Hạ tầng

Công khai các phương án đầu tư, xây dựng đường sắt Bắc - Nam

03/06/2015, 13:26

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo phải công khai phương án phát triển GTVT đường sắt Bắc – Nam để người dân biết.

SAM_5327
Hoàn thành chuyển tuyến cầu đường sắt Sông Bồ trước thời hạn

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GTVT đường sắt và cụ thể hóa các mục tiêu của chiến lược. Theo đó phải làm rõ các thông tin về việc xây dựng các tuyến đường sắt mới, hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam sẽ thực hiện như thế nào để công khai cho nhân dân biết. Cần thiết có thể sẽ tổ chức họp báo công bố công khai chiến lược và quy hoạch phát triển đường sắt để người dân được biết, góp ý.

Theo Bộ trưởng, Bộ GTVT đưa ra các phương án để công khai lấy ý kiến người dân và các chuyên gia. Từ nay đến năm 2020 phải trình báo cáo chủ trương đầu tư đường sắt Bắc – Nam. Ngay bây giờ phải chuẩn bị rất đầy đủ, nhất là việc lắng nghe các ý kiến phản biện mang tính chuyên môn cao và lấy ý kiến nhân dân.

"Ta cứ nói đường sắt cũ kỹ lạc hậu, cứ kêu không có tiền nên không đầu tư được. Nhưng vấn đề là không có tiền mà vẫn làm được hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa" - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Pháp chế rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Đường sắt cùng các Thông tư, văn bản pháp luật khác để phát triển đường sắt, trong đó có đảm bảo ATGT đường sắt.

Theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hệ thống GTVT đường sắt phải đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao, bảo đảm hoạt động GTVT đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

Đến năm 2020, các tuyến đường sắt hiện có được tập trung đầu tư nâng cấp, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/giờ đối với tàu khách và 50-60 km/giờ đối với tàu hàng; nâng cao năng lực, chất lượng vận tải và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai, Gia Lâm-Hải Phòng, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lạng Sơn.

Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội-Vinh, TP. Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chiến lược đề ra mục tiêu đáp ứng khoảng 3-4% thị phần vận tải hành khách và 4-5% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng khoảng 15-20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2050 sẽ đáp ứng tối thiểu 5-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các giải pháp cần phải thực như tăng cường công tác quản lý nhà nước; huy động nguồn vốn, phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp đường sắt...

Sau năm 2050, triển khai tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao tốc 350km/h.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.