Xã hội

Cơ sở tạm giam, tạm giữ phải độc lập với cơ quan điều tra

27/02/2015, 13:22

Cần có những quy định đảm bảo quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, vì họ vẫn chưa phải là người có tội.

122

Cần quy định rõ những trường hợp nào thì tạm giữ, đến mức độ nào sẽ tạm giam - Ảnh: minh họa

Đó là quan điểm của bà Lê Thị Thu Ba, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư khi trao đổi với Báo Giao thông về Dự án Luật Tạm giam, tạm giữ. Dự án luật này sẽ được các đại biểu cho ý kiến tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hôm nay (27/2).

Bảo đảm quyền của người bị tạm giam, tạm giữ

Theo bà Lê Thị Thu Ba, điều bà đặc biệt quan tâm trong dự án luật lần này là việc tách riêng cơ sở tạm giam, tạm giữ và cơ quan điều tra. “Vừa qua, tình trạng bức cung, dùng nhục hình đã khiến dư luận rất bức xúc. Để hạn chế tình trạng này, nhất định chúng ta phải tách biệt độc lập giữa hoạt động tạm giam, tạm giữ và hoạt động điều tra.

Như vậy, việc lấy lời khai, hỏi cung sẽ được thực hiện khách quan, công bằng hơn, không có chuyện ép cung, nhục hình”, bà Ba nói và cho rằng, với mỗi điều tra viên khi đến cơ sở tạm giam, tạm giữ lấy lời khai cũng phải tôn trọng pháp luật, đảm bảo trong quá trình thực hiện điều tra không lạm dụng quyền để bức cung, nhục hình.

“Trong trường hợp bị bức cung, nhục hình, đề nghị xử lý và bắt cơ sở tạm giam, tạm giữ phải chịu trách nhiệm, như vậy họ mới sợ”, bà Ba đề nghị.

Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, hiện nay, ở cấp tỉnh thì Giám đốc Công an không trực tiếp là thủ trưởng cơ quan điều tra, nhưng ở cấp huyện thì Trưởng công an huyện đồng thời là thủ trưởng cơ quan điều tra. Bởi thế mà trong Dự án luật lần này nên quy định tách bạch hẳn giữa cơ quan điều tra và cơ sở tạm giam, tạm giữ.

Không phải trường hợp nào cũng tạm giam

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội nêu quan điểm: Điều quan trọng nhất của dự án luật lần này là phải đưa ra được những quy định đảm bảo tối đa về quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, vì theo luật, họ vẫn chưa phải là người có tội.

“Luật cũng cần quy định rõ những trường hợp nào thì tạm giữ, đến mức độ nào sẽ tạm giam, rồi tạm giam thông thường trong thời gian bao lâu, sau đó tiếp tục ra hạn như thế nào? Trong thời gian tạm giam, tạm giữ phải đảm bảo những quyền gì của người bị giam giữ? Chế độ giam giữ như thế nào? Điều kiện lao động ra sao…”, TS. Đinh Xuân Thảo đặt vấn đề.

Ông Thảo cho rằng, có thực trạng các trại tạm giam, tạm giữ của chúng ta đang bị quá tải, nên Dự án luật lần này cần đưa ra các biện pháp quản lý khác như giao cho gia đình, địa phương quản lý, chứ cứ có dấu hiệu cấu thành tội phạm mà bắt buộc tạm giam, tạm giữ thì không nên, sẽ gây quá tải. Người bị tạm giam, tạm giữ chỉ mất quyền tự do đi lại, còn tất cả các quyền khác vẫn cần phải được đảm bảo.

"Về việc cho lắp camera ở các phòng hỏi cung cũng chưa thực sự hiệu quả, bởi camera cũng có những góc khuất và nhiều khi cũng bị lợi dụng những góc khuất đó để thực hiện hành vi bức cung, nhục hình. Hoạt động tạm giam, tạm giữ hiện nay còn nhiều điều bất hợp lý về việc đảm bảo quyền con người, về các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các trại giam, hay về việc phân loại đối tượng giam giữ, vì vậy luật phải quy định với những điều kiện cụ thể hơn”.

Bà Lê Thị Thu Ba
Phó trưởng Ban Thường trực
Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp T.Ư

Cùng quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho rằng, làm sao để hạn chế tối đa tạm giam, tạm giữ là tốt nhất, vì thế Dự án luật nên tính đến các hình thức khác như giao về địa phương, giao về gia đình đối với các hành vi phạm tội lần đầu, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, không có tính chất nguy hiểm.

Chỉ giam giữ những người có hành vi phạm tội gây ảnh hưởng lớn, mang tính chất nghiêm trọng. “Theo quy định, người bị tạm giam, tạm giữ vẫn chưa phải là người phạm tội, chưa có quá trình chứng minh theo luật định, chưa có bản án có hiệu lực thì chưa được coi là có tội nên phải quy định cụ thể để tránh oan sai, tránh xâm phạm quyền con người mà luật pháp không cho phép”, ông Lê Thúc Anh nói.

Đồng tình, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, không phải trường hợp nào cũng tạm giam, có những trường hợp không cần tạm giam, khi cần thiết chỉ cần triệu tập đến để điều tra. “Dự án luật lần này phải làm sao đảm bảo việc tạm giam, tạm giữ có kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo quyền con người, kể cả khi họ bị tạm giữ, tạm giam cũng không thể xâm phạm quyền của của họ được”, bà Ba nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.