An ninh hình sự

CSGT giải thích lỗi đèn vàng, xe quá tải sợ mức phạt mới

02/08/2016, 10:07

Ghi nhận trong ngày đầu tiên Nghị định số 46 có hiệu lực, đa số người tham gia giao thông chấp hành nghiêm...

1

Anh Trần Quang Văn bị xử lý hành chính với lỗi vượt đèn vàng sáng 1/8 tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú, Hà Nội - Ảnh: Khánh Linh

Ghi nhận trong ngày đầu tiên Nghị định số 46 có hiệu lực, đa số người tham gia giao thông chấp hành nghiêm với các mức phạt mới. Duy chỉ có việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng còn nhiều thắc mắc, nhưng đã được lực lượng chức năng giải thích thấu đáo.

Nhiều thắc mắc khi xử lý vượt đèn vàng như đèn đỏ

Sáng 1/8, ghi nhận tại ngã tư giao giữa Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và đường vành đai 3 (Hà Nội), Trung úy Ngô Hòa Hiếu (Đội CSGT số 6) cho biết, dù đã có quy định xử phạt vượt đèn vàng cũng như đèn đỏ nhưng quá trình tuần tra, xử lý không hề đơn giản. Nhiều người chưa hiểu rõ quy định nên khi xử lý dễ dẫn đến tranh cãi. “Vài trường hợp chúng tôi chỉ nhắc nhở nhưng để có căn cứ xử lý chính xác, khách quan, cần có camera giám sát để làm bằng chứng”, Trung úy Hiếu nói.

Trung tá Trần Việt Hòa, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, nhiều người dân thắc mắc với lỗi vượt đèn vàng xử lý như đèn đỏ. “Người dân nói đèn vàng với đèn đỏ xử phạt như nhau là không hợp lý. Cán bộ làm việc đã lường trước và giải thích quy định đã được Bộ GTVT nghiên cứu kỹ lưỡng trên các cơ sở khoa học và thực tiễn nên phải thực hiện nghiêm”, Trung tá Hòa nói.

"Để thực hiện tốt Nghị định 46, đối với các cơ quan chức năng, bên cạnh việc tổ chức triển khai thì việc tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ, lực lượng chức năng hiểu đúng quy định pháp luật để có thể hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời xử phạt đúng quy định người dân sẽ thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ thuận lợi trong thực hiện Nghị định”.

Ông Khuất Việt Hùng
Phó Chủ tịch chuyên trách
Ủy ban ATGT Quốc gia

Tại Hải Phòng, trong ngày 1/8, các lực lượng cũng đồng loạt ra quân nhưng vẫn tập trung vào tuyên truyền. Theo một CSGT làm nhiệm vụ, việc phát hiện, xử lý xe ô tô vi phạm vượt đèn vàng khá thuận lợi nhưng đối với xe máy rất khó chứng minh bằng hình ảnh vì thời gian chuyển từ đèn vàng sang đèn đỏ, đèn xanh chỉ khoảng 2 giây. Không ít trường hợp chủ phương tiện khi bị CSGT dừng lại đã cự cãi, lý luận rằng khi đèn vàng họ đã đi vượt qua, rất khó cho việc xử lý.

Tại chốt đèn xanh, đèn đỏ ở ngã tư Lê Đại Hành, phường Thanh Bình, TP Ninh Bình (Ninh Bình), Thiếu tá Đinh Văn Hiền cho hay: “Thực hiện theo chỉ đạo, chúng tôi cũng đang tiến hành xử lý đối với các trường hợp vượt đèn cấm. Anh Nguyễn Văn Trường, ở TP Ninh Bình cho hay: “Hôm nay biết có quy định xử phạt mới nên đi xe máy ra đường cũng e dè lắm. Đến các điểm đèn xanh, đèn đỏ phải chú ý vì tín hiệu đèn vàng rất ngắn chỉ trong 2 giây là chuyển sang đèn đỏ”.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: “Trên địa bàn thành phố Pleiku hiện có nhiều bảng tuyên truyền về mức xử phạt đối với trường hợp vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 46, những tấm bảng này không còn hiệu lực. Thời gian tới chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp cần thay thế nội dung của những tấm bảng này để cảnh báo người dân”.

2
Do chở quá tải, xe này bị yêu cầu quay lại kho dỡ bớt hàng mới được ra khỏi Cảng Cửa Lò - Ảnh: Văn Thanh

Tuyên truyền, nhắc nhở là chính

Tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), Thượng úy Trần Viết Chinh, Đội phó Đội CSGT của quận này cho biết, nhiều lỗi vi phạm tăng nặng mức phạt nên cán bộ vừa làm vừa giải thích. Nhiều khi CSGT phải mở Nghị định mới ra để thuyết phục người dân. Theo Trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, từ đầu tháng 7, đơn vị đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ về Nghị định 46. Ngày đầu xử phạt, phòng chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng mạnh từ người dân.

Tại Hải Phòng, Hải Dương, PV cũng ghi nhận các lực lượng chức năng vừa xử phạt, vừa tuyên truyền cho người dân. Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng CSGT Hải Dương cho biết: “Chúng tôi quán triệt các đơn vị đồng loạt ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định 46. Những hành vi mới bổ sung, tăng nặng chủ yếu tuyên truyền, chưa xử phạt”.

"Trong Nghị định 46 không có một từ nào nói về xử phạt lỗi vượt đèn vàng mà chỉ quy định phạt hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông”. Quy định này phù hợp với Luật GTĐB quy định: “Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. Tôi khẳng định lại một lần nữa là trong Nghị định 46 không có hành vi nào phạt vượt đèn vàng mà chỉ phạt hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông”.

Ông Hoàng Thế Tùng
Phó Vụ trưởng Vụ ATGT(Bộ GTVT), thành viên Ban soạn thảo Nghị định

Theo Thiếu tá Nguyễn Lương Trọng, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương): “Trong ngày, lực lượng CSGT đã dừng xe kiểm tra nhiều phương tiện xe khách vi phạm các lỗi mới như: Không dán công khai số điện thoại đường dây nóng, phù hiệu, logo công ty… Những lỗi này nếu áp dụng theo Nghị định 46 mức phạt khá cao. Tuy nhiên, các lái xe đều trình bày chưa nắm được quy định nên chúng tôi chỉ nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh”.

Tại TP.HCM, nhiều người khi bị thổi phạt còn lúng túng khi chưa nắm được các thông tin của Nghị định mới. Trong ít phút buổi sáng, Đội CSGT Bàn Cờ đứng chốt tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ (quận 3) lập biên bản xử phạt hơn 10 trường hợp chủ yếu vi phạm các hành vi như vượt đèn vàng, vi phạm nồng độ cồn; đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không đi bên phải theo chiều đi của mình… Nhiều người nói, chỉ nắm sơ qua về lỗi vượt đèn vàng, còn các hành vi khác mới bị đưa vào xử phạt hay bị tăng nặng hình phạt hơn không để ý.

Sáng 1/8, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT tỉnh Hưng Yên) cũng ra quân TTKS trên tuyến QL5 để tuyên truyền, xử phạt những hành vi vi phạm theo Nghị định 46. Đại úy Bùi Đức Hợp, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết, hôm nay là ngày đầu tiên xử lý theo Nghị định 46 nên đơn vị chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở người dân và phổ biến một số lỗi vi phạm thay đổi mức hình phạt.

Xe quá tải “sợ” mức phạt mới

Có mặt tại trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) số 035 ở Km 69+700, QL38B dưới chân cầu Yên Lệnh (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) chiều 1/8, PV ghi nhận hầu hết các chủ phương tiện đều chấp hành nghiêm chỉnh quy định tải trọng cho phép.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trạm trưởng Trạm KTTTX 035 cho biết, theo Nghị định 46 mức phạt quá tải tăng mạnh nên hầu hết các xe đều chấp hành nghiêm chỉnh. Duy nhất vào thời điểm 12h41, Trạm phát hiện xe tải BKS 90C-05003 kéo theo rơ móoc 90R - 00205 do tài xế Nguyễn Duy Nam (cũng chính là chủ xe) điều khiển chở vật liệu xây dựng 57,08 tấn (quá tải trọng cho phép 18,4%). Đơn vị đã tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 3 triệu đồng (trước kia 900 nghìn đồng) theo quy định mới.

Tại Quảng Ninh, từ 00h đến 16h ngày 1/8, Trạm KTTTX 103 cũng tiến hành xử lý 5 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 57 triệu đồng. “Khoảng 11h ngày 1/8, đơn vị kiểm tra bơm bê tông BKS 29HC - 008.25. Quá trình kiểm tra, tài xế xuất trình giấy tờ nhưng có biểu hiện chống đối khi không cho xe vào cân mà ngang nhiên điều khiển xe rời trạm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm này”, ông Bùi Trọng Mỹ, trạm trưởng Trạm KTTTX 103 Quảng Ninh nói và cho biết, cùng ngày, lực lượng cũng tiến hành kiểm tra xe BKS 29C - 315.68 kéo theo rơ móoc BKS 29R - 009.19 vi phạm tải trọng từ 30-50% phạt 18 triệu theo mức phạt của Nghị định 46.

Hầu hết lái xe chuyên nghiệp khi được hỏi đều nắm rất rõ quy định mới trong Nghị định 46 và đồng tình với việc tăng nặng mức phạt. Lái xe Vũ Văn Hưng (SN 1979, Kiến Hưng, Thái Bình) người đã có kinh nghiệm gần 10 năm lái xe đường dài, cho biết: “Lái xe chúng tôi đã nắm được cơ bản lỗi sẽ bị tăng nặng mức xử phạt nên luôn nêu cao cảnh giác và tuân thủ các quy định”.

Ngày 1/8, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An cũng phối hợp với Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh tổ chức kiểm soát tải trọng xe tại cảng Cửa Lò và cảng Bến Thủy. Đây là lần đầu tiên lực lượng cảng vụ được giao quyền xử phạt xe quá tải nhằm kiểm soát tải trọng ngay tại điểm xuất phát. Ghi nhận của PV, trong vòng hơn 2 giờ kiểm tra tải trọng các xe ra vào cảng Cửa Lò, lực lượng cảng vụ đã tiến hành kiểm tra kết quả cân tải trọng 10 xe chở hàng vào và rời cảng thông qua hệ thống cân được lắp đặt tại cảng này. Qua kiểm tra, hầu hết các xe đều chở hàng đúng tải trọng cho phép. Duy chỉ có 1 trường hợp xe BKS 37C-044.41 bốc hàng rời tại kho chứa nông sản của cảng có tải trọng vượt mức cho phép khi lên bàn cân. Với trường hợp này, lực lượng cảng vụ chỉ nhắc nhở và yêu cầu lái xe đưa xe quay lại kho trả bớt hàng, tới khi đúng tải trọng cho phép mới được rời cảng.

Lý giải về việc này, ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ Cửa Lò cho biết: “Với các xe chở hàng rời, khi xếp hàng lên xe, chúng tôi phải đưa xe ra trạm cân để xác định trọng lượng hàng hóa, tải trọng xe. Do đó, chúng tôi thống nhất không coi đây là hành vi vi phạm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.