Giao thông

Công nghệ TBM giúp đào hầm an toàn, chính xác, hiệu quả

19/09/2016, 05:56

Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật tổ chức lễ vận hành chạy thử thành công thiết bị đào hầm TBM 390E.

Image400597
Thiết bị TBM 390E đã được vận hành, chạy thử thành công

Mới đây, Công ty CP Xây dựng 47, Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật tổ chức lễ vận hành chạy thử thành công thiết bị đào hầm TBM 390E - công nghệ đào hầm tiên tiến trên thế giới được áp dụng thi công trong nhiều công trình giao thông, thủy điện nổi tiếng. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thiết bị này, PV đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ khoa học Lê Văn Cường, Giám đốc dự án tuyến tàu điện ngầm số 1, TP HCM - dự án áp dụng công nghệ thi công TBM.

Là người am hiểu công nghệ đào hầm, thạc sĩ cho biết Việt Nam đang áp dụng công nghệ đào hầm nào?

Có hai công nghệ đào hầm đang áp dụng tại Việt Nam. Một là công nghệ đào hầm cổ điển NATM (New Austrian Tunnel Method) sử dụng biện pháp khoan nổ, dùng bê tông phun để chống đỡ kèm theo hệ chống neo đá, neo đất... Công nghệ thứ hai hiện đại, đa năng hơn là TBM (Tunnel Boring Machine) có thể thi công trên mọi loại địa chất từ đá cứng đến đất yếu, đất sét, đất bồi hay đất cát dưới mực nước ngầm, đi xuyên núi hay dưới lòng biển. TBM có độ an toàn cao, thân thiện môi trường hơn nhiều so với NATM vì không làm rung động, chấn động do nổ mìn. Có thể khoan hầm với tiết diện chính xác như thiết kế với tốc độ thi công nhanh từ 50 -100m/ngày khi sử dụng TBM khoan núi đá.

Thạc sĩ cho biết sử dụng công nghệ TBM có hiệu quả thế nào?

Image400589d

Thạc sĩ khoa học Lê Văn Cường

Áp dụng công nghệ TBM có hiệu quả cao như: Thi công nhanh, chính xác, đa năng, an toàn và hầm càng dài thì càng kinh tế. TBM có những loại chính là TBM khoan đá, TBM EPB và TBM Slurry. TBM EPB thường dùng khoan đất, có thể sử dụng cả trong môi trường đất yếu, nguyên tắc hoạt động là dùng đất được khoan vào khoang máy tạo lực ép cân bằng với lực ép đất đá bên ngoài. Tuyến tàu điện ngầm số 1 tại TP HCM đang áp dụng công nghệ này.

TBM Slurry nguyên tắc hoạt động như TBM EPB nhưng đất được khoan vào khoang máy trộn với dung dịch bentonite thành dạng lỏng. Dung dịch này được ép bằng áp suất không khí và cân bằng với lực ép của nước và đất bên ngoài sau đó được bơm ra ngoài, lọc lớp cát ra và dung dịch bentonite được tái sử dụng. TBM Slurry thường được áp dụng cho địa chất là cát, phần trăm đất sét thấp, đặc biệt hiệu quả với địa chất cát dưới mực nước ngầm.

Với địa hình, địa chất phức tạp tại Việt Nam, xin thạc sĩ cho biết, công nghệ TBM có thể áp dụng thi công những công trình nào?

Trên thế giới có nhiều nước áp dụng công nghệ này. Tất cả các công trình tàu điện ngầm trên thế giới đều áp dụng công nghệ TBM thành công. Một số công trình khác nổi tiếng khác cũng áp dụng công nghệ này như: Đường hầm dài nhất thế giới 57km ở Thụy Sĩ khánh thành mới đây. Hầm nối Pháp và Anh dưới biển, dài 50km, khánh thành năm 1994.

Ở Việt Nam, thi công tàu điện ngầm thì TBM hầu như là công nghệ duy nhất được sử dụng. Ngoài ra, TBM còn áp dụng cho thi công các công trình thủy điện, hầm đường bộ, các công trình liên quan đến đào hầm. Thi công các công trình như thủy điện, hầm đường bộ với địa chất phần nhiều là núi đá, khi yêu cầu của chủ đầu tư cần tiến độ nhanh thì công nghệ TBM không có công nghệ nào khác cạnh tranh. Hầm càng dài, thì sử dụng công nghệ TBM càng kinh tế.

Cảm ơn Thạc sĩ!

Sử dụng thiết bị đào hầm TBM 390E thi công Dự án nhà máy thủy điện

Đa Nhim mở rộngTrao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng cho biết, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim trên sông Đa Nhim (thượng nguồn sông Đồng Nai), nằm dọc QL27, có hồ chứa thuộc tỉnh Lâm Đồng và nhà máy thuộc tỉnh Ninh Thuận. Dự án Thủy điện Đa Nhim được mở rộng bằng việc xây dựng thêm một tuyến năng lượng mới song song với tuyến hiện có.

Trước đây, sử dụng công nghệ đào hầm bằng khoan nổ truyền thống. Trong dự án mở rộng, hạng mục đường hầm dẫn nước có đường kính 3,9m, dài 4.625m nằm gần đường hầm hiện tại, được thi công bằng thiết bị đào hầm TBM 390E. “Chúng tôi chọn Công ty CP Xây dựng 47 thi công khoan hầm bằng thiết bị này bởi sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Thân thiện môi trường, bề mặt trơn nhẵn tạo ra các đặc tính dòng chảy tốt, an toàn cho người và thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công (cường độ đào hầm gấp 4-5 lần so với đào bằng khoan nổ) nên dự án sẽ đưa vào sử dụng sớm hơn, mang lại hiệu quả kinh tế”, lãnh đạo dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.