Điều tra

Cơ sở đào tạo lái xe "ma" lừa người học giữa Sài Gòn

22/11/2018, 07:25

Sau khi nộp tiền, đăng ký học, nhiều người mới tá hỏa không biết bao giờ mới được thi sát hạch.

15

Hàng trăm người tụ tập trước trụ sở công an quận 8 tố cáo trung tâm lừa đảo - Ảnh: Anh Thư

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều cơ sở giả danh một trung tâm đào tạo lái xe nào đó rồi treo quảng cáo với giá siêu rẻ khiến nhiều người sập bẫy. Sau khi đăng ký học, nhiều người mới tá hỏa khi tiền đã nộp nhưng không biết bao giờ mới được thi sát hạch.

Học nửa năm vẫn chưa được đi thi

Từ lời kêu cứu của nhiều học viên, PV đã tìm đến văn phòng Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Thiên Tâm (địa chỉ 179A Phạm Hùng, phường 4, quận 8) và ghi nhận, văn phòng giả danh này đã lừa tiền của hơn 100 người rồi đóng cửa bỏ trốn. Hiện tại, văn phòng này đã đóng cửa im lìm, ngoài cửa dán một tờ giấy “trả mặt bằng, văn phòng dời đi nơi khác”. Đây là văn phòng mà nhiều người đã đóng tiền để học thi bằng lái xe ô tô với giá từ 6 - 7 triệu đồng, nhưng dù đã học xong cả nửa năm vẫn chưa được thi.

Anh Nguyễn Vĩnh Chánh, ngụ quận 8, TP HCM bức xúc: “Tôi đóng tiền học phí 7,5 triệu đồng bao gồm phiếu khám sức khỏe, đã học xong hết lý thuyết và chỉ còn học một buổi cuối thực hành để đi thi thì trung tâm đóng cửa. Mất tiền, mất thời gian mà không được đi thi”.

Cùng cảnh ngộ, anh Hoàng Vũ Nam, quê ở Bình Thuận cho biết: “Tôi đăng ký từ tháng 3 để nâng bằng từ hạng B2 sang D với phí 6,5 triệu đồng, tự học lý thuyết ở nhà và đợi ngày thi nhưng đợi hoài vẫn không có lịch thi. Gọi điện thoại đến văn phòng cứ bị hẹn và nhiều lần không có người nghe máy. Đầu tháng 10, gọi điện được và trung tâm hẹn 28/10 sẽ báo lịch thi nhưng sau đó cũng không có ai gọi thông báo. Nghi chuyện chẳng lành, đến ngày 3/11 tôi tới thì thấy văn phòng đã đóng cửa chuyển đi nơi khác. Hiện, tôi vừa bị mất tiền đã đành còn bị họ giữ luôn bằng cử nhân”.

Theo lời anh Chánh, có khoảng hơn 100 người đã đóng tiền vào trung tâm mà chưa được thi cùng làm đơn ký tên gửi đến Công an quận 8. Hiện, công an quận 8 cũng đã liên hệ được với người quản lý là ông Võ Văn Hạt Tùng quê ở Gò Công, Tiền Giang. Ngày 4/10, ông Tùng đứng ra cam kết với học viên và Công an phường 4, quận 8 đến ngày 4/11 sẽ trả đầy đủ tiền cho các học viên.

Đến ngày hẹn, hàng trăm người đã đến công ty nhưng phía công ty đã đóng cửa. “Sau đó, chúng tôi có hỏi cơ quan chức năng thì được biết, phía trung tâm hẹn khi nào bán… được đất sẽ trả lại tiền cho các học viên”, anh Chánh bức xúc.

16

Người dân đến Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Thiên Tâm tại 179 A, Phạm Hùng, phường 4, quận 8 để lấy lại tiền nhưng trung tâm này đã trả mặt bằng, bỏ trốn 

Giả mạo, hoạt động không phép

Trao đổi với PV, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, khi sự việc xảy ra, phòng đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ trung tâm, văn phòng đào tạo và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn TP HCM. Kết quả cho thấy không có cơ sở đào tạo nào có tên Thiên Tâm tại địa chỉ 179A Phạm Hùng, phường 4, quận 8. Trên địa bàn TP hiện chỉ có một chi nhánh văn phòng của Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Thiên Tâm ở 324 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh và trụ sở chính ở ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Theo ông Quang, đa số văn phòng ghi danh đều lấy tên giống hoặc gần giống với một trung tâm đào tạo và họ gắn vào đó là các văn phòng, công ty TNHH… nhằm đánh lừa người dân. Hiện nay, phòng chỉ quản lý các trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe có đăng ký với Sở GTVT và thông tin về các trung tâm, văn phòng ghi danh được cập nhật thường xuyên trên website của Sở GTVT. Tại website này cũng cập nhật danh sách các văn phòng ghi danh đội lốt trung tâm học bằng lái xe để người dân cảnh giác.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, do quy định về đăng ký kinh doanh tương đối thông thoáng nên các công ty này “lách luật” để hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái xe khi chưa có giấy phép đào tạo lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong khi đó các văn bản pháp luật trong quản lý hoạt động đào tạo lái xe chưa hoàn chỉnh, cụ thể là chưa có các quy định để quản lý và xử lý các địa điểm, phòng ghi danh giả mạo. Họ đều hoạt động dưới danh nghĩa là công ty tư vấn giáo dục hoặc giáo dục nghề nghiệp, không phải là cơ sở đào tạo lái xe theo đúng quy định pháp luật.

17

Phiếu thu tiền của trung tâm giả mạo Thiên Tâm đều đóng dấu vuông

Để xử lý các địa điểm tuyển sinh đang “lách luật”, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, từng lĩnh vực đã được pháp luật quy định.

Mới đây nhất, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao UBND các quận huyện phối hợp với Sở LĐ, TB&XH, Sở GTVT thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp mở các địa điểm tư vấn tuyển sinh, đào tạo lái xe trên địa bàn quản lý. Đồng thời, báo cáo các điểm giả mạo cho Sở KH&ĐT, Sở LĐ, TB&XH phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định.

UBND TP cũng giao Sở GTVT báo cáo Bộ GTVT, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thêm nội dung xử phạt về hành vi tổ chức, cá nhân tự ý thành lập địa điểm để tuyển sinh, tư vấn và ký kết hợp đồng đào tạo lái xe khi chưa có giấy phép.

Theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 4 địa điểm phòng ghi danh giả mạo tên các cơ sở đào tạo lái xe để tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe trên địa bàn TP gồm: Văn phòng Trung tâm Đào tạo lái xe ô tô TP HCM tại địa chỉ 420, đường 3 tháng 2, phường 12, quận 10 và Trung tâm Dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe trường Đại học An ninh nhân dân tại địa chỉ 258/37 đường Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10; phòng ghi danh Thiên Tâm, địa chỉ số 178A đường Nơ Trang Long, P.12, quận Bình Thạnh; Công ty TNHH Tư vấn lái xe Hải Vân, địa chỉ số 86/7 Trần Thái Tông, phường 15, quận Tân Bình.

Sắp tới, Thanh tra sẽ đề xuất phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra các cơ sở giả danh trên. Hiện, thẩm quyền xử phạt thuộc Sở LĐ, TB&XH, Thanh tra Sở chưa có chức năng xử phạt hành vi trên. Do vậy, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung thêm nội dung xử phạt tại Điều 37, Nghị định số 46/2016/NĐ - CP ngày 26/5/2015 của Chính phủ liên quan đến hành vi “Tổ chức, cá nhân tự ý thành lập địa điểm để tuyển sinh, tư vấn và ký hợp đồng đào tạo lái xe khi chưa có giấy phép đào tạo lái xe”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.