Thế giới giao thông

Công nghệ thay đổi thế giới giao thông như thế nào?

01/01/2018, 07:00

Giờ đây, những thứ tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng lại đã và đang được thử nghiệm...

53

Xe tự lái an toàn hơn vì hạn chế được những sai lầm của con người

Giờ đây, những thứ tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng lại đã và đang được thử nghiệm, đồng thời sẽ thay đổi cách con người di chuyển trong thành phố tương lai. Tất cả điều đó có được chính là nhờ sự bùng nổ của công nghệ.

Xe sạch, xanh

Một trong những công nghệ đầu tiên đã và đang dần phát triển rộng rãi trên khắp thế giới, được giới chức các nước công nhận là xu hướng giao thông của tương lai, đó chính là công nghệ xe điện.

Những chiếc xe chạy bằng pin điện hoặc cả pin điện và xăng (hybrid) đang dần thay thế xe chạy hoàn toàn bằng nhiên liệu truyền thống.

Trước kia, ai cũng hiểu xe điện sẽ giúp giảm khí thải khoảng 50%, góp phần làm trong sạch môi trường. Nhưng do giá thành sản xuất pin quá đắt, ít người nghĩ đến mua loại xe này.

Tuy nhiên, nhờ công nghệ sản xuất động cơ điện tiên tiến, giá sản xuất một chiếc xe “xanh” cũng trở nên phải chăng.

Nhiều thành phố trên thế giới đang khuyến khích sử dụng xe điện để giảm bớt khí thải bằng cách đưa ra các gói ưu đãi khi mua xe, dùng bãi đỗ xe với mức giá rẻ hơn, thậm chí còn được miễn phí hoàn toàn mỗi lần sạc xe.

Tại các quốc gia như: Na-uy, Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ… Cũng đã xây dựng kế hoạch loại bỏ hoàn toàn ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chỉ sử dụng xe điện để ứng phó với tình hình ô nhiễm môi trường.

Phương tiện không người lái

Điều kỳ diệu thứ hai chính là công nghệ tự động lái. Ngay trong tương lai gần, phương tiện mà con người di chuyển sẽ không còn do con người điều khiển. Hình ảnh chiếc xe không có người lái đi ngang qua trong khi ghế lái trống không như trong các bộ phim viễn tưởng sẽ diễn ra trong đời thực đang được nhiều nước chạy thử nghiệm.

Những chiếc xe này có thể định vị các vị trí dựa trên dữ liệu thu thập từ môi trường xung quanh trên nền tảng công nghệ GPS và cảm biến đa chiều. Đây là một bước tiến chung trong ngành rô-bốt đang đặc biệt diễn ra trong nhiều ngành công nghiệp dịch vụ.

Những xe hơi tự động lái có khả năng tiết kiệm thời gian, hạn chế những sai lầm và lỗi kỹ thuật đáng tiếc của con người nên chúng ta có thể an toàn hơn và luôn có được tuyến đường tiết kiệm nhiên liệu nhất.

Mắt thần dẫn đường

Điều đặc biệt thứ ba là với công nghệ, chúng ta sẽ chẳng cần biết nơi sẽ đi hoặc thậm chí chúng ta đang ở đâu. Nếu là một người khiếm thị hoặc đơn giản không biết cặn kẽ về đường xá và trong tay không có bản đồ, Google Maps, bạn vẫn có thể di chuyển dễ dàng nhờ những tính năng mới của hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Những tính năng này được tích hợp trên các phương tiện giao thông hiện đại cũng như các thiết bị điện tử mà người dùng dễ dàng cầm trên tay.

Hệ thống GPS sẽ giúp bạn lựa chọn các phương tiện giao thông một cách dễ dàng, chỉ cho bạn nơi cần đi dựa trên một số thông tin ít ỏi như tên của toà nhà, hàng ăn, nhà ga hoặc đơn giản là một nơi nào đó bạn hay ghé qua.

Nhờ công nghệ GPS, những chiếc điện thoại thông minh sẽ luôn biết bạn ở đâu và đó là lý do vì sao bạn có thêm một công cụ để đảm bảo an toàn kể cả khi bị lạc.

Nhiều cơ quan khẩn cấp địa phương đã bắt đầu ứng dụng công nghệ định vị GPS nên khi một người gọi điện, vị trí của họ sẽ tự động được hiển thị.

Chia sẻ xe

Nhờ sự phát triển của các tiện ích công nghệ chia sẻ mà khái niệm quyền sở hữu xe sẽ dần dần chuyển đổi thành quyền sử dụng xe. Mỗi người sẽ sử dụng một chiếc xe chung trong khoảng thời gian và các điều khoản đã được thoả thuận.

Một khái niệm khác cũng xuất hiện, đó là chia sẻ chuyến đi - mọi người có cùng một tuyến đường, có thể cùng nhau lên một chiếc xe.

Hình thức di chuyển này sẽ thuận lợi hơn phương tiện giao thông vì dễ tìm và linh hoạt hơn, đồng thời góp phần giảm gánh nặng môi trường bởi thực tế ít xe được sử dụng hơn nhưng nhiều người được vận hành và đi lại hơn.

Công nghệ hiện đại cũng giúp xua tan nỗi lo tìm kiếm nơi đỗ xe. Trong tương lai, người điều khiển phương tiện có thể quên đi cảnh phải đi lòng vòng khắp nơi tìm chỗ đỗ.

Toàn bộ các thông tin liên quan tới điểm đỗ xe, chi phí, thời gian hoạt động đều có sẵn trên các ứng dụng điện thoại hoặc được cài đặt sẵn trên phương tiện.

Nhà cung cấp chỗ đỗ xe, nhà điều hành sẽ bớt được nỗi lo đường phố rối loạn và không phải huy động quá nhiều nguồn lực.

Kết nối vạn vật

Cuối cùng, một trong những điều thú vị và quan trọng nhất mà công nghệ mang lại đó là “mọi thứ đều được kết nối”. Thực chất, công nghệ này được áp dụng để tạo ra tất cả các điều kỳ diệu với giao thông tương lai đã nhắc tới ở trên.

Nhưng nó vẫn xứng đáng để được nhắc riêng bởi nhờ có sự phát triển của công nghệ này, các dữ liệu mới có thể kết nối và người dùng có thể trao đổi với nhau một cách dễ dàng dù trước đó họ chẳng cần quen nhau.

Đó là lý do vì sao phương tiện giao thông trong thế giới hiện đại có thể tự định vị và đưa bạn tới đích bằng tuyến đường nhanh và ít tắc nghẽn nhất có thể.

Các thiết bị cảm ứng, vệ tinh và điện thoại di động của chúng ta sẽ thu thập và chia sẻ thông tin, tạo ra cái gọi là dữ liệu mở. Tất cả kết nối với nhau, giúp con người và hàng hoá di chuyển tự do, thoải mái và trật tự trong thành phố của tương lai.

Những thay đổi trên đang diễn ra trong ngành công nghệ hạ tầng, kết nối đa phương chính là những tiến bộ của ngành công nghệ thông tin.

Do vậy, chúng ta không thể chia tách những sự phát triển này ra từng mảnh. Điều tạo nên một thành phố thông minh chính là khi tất cả mọi thứ được kết nối với nhau.

Với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ, tất cả mọi điều viễn tưởng hoàn toàn có thể trở thành thực tế trong một ngày không xa.

Hiện nay, nhiều khu vực đô thị đang phát triển rất nhanh chóng nên điều cần nhất là phải kiểm soát những hỗn loạn một cách êm xuôi vì tiêu chuẩn sống và an toàn của người dân ngày càng được coi trọng. 

14 nước đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe chạy xăng/diesel

Tính đến cuối năm 2017, đã có 14 nước đặt mục tiêu về hoạt động kinh doanh xe điện. Đầu tiên phải kể đến Anh. Quốc gia này sẽ cấm bán phương tiện chạy bằng diesel và xăng bắt đầu từ năm 2040. Tính đến năm 2050, toàn bộ phương tiện trên đường đều phải là phương tiện không phát thải.

Kế đến là Pháp, chính phủ nước này đã thông báo từ đầu tháng 12/2017 về việc họ muốn chấm dứt kinh doanh các phương tiện chạy bằng diesel và xăng đến năm 2040 để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Sau mốc năm 2040, các nhà sản xuất ô tô sẽ chỉ được phép bán ô tô chạy bằng điện hoặc các năng lượng thay thế không phát thải khác, kể cả xe lai chạy xăng - điện (hybrid) cũng bị cấm.

Ấn Độ cũng là nước cần nhắc đến. Thành phố New Delhi đã thông báo một kế hoạch từ đầu năm 2017, đặt mục tiêu năm 2030, mọi phương tiện được bán tại nước này phải chạy bằng điện. Nhưng có thể dự đoán, triển vọng xe điện tại đất nước này sẽ đầy hứa hẹn vì ước tính, số lượng ô tô trên đường phố Ấn Độ sẽ bùng nổ trong vài năm tới.

Nếu các gia đình lần đầu đều mua xe điện, Ấn Độ sẽ vượt xa các nước đã phát triển về số lượng phương tiện thân thiện môi trường.

Quốc gia tiếp theo phải nhắc tới chính là Na-uy, nơi được đánh giá đi đầu trong lĩnh vực xe điện. Khoảng 40% phương tiện được bán ra tại nước này trong năm 2016 là xe điện/lai điện.

Không dừng lại ở đây, Bộ Giao thông nước này phác thảo kế hoạch và đặt mục tiêu rõ ràng: Toàn bộ xe ô tô chở khách, xe van mới được bán ra trong năm 2025 đều phải là xe không phát thải.

Các nước khác trong danh sách bao gồm: Áo, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tây Ban Nha cũng đã đặt các mục tiêu chính thức đối với doanh số bán xe điện.

Tại Mỹ, nước này chưa có chính sách liên bang về lĩnh vực xe điện nhưng đã có ít nhất 8 bang đặt các mục tiêu về phương tiện tiên tiến, không gây hại cho môi sinh, môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.