Văn hóa - Giải Trí

Công ty giải trí nước ngoài lấn sân thị trường nhạc Việt

27/11/2018, 08:00

Ngày càng có thêm nhiều công ty giải trí của Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư vào thị trường âm nhạc tại Việt Nam.

21

Nhóm LIME được đào tạo bài bản ở Hàn Quốc nhưng chưa nổi bật tại Việt Nam

Nhìn thấy tiềm năng nên đổ xô vào thị trường nhạc Việt

Giữa tháng 11 vừa qua, SGO48 - nhóm nhạc gồm 29 thành viên vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam. Nhóm là sự bắt tay của hai công ty giải trí Nhật Bản AKS (đơn vị chủ quản của nhóm nhạc đình đám xứ sở Hoa anh đào AKB48) và Công ty Geo Brain với một đơn vị tại Việt Nam là Tập đoàn Yeah1. Các thành viên của SGO48 là những cô gái được tuyển chọn từ các vòng thi trên khắp Việt Nam, có tuổi đời từ 12-22 và được đào tạo bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu Nhật Bản, những người trực tiếp dạy cho AKB48. SGO48 chính là “chị em” tiếp theo của AKB48, sau các nhóm nhạc như: JKT48 (Indonesia), BNK48 (Thái Lan), MNL48 (Philippines), AKB48 nhóm SH (Trung Quốc) và AKB48 nhóm TP (Đài Loan). Lý giải về việc kết hợp với công ty Nhật Bản, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Giám đốc Yeah1 cho biết, Việt Nam đang thiếu mô hình đào tạo nghệ sĩ thần tượng âm nhạc để phát huy tối đa tiềm năng của thị trường cũng như tài năng của các bạn trẻ.

"Công ty nước ngoài đào tạo bài bản các nhóm nhạc nhưng quên rằng, giải trí cũng phải phù hợp với văn hóa. Họ đặt nhóm nhạc ở vị trí vedette, trong khi khán giả Việt mong chờ những thứ khác hơn. Các công ty giải trí rất giỏi nhưng cái “gãy” của họ là không tìm được những người am hiểu văn hóa showbiz trong nước, có mối quan hệ và móc nối được với các bầu sô trong showbiz”.

MC Phạm Trọng Khoa

Cũng trong tháng 11, SM Entertainment - ông lớn của làng giải trí Hàn Quốc sở hữu những nhóm nhạc đình đám như: DBSK, Super Junior, Girl’s Generation… cũng có đợt tuyển sinh tại Việt Nam cho dự án thành lập nhóm nhỏ thuộc đội hình NCT hoạt động tại Việt Nam. Trước đó, thời điểm tuyển sinh được thông báo là tháng 7/2018 nhưng kế hoạch này liên tục bị trì hoãn. Hiện tại, toàn bộ thông tin về kế hoạch thành lập nhóm và việc tuyển sinh tại Việt Nam đều được SM bảo mật. RBW Entertainment - công ty quản lý của nhóm nhạc nữ nổi tiếng xứ kim chi Mamamoo cũng xác nhận tổ chức một buổi thử giọng ở Việt Nam nhằm tìm kiếm những thực tập sinh tiềm năng cho công ty.

Thực tế, cách đây vài năm, đã có một số công ty giải trí nước ngoài tiến vào thị trường Việt. Đa số các công ty này đều kết hợp với đối tác tại Việt Nam để dễ bề tiến sâu vào làng giải trí Việt. Một số nhóm nhạc được ra đời và hoạt động tại Việt Nam như LIME (Công ty Giải trí V&K Entertainment - Hàn Quốc), P336 (MBC Studio - Công ty liên doanh Việt - Nhật), M - Tiful (GP Entertainment - Hàn Quốc)…

Việc các công ty giải trí nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam từng được ông Lee So Man, Chủ tịch của SM Entertainment lý giải, Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia khá tương đồng về lối sống, suy nghĩ. Việt Nam lại là một quốc gia có 65% dân số dưới 35 tuổi nên việc xây dựng nền văn hoá giải trí đẳng cấp, đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là điều hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, việc hợp tác trong lĩnh vực giải trí cũng phù hợp với Chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. MC Phạm Trọng Khoa, Giám đốc phát triển nội dung âm nhạc và nghệ sĩ của Yan Digital cho rằng, Việt Nam là quốc gia có phần trăm người dân sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Do đó, các công ty nước ngoài coi đây như một thị trường tiềm năng sinh sôi.

Rào cản văn hóa

Trước đây, ông lớn của các thị trường giải trí phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc thường ưu tiên cho các thị trường như: Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ… vì đây là những quốc gia giúp họ thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Bởi thế, khi các công ty giải trí để mắt tới thị trường âm nhạc Việt Nam là điều đáng mừng vì sẽ tạo cơ hội cho showbiz Việt thêm đa dạng, cũng như hy vọng về những nhân tố được đào tạo chuyên nghiệp. Đối với hoạt động của SGO48, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, nhóm định hướng không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà còn tham gia biểu diễn ở các sự kiện quốc tế, tham gia các hoạt động cùng các nhóm chị em ở những quốc gia khác. Trong khi đó, ông Kosi Yamada, đại diện của YAG Ent - đơn vị chủ quản của SGO48 cũng bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn thông qua nhóm SGO48 sẽ tạo ra một nền văn hóa mới, làn sóng mới tại làng giải trí âm nhạc Việt Nam”.  

Dù vậy, thị trường Việt có dễ “nuốt” hay không lại là chuyện khác. Dễ thấy, LIME đang khá chật vật trong làng giải trí Việt dù đã ra mắt từ năm 2015. Có một thời gian, nhóm sang Hàn Quốc hoạt động rồi trở về Việt Nam nhưng chưa có sản phẩm nào gây được tiếng vang. Nhóm M- Tiful sau khi ra mắt 1-2 sản phẩm không gây được chú ý cũng đã lặng lẽ bốc hơi khỏi làng nhạc Việt. P336 tới thời điểm hiện tại cũng chưa có hoạt động nào nổi bật.

Lý giải về điều này, nhạc sĩ Đằng Phương, Giám đốc nghệ thuật của nhóm LIME tại Việt Nam nhìn nhận, đa số các công ty nước ngoài tập trung vào mô hình nhóm nhưng thị trường Việt không có phản ứng tốt với mô hình nhóm vì khán giả thích nghệ sĩ solo hơn. Do đó, các nhóm đều hoạt động cầm chừng. Có những nhóm chỉ xuất hiện trên mặt báo, còn sản phẩm hay đi show chưa được như nghệ sĩ solo. Thêm đó, cát-sê ở Việt Nam không quá cao, trong khi chi phí của nhóm lại rất cao. Ngoài ra, khán giả Việt có xu hướng ủng hộ “bằng bàn phím” nhiều hơn việc bỏ tiền để ủng hộ nên nguồn thu về cho công ty đầu tư cũng rất khó khăn. Do đó, một nhóm nhạc khó mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho công ty đầu tư. Anh bày tỏ hy vọng khi ngày càng nhiều ông lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ thúc đẩy nền giải trí Việt, nhất là với mô hình nhóm nhạc.

Trong khi đó, MC Phạm Trọng Khoa nhìn nhận, sự đổ bộ của công ty nước ngoài mang lại cơ hội cho các bạn trẻ đam mê âm nhạc, chạm tới ước mơ của mình. Thất bại của những công ty đi trước như một bài học và các tập đoàn giải trí lớn phải nhìn thấy tiềm năng mới đầu tư và đó là tầm nhìn. Chỉ có điều, khi vào Việt Nam, họ luôn khoác cái áo quá lớn cho một thị trường nhỏ mà quên mất vấn đề vùng miền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.