tiềm năng phát triển cảng Sài Gòn. Đồng thời, Vingroup nhìn nhận chiến lược CPH của Bộ GTVT, với sự tham gia quyết liệt của nhà đầu tư trong nước là một bước đi đúng đắn để phát triển ngành vận tải thủy.

Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Vingroup cho biết, nếu được chấp thuận, Tập đoàn sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong quản lý và vận hành cảng biển lớn vào loại nhất nước này, nhằm nâng cao công suất bốc dỡ, cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Được biết, vốn điều lệ của cảng Sài Gòn rất lớn, lên tới 2.162 tỉ đồng, đứng thứ hai trong khối DN cảng biển mà Vinalines đang nắm giữ (đứng đầu là cảng Hải Phòng, vốn điều lệ trên 3 nghìn tỉ đồng). Giá khởi điểm của CP cảng Sài Gòn dự kiến là 11.500 đồng/cổ phần.

Theo thông tin của PV Báo Giao thông, CPH lần này, Vinalines mới chỉ dành cho các nhà đầu tư chiến lược tổng số 16,5% vốn điều lệ, tương đương trên 35,7 triệu cổ phần. Số cổ phần được bán đấu giá công khai trên sàn giao dịch ở mức tương đương mức dành cho cổ đông chiến lược là 16,5%, 3% được bán ưu đãi cho nhân viên công ty và Công đoàn, tỷ lệ vốn của Nhà nước nắm giữ được chốt ở mức cao, tới 64%.

Giá cổ phiếu bán cho nhà đầu tư chiến lược được xác định không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai và sẽ được thực hiện sau khi thực hiện đấu giá công khai dự kiến ngày 30/6 này.

Hấp dẫn bởi vị trí và quy mô

Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ QLDN Bộ GTVT, cảng Sài Gòn thuộc nhóm cảng biển số 1 và được đánh giá có sức hấp dẫn hàng đầu trong hệ thống cảng biển VN. “Đối với các doanh nghiệp cảng biển, vị trí và quy mô cảng là những yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả kinh doanh. Cảng Sài Gòn hội tụ đủ hai yếu tố trên”, ông Minh nói. 

Bản thân Vinalines cho rằng, điểm hấp dẫn của Công ty Cảng Sài Gòn là đang quản lý khai thác hàng loạt cảng quan trọng tại khu vực trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, có quỹ đất rất lớn trong đó có những “khu đất vàng”.

Tổng chiều dài các bến cảng do cảng Sài Gòn khai thác gần 3 nghìn m bao gồm 20 cầu tàu và 463.448 m2 hệ thống kho bãi, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng quốc tế và nội địa. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Sài Gòn bình quân khoảng 10 triệu tấn/năm.

Cảng Sài Gòn còn tham gia góp vốn liên doanh tại một số cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép - Thị Vải như SSIT (34%), SP-PSA (36%), CMIT (15%) và đang trong quá trình đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng. Đây là những cảng trung chuyển container quốc tế, có thể tiếp nhận tàu đến 160 nghìn DWT.

Năm 2014, Cảng Sài Gòn đạt 1.073 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 79 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Theo bản công bố thông tin của Vinalines, tổng diện tích đất mà Công ty cảng Sài Gòn đang sử dụng là 1,8 triệu m2, trong đó diện tích thuê là 558 nghìn m2, diện tích đất giao là 1,27 triệu m2. Giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp là 246,5 tỷ đồng.

Riêng khu đất cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã thấy giá trị rất lớn. “Dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, mà Cảng Sài Gòn góp vốn 26%, có diện tích 32,1ha, nằm dọc theo 1.800 m dải đất bờ Tây sông Sài Gòn, dân số dự kiến gần 12 nghìn người, với 3 nghìn căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học, giao thông thuận lợi... thực sự trở thành một “dải đất vàng”, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn Lê Công Minh cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.