Thời sự

Công an xã có được lấy lời khai?

16/10/2014, 20:08

Các hoạt động của công an xã như "vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" chỉ có giá trị hỗ trợ, không có giá trị tố tụng, giá trị chứng cứ...

Công an xã tham gia bảo vệ hiện trường một vụ hỗn chiến trên địa bàn Tp. HCM vào tháng 8/2014. Ảnh nguoiduatin
Công an xã tham gia bảo vệ hiện trường một vụ hỗn chiến trên địa bàn Tp. HCM vào tháng 8/2014. Ảnh: nguoiduatin

Trước đó, Điều 28, Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân quy định trách nhiệm của Công an cấp xã, đồn, trạm thực hiện "vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" trong giải quyết một số trường hợp cụ thể.

Ngay khi ban hành, Thông tư số 28 đã “vấp” phải nhiều ý kiến cho rằng, những quy định này chưa phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh Điều tra hình sự 2004 vì các văn bản này không quy định cho công an xã là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự. Hơn nữa, quy định giao công an xã "lấy lời khai" cũng không phù hợp với quy định "lấy lời khai đối với người bị hại, người biết vụ việc" tại khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã 2008.

Tại cuộc họp do Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) chủ trì mới đây, đại diện VKSND tối cao có ý kiến, Điều 28 quy định trách nhiệm của công an xã trong giải quyết một số trường hợp cụ thể có trách nhiệm "vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, vì, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh Điều tra hình sự 2004 không quy định cho Công an xã là cơ quan tham gia các hoạt động tố tụng hình sự.

Ngoài ra, Thông tư số 28 quy định giao công an xã có trách nhiệm "lấy lời khai" cũng không phù hợp với quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Công an xã 2008. Vì, Pháp lệnh Công an xã quy định công an xã có nhiệm vụ "lấy lời khai đối với người bị hại, người biết vụ việc" (khoản 6 Điều 9). Việc Thông tư số 28 quy định "lấy lời khai" nói chung, không gắn với đối tượng nêu trên có thể dẫn tới việc mở rộng đối tượng lấy lời khai.

Trong khi đó, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng, quy định công an cấp xã được lấy "lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" là có cơ sở. Bởi trong trường hợp ngăn chặn ngay việc người phạm tội bỏ trốn, hiện trường có nguy cơ bị xóa, bị mất do điều kiện khách quan (mưa) hoặc có nguy cơ bị tiêu hủy, xóa dấu vết không thể bảo vệ... trước khi cơ quan có thẩm quyền "vào cuộc" thì việc công an xã thực hiện những hoạt động trên là cần thiết.

“Nội dung quy định tại Điều 28, Thông tư số 28 còn có ý kiến khác nhau, tại thời điểm hiện tại, chưa đủ căn cứ để kết luận về tính hợp pháp”, báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ.

Tại cuộc họp báo ngày 16/10, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, đối chiếu với nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã được quy định tại Pháp lệnh Công an xã thì chưa đủ căn cứ kết luận về tính hợp pháp của Thông tư số 28. Quy định trách nhiệm của công an xã trong một số trường hợp được "vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" chỉ là những nội dung mang tính nghiệp vụ nhằm hỗ trợ cho cơ quan điều tra, không có giá trị tố tụng, giá trị chứng cứ.

“Thông tư này mới được ban hành, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện, nếu phát hiện có sai sót, không phù hợp sẽ kiến nghị sửa đổi”, ông Dũng nêu ý kiến.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.