Thông tin doanh nghiệp

Công ty CP 487: 30 năm một chặng đường xây dựng và phát triển

07/09/2017, 19:49

Từ một xưởng cơ khí nhỏ, sau 4 lần tách nhập, chuyển đổi mô hình, đến nay 487 đã có thương hiệu riêng.

126

Thi công căng cáp dầm cầu Ngòi Vạc 3, Tuyên Quang

Từ xưởng cơ khí thành công ty xây dựng giao thông

Công ty CP 487 tiền thân là phân xưởng cơ khí CK22 thuộc Nhà máy CT65 - Liên hiệp các xí nghiệp giao thông khu vực 4. Năm 1983, CK22 chỉ có vỏn vẹn gần 20 người với nhiệm vụ chính là sửa chữa các thiết bị xe máy đường bộ ở khu vực các tỉnh Bắc miền Trung. Sau đó, CK22 được giao vận hành Trạm sửa chữa đường bộ QL1 - trạm sở hữu nhiều phương tiện hiện đại nhất thời bấy giờ được nhập khẩu từ nước Nga. Nhờ sở hữu các thiết bị hiện đại nên trong thời kỳ đó CK22 đã sửa chữa toàn bộ các phương tiện, xe máy chuyên dùng phục vụ thi công.

Ông Nguyễn Xuân Mai, nguyên Xưởng trưởng CK22 kể: Lúc bấy giờ, các phương tiện thi công đường bộ suốt từ Thanh Hóa đến Huế đều do CK22 sửa chữa, bảo trì. Đôi khi, CK22 cũng tham gia sửa chữa phương tiện vận tải của phà bến thủy. Riêng năm 1984, CK22 lập công lớn khi sửa chữa thành công động cơ máy tàu hút bùn CT81 bị bão đánh chìm ở biển Nghi Hải. Đây là con tàu hiện đại, động cơ phức tạp tới mức nếu lúc đó CK22 không sửa được thì phải kéo tàu sang châu Âu sửa chữa.

"Trong 30 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, có lúc phải đối diện với khó khăn, nhưng đến nay Công ty 487 vẫn đang giữ được đà phát triển khá. Chúng tôi - những người xuất thân từ 487 luôn hy vọng, đội ngũ lãnh đạo ngày hôm nay sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống đơn vị, xây dựng 487 ngày càng lớn mạnh."

Ông Đào Văn Minh
Cục phó Cục QLĐB II

“Kể từ đó, CK22 trở thành đơn vị chủ lực của liên hiệp. Mỗi khi tàu thuyền gặp sự cố do bão lũ, các cán bộ, kỹ sư CK22 đều được cấp trên điều đi ứng cứu, sửa chữa. Đây cũng là lý do khiến Bộ GTVT ký quyết định tách chuyển phân xưởng CK22 thành Nhà máy Cơ khí thủy CK22 vào tháng 4/1987- sánh ngang với CT65 lúc bấy giờ”, ông Mai cho biết.

Sau quá trình tách chuyển, ông Mai được bầu giữ chức Phó giám đốc, kiêm Bí thư Đảng ủy nhà máy. “Công việc chính của nhà máy là sửa chữa toàn bộ cầu phà trong khu vực. Năng lực sửa chữa của nhà máy đảm bảo sửa chữa được hầu hết các phương tiện vận tải thủy, phà trọng tải tới 600 tấn. Cũng trong khoảng thời gian này, CK22 tiếp tục được giao duy tu sửa chữa các phương tiện thuộc đội phà Bến Thủy”, ông Mai kể.

Năm 1990, sau khi cầu Bến Thủy hoàn thành đưa vào sử dụng, đơn vị quản lý phà Bến Thủy được nhập vào nhà máy CK22 và đổi tên thành Phân khu Quản lý cầu thuộc Khu QLĐB IV. Sau đó 1 năm, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đơn vị được đổi tên thành Công ty 487. Bác Nguyễn Kim Giao, nguyên Phó giám đốc, rồi Giám đốc Công ty CP 487 giai đoạn 1994 - 2000 cho biết: Trong giai đoạn này, nhiệm vụ chính của Công ty 487 là quản lý cầu Bến Thủy, Trạm thu phí Cầu Bến Thủy, Trạm thu phí QL8 và thực hiện duy tu đảm bảo giao thông 10km đường QL1 đoạn từ Nam cầu Bến Thủy vào tới đê Bấn (Hà Tĩnh). Ngoài ra, đơn vị còn tham gia xây dựng một số công trình giao thông nhỏ trên địa bàn và thực hiện nhiệm vụ ứng cứu đảm bảo giao thông trên các tuyến QL ở 6 tỉnh Bắc miền Trung.

“Thời bấy giờ, do đơn vị chủ yếu làm công tác quản lý nhà nước về đường bộ nên sản lượng thực hiện hàng năm thấp, chỉ đạt từ 7-8 tỷ đồng/năm. Trong khi số lượng CBCNV công ty lại đông, dao động từ 250 - 270 người, nên thu nhập người lao động không cao. Thế nhưng, suốt quá trình đó, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đơn vị còn vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1997”, bác Kim Giao kể.

Giai đoạn từ năm 2000 tới 2014, Công ty 487 tiếp tục hoạt động với mô hình doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Khu QLĐB IV - Tổng cục ĐBVN, nhiệm vụ chính của 487 thời kỳ này là làm công tác quản lý, duy tu sửa chữa các tuyến QL trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cùng đó, tham gia xây dựng các công trình giao thông do Khu QLĐB IV làm đại diện chủ đầu tư, tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông khi có sự cố trên các tuyến QL. Thời kỳ này Công ty 487 tuy không còn giữ được vị trí trước đây nhưng lại được xem là cái nôi đào tạo các lãnh đạo của ngành. Nhiều cán bộ xuất thân từ Công ty 487 đã đảm nhiệm chức vụ cao trong các đơn vị của ngành, Tổng cục ĐBVN, trong đó phải kể tới ông Ngô Quang Đảo, Giám đốc công ty, đã trở thành Tổng giám đốc Khu QLĐB IV, rồi tiếp tục được bầu chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN; ông Đào Văn Minh - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật thiết bị, giờ là Cục phó Cục QLĐB II...

Lớn mạnh sau cổ phần hóa

Tháng 10/2013, trước yêu cầu đổi mới về công tác quản lý bảo trì đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ thuộc Bộ GTVT. Theo đó, Ban Thanh tra đường bộ II sẽ sáp nhập vào Khu QLĐB IV, đổi tên thành Cục QLĐB II. Cũng trong thời gian này, toàn bộ các doanh nghiệp thuộc Khu QLĐB IV trước đây sẽ được cổ phần hóa hoàn toàn và tách ra hoạt động độc lập.

Trong thời gian này, Công ty 487 rơi vào tình cảnh khó khăn. Sau nhiều năm hoạt động ở mô hình doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, phương tiện thiết bị lạc hậu. Khi cổ phần hóa, những phần việc trước đây đáng ra được phân bổ theo kế hoạch cho đơn vị, thì nay phải thực hiện đấu thầu công khai. Thiếu vốn, thiếu phương tiện, Công ty 487 đứng trước nguy cơ phá sản khi không đủ năng lực đấu thầu với các doanh nghiệp khác ngành GTVT. Đúng thời điểm này, với sự mạnh bạo và nhanh nhẹn của người lãnh đạo kế vị, Công ty 487 đã có những bước chuyển vượt bậc.

Ông Trần Nguyên Tường, Tổng giám đốc cho biết: Sau khi về tiếp quản Công ty 487, tôi đã cùng với ban giám đốc trước đây họp bàn tìm hướng đi cho Công ty 487. Sau nhiều cuộc họp, chúng tôi đi đến quyết định phải thay đổi toàn diện công ty từ đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn lại bộ máy sản xuất, cho đến việc điều chỉnh phương thức hoạt động. Tất cả đều vì mục tiêu đưa 487 vượt khó và vươn lên thành doanh nghiệp mạnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong hơn 3 năm qua, 487 đã dành vốn đầu tư mua sắm thiết bị, chuyển giao công nghệ mới và đặc biệt là tạo cơ chế thu hút nhân tài. “Với quan điểm không ngồi chờ đợi, tận dụng mọi cơ hội”, Công ty 487 đã nhanh chóng hồi sinh khi được tham gia nhiều gói quản lý duy tu đường quốc lộ, tỉnh lộ trong khu vực. Cùng đó, đủ năng lực thi công các công trình cầu lớn trên các tuyến quốc lộ như: Cầu Diễn Thành (Nghệ An), cầu Ghép (Thanh Hóa), cầu Bình Ca (Tuyên Quang), thi công hệ thống ATGT QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu...

Thành công của Công ty 487 còn ở chỗ doanh nghiệp đã biết nắm bắt và phát huy được lợi thế từ cổ phần hóa, bước đi đúng của đội ngũ lãnh đạo và cách khẳng định thương hiệu bằng chất lượng của các công trình. Từ một đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, sau hơn 3 năm chuyển đổi, doanh nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng khá, giá trị sản lượng 6 tháng năm 2017 vượt gấp 3 lần cùng thời điểm cổ phần hóa. Đời sống, thu nhập bình quân người lao động ổn định và tăng dần theo từng năm.

“Phải nói rằng, sau 3 năm tiếp quản Công ty 487, ban giám đốc mới cùng với tập thể CBCNV toàn công ty đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm vực lại thương hiệu 487. Sau 3 năm cùng quyết tâm, cùng nỗ lực, nay cái tên 487 đã dần được mọi người nhắc đến nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng, không lâu nữa 487 sẽ trở thành một trong những thương hiệu mạnh của ngành”, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng CTGT 487 đặt niềm tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.