Pháp luật

Công an TP.HCM cảnh báo chiêu lừa "công an gọi điện thoại làm việc"

25/02/2018, 16:57

Liên tục những ngày qua, Công an TP.HCM phát đi thông báo, người dân cần cảnh giác với tội phạm lừa qua điện thoại.

BCA

Người dân cần cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo qua các cuộc gọi điện thoại giả công an

Theo Công an TP.HCM, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác với thủ đoạn mạo danh công an, viện kiểm sát… hù dọa người dân qua điện thoại nhằm buộc họ chuyển tiền để rồi chiếm đoạt nhưng đến nay vẫn có người sập bẫy các đối tượng này. 

Ngày 25/2, Công an TP.HCM cho biết, đầu năm 2018 cú điện thoại mà nạn nhân là ông C ngụ tại Q.5 khiến Công an TP.HCM tiếp tục phát cảnh báo người dân. Theo đó, ông C nhận được điện thoại thông báo: có bưu phẩm không thực hiện được, xin vui lòng bấm số 016. Sau khi gọi và gặp “nhân viên bưu điện” thì nhân viên này thông báo bưu kiện có có 1 quyển sách và 23 thẻ ATM. Tuy nhiên bưu kiện này đang bị công an tạm giữ để điều tra và đây là vấn đề không nhỏ, nên ông cần liên lạc với Bộ Công an để trình báo.

Trước thông tin này ông C quá lo lắng, hốt hoảng nên đã xin số điện thoại của “Bộ Công an” qua nhân viên này. Lòng vòng vài cuộc gọi, ông C được kết nối với người xưng là "Cục phó cục điều tra của Bộ Công an” tự xưng đang thực hiện "chuyên án 318, mã số 927885"… Ông cục phó này nhận giúp minh oan cho ông C nên hướng dẫn ông C cung cấp mọi thông tin về gia đình, số tài khoản và mở thêm vài tài khoản khác… nhằm chiếm đoạt 7 tỷ đồng qua hệ thống Internet banking (ngân hàng trực tuyến).

Năm 2017 cũng từng xảy ra vụ án tương tự. Nạn nhân bị gọi điện tới số máy bàn thông báo nợ cước, rồi lần lượt dẫn dụ, đe dọa tới mức người dân thiếu tỉnh táo, tự chuyển tiền vào tài khoản của người khác. Trước diễn biến này, Công an TP.HCM yêu cầu cảnh sát khu vực phải họp từng tổ dân phố, cảnh báo tới từng gia đình. Nhờ những nỗ lực đó, chiêu lừa này lắng xuống một thời gian.

Thế nhưng từ đầu năm 2018 tới nay đã ghi nhận gần 10 vụ lừa đảo qua điện thoại. Với chiêu lừa mới, cách làm mới, hầu như không ai nhận biết được những dấu hiệu bất thường. Vì khi người dân mở tài khoản mang tên mình, chuyển từ tài khoản của mình ở ngân hàng này qua ngân hàng khác nên không nghi ngờ và bản thân ngân hàng cũng khó có thể nghi ngờ để cảnh báo.

Vì thế Công an TP.HCM lần này phải tiếp tục phát đi thông điệp cảnh báo người dân phải tỉnh táo, thận trọng để kịp thời báo về cơ quan chức năng khi phát hiện ra dấu hiệu khả nghi. Lưu ý công an không làm việc qua điện thoại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.