Quản lý

Công đoàn chật vật hậu cổ phần hóa

03/05/2017, 17:05

Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt chia sẻ, tình trạng chung của công đoàn thời hậu cổ phần hóa...

181

Chủ tịch Công đoàn GTVT VN tặng quà CBCN của Cienco 4 làm việc trên công trường dự án đường cao tốc Bến Lức- Long Thành 

Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt chia sẻ, tình trạng chung của công đoàn thời hậu cổ phần hóa (CPH) hầu hết rất khó khăn. “Đó là thực tế nghiệt ngã nhưng phải nhìn thẳng vào sự thật để các tổ chức công đoàn phải đổi mới toàn diện, hoạt động phù hợp hơn với thực tiễn”, ông Việt nói.

Thực tế nghiệt ngã

Những năm gần đây, ngành GTVT tiến hành CPH mạnh mẽ. Từ lĩnh vực xây dựng cơ bản đến đóng tàu, đường thủy, đường bộ, hàng không, đăng kiểm,… cũng chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Theo ông Việt, bộ máy công đoàn ở các DN cổ phần đều được rút gọn, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm là chính, dẫn đến không thể dành toàn thời gian cho hoạt động công đoàn. Ngoài ra, kinh phí hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thăng Long - CTCP cho biết, tình trạng thiếu việc làm, nợ lương, BHXH tại các DN sau CPH ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở ít gắn kết với hoạt động chung của Công đoàn toàn Tổng công ty hơn. Công đoàn hoạt động chủ yếu từ kinh phí công đoàn và đoàn phí, ít được sự hỗ trợ từ chuyên môn.

"Công đoàn các đơn vị cần quan tâm, thực hiện các hoạt động hướng tới người lao động, vì người lao động một cách cụ thể, thiết thực như: Xây dựng các thiết chế cho người lao động, trong đó có nhà trẻ, trường học, nơi chăm sóc sức khỏe… để giảm bớt chi phí sinh hoạt, người lao động yên tâm làm việc. Cần chăm lo, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động cụ thể, chi tiết đến từng bữa ăn giữa ca đảm bảo đúng chế độ và an toàn thực phẩm, đến từng bộ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động."

Chủ tịch Công đoàn GTVT VN
Đỗ Nga Việt

“Dù thoái vốn, có đơn vị vốn tư nhân chi phối nhưng ông chủ rất quan tâm, các chế độ chính sách đối với người lao động thực hiện tốt. Ngược lại, có đơn vị tuy không thay đổi hẳn chủ sở hữu, vẫn những lãnh đạo đó mua lại được vốn góp của các cổ đông khác nhưng nộp kinh phí dây dưa, chậm, không ủng hộ thời gian cho công đoàn hoạt động”, bà Hương thắng thắn và cho biết thêm, nhiều đơn vị tài chính khó khăn nợ 2-3 năm kinh phí công đoàn. “Khó khăn về kinh phí nên công đoàn phải “liệu cơm gắp mắm”, chỉ tổ chức các hoạt động nhỏ. Hoạt động tại các đơn vị đó tùy thuộc vào tâm huyết của cán bộ công đoàn”, bà Hương nói.

Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Vận tải thủy Nguyễn Văn Tuyên cũng chia sẻ, việc biến động về nhân sự sau CPH, thoái vốn tại các đơn vị khiến hoạt động công đoàn khó khăn. Cán bộ công đoàn cơ sở cũng như cấp trên cơ sở có kinh nghiệm hầu hết nghỉ công tác hoặc thuyên chuyển sang vị trí khác. Cán bộ công đoàn mới trẻ, thiếu kinh nghiệm, kĩ năng hoạt động. Họ đều kiêm nhiệm nên không có thời gian cho trau dồi kĩ năng hay tổ chức các hoạt động phong trào.

Một đoàn viên Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1 chia sẻ, sau khi chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần vào giữa những năm 2000, DN gặp nhiều khó khăn khi vươn ra cạnh tranh, tìm kiếm việc làm trên thị trường. Thiếu việc làm khiến hoạt động công đoàn chỉ trông chờ ở các khoản thu kinh phí công đoàn và đoàn phí. Các hoạt động phong trào hay chăm lo đời sống tinh thần CBCNV, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết ít được sự hỗ trợ kinh phí từ chuyên môn. Chỉ gần đây, sau khi thay đổi chủ sở hữu và ban điều hành vào cuối năm 2016, đời sống CBCNV được quan tâm hơn, hoạt động công đoàn vì thế cũng có khởi sắc.

182
Công đoàn Cienco4 thường xuyên quan tâm đến đời sống CBCNV trực tiếp lao động trên công trường - Ảnh: Phan Nam

Mô hình đơn giản nhưng phải hiệu quả

“Mọi hoạt động của tổ chức công đoàn giờ đây đòi hỏi tính minh bạch rất cao và phải rõ ràng, cụ thể, hiệu quả. Từ trước đến nay vẫn còn có những hoạt động chung chung, đã đến lúc tổ chức công đoàn phải thay đổi quyết liệt để thực sự chuyển mình”, Chủ tịch Đỗ Nga Việt nói và yêu cầu cấp thiết phải đổi mới hoạt động các cấp công đoàn GTVT. Công đoàn phải thiết thực, không họp hành tràn lan. Phải “chốt” những việc cần làm như việc làm, đời sống, chế độ chính sách, an toàn lao động, phong trào thi đua. Nhất là mô hình phải đơn giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả, không thể rườm rà như trước.

Bà Trần Thị Anh Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Traphaco cho rằng, nếu các hoạt động công đoàn thiết thực, gắn với lợi ích DN, chắc chắn chủ DN sẽ quan tâm, tạo điều kiện hoạt động. Mặt khác, lãnh đạo, cán bộ công đoàn tuy kiêm nhiệm nhưng giữ vị trí, chức trách nhất định bên chuyên môn cũng là thuận lợi nếu biết tận dụng, phát huy. “Bản thân tôi cũng kiêm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh. Do nắm được những chiến lược phát triển của DN nên chuyển tải đến người lao động tốt hơn, tổ chức các hoạt động phong trào gắn với thi đua thực hiện mục tiêu SXKD, làm cho người lao động hiểu rằng quyền lợi đi đôi với trách nhiệm để nỗ lực hơn trong công việc. Và ngược lại, những hoạt động đó được lãnh đạo DN ghi nhận, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cả về kinh phí, thời gian”, bà Phương cho biết.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) Phan Đức Hữu cho rằng, các hoạt động công đoàn phải tiết kiệm và xuất phát từ những nhu cầu, lợi ích trong sản xuất, điều kiện làm việc của người lao động. Các hoạt động sẽ thuận lợi hơn khi có sự đồng thuận, hỗ trợ của chuyên môn, nhất là kinh phí. Muốn vậy, vai trò của cán bộ công đoàn, của người đứng đầu tổ chức công đoàn rất quan trọng, phải thường xuyên đến các cơ sở, hiện trường để nắm tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động; Đồng thời, vào cuộc cùng chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội quy, quy định trong sản xuất...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.