Hồ sơ tài liệu

Cử tri Anh “giằng xé” đi hay ở lại EU

07/05/2015, 13:15

Hôm nay (7/5), nước Anh diễn ra cuộc tổng tuyển cử Quốc hội. Cuộc bầu cử này được dư luận thế giới quan tâm.

111

Thủ tướng Anh David Cameron (bên phải) vận động tranh cử

Đương kim Thủ tướng đi vận động tranh cử bằng xe bus

Trong hai ngày 5-6/5, đại diện các chính đảng lớn vẫn nỗ lực vận động tranh cử đến phút chót nhằm giành được kết quả cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử hôm nay.

Đương kim Thủ tướng Anh David Cameron - đại diện cho đảng Bảo thủ đi vận động tranh cử lần cuối bằng xe buýt trong 36 giờ, nhằm kiếm thêm lá phiếu từ những cử tri vẫn đang do dự. Đối thủ chính của ông Cameron là Ed Miliband - Thủ lĩnh Công đảng cũng ráo riết vận động hai ngày trước tổng tuyển cử, tập trung vào lĩnh vực Dịch vụ y tế công (NHS) - vấn đề được cử tri ở khu vực bên rìa quan tâm.

Nếu đảng nào giành được số ghế quá bán - 326 ghế, sẽ đủ để tự thành lập Chính phủ. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, khả năng hai đảng sẽ giành số ghế ngang nhau. Trường hợp đảng Bảo thủ giành được số ghế tối thiểu - 290 thì sẽ phải liên minh với đảng Dân chủ tự do của Phó Thủ tướng Nick Clegg. Và khi đó, ông Cameron vẫn sẽ là Thủ tướng nhiệm kỳ tới. Bộ trưởng Tài chính George Osborne nhận định đảng Bảo thủ chỉ còn thiếu 23 ghế và sẽ tận dụng mọi cơ hội trong thời gian còn lại.

Hiện Phó Thủ tướng Nick Clegg vẫn để ngỏ khả năng liên minh với “bất kỳ đảng nào giành nhiều ghế nhất”. Trong khi ông Vince Cable, Bộ trưởng Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng thuộc đảng Dân chủ tự do cho biết sẽ thương lượng để giữ nguyên số ghế bộ trưởng của đảng này trong Chính phủ mới.

Hãng cá cược William Hill đánh giá đây là cuộc bầu cử có tỷ lệ thắng/thua sít sao, và khả năng trở thành Thủ tướng của hai ông Cameron và Miliband ngang nhau.

Đầu tư cho giao thông

Phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Yorkshire, ông Cameron tuyên bố khu vực này sẽ bước vào một giai đoạn kinh tế sôi động nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7/5 và cam kết sẽ làm hết sức để thu hẹp khoảng cách tăng trưởng giữa miền Bắc với miền Nam.

Trong số những cam kết của đảng Bảo thủ nhằm kích thích tăng trưởng ở khu vực miền Bắc có kế hoạch đầu tư vào hạ tầng giao thông, cụ thể là kéo dài đường cao tốc M62 lên các tỉnh phía Bắc, điện hóa tuyến đường sắt từ Hull tới Selby ở vùng Yorkshire, xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc mới nối Liverpool và Newcastle nhằm rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa miền Đông và miền Tây. “Chúng tôi sẽ thu hẹp khoảng cách Bắc-Nam. Thông điệp của tôi với miền Bắc rất đơn giản: đảng Bảo thủ vì các bạn”, ông Cameron nhấn mạnh.

Trước bầu cử, Thủ tướng David Cameron còn cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu, nếu thắng cử. Tuy nhiên, cuộc điều tra dư luận do tổ chức độc lập điều tra dư luận YouGov tại Anh công bố ngày 5/5 cho thấy, chỉ có 18% người được hỏi khẳng định họ sẽ bỏ phiếu để nước Anh li khai EU; 34% muốn Anh vẫn ở lại EU; 14% vẫn đang lưỡng lự và số còn lại thì chưa có quyết định.

Nếu Công đảng giành thắng lợi và lên nắm quyền thì người châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm khi ông Ed Miliband luôn ủng hộ việc Anh ở lại EU.

Cơ quan nghiên cứu Open Europe cho biết: Anh có thể mất khoảng 2,2% GDP/năm (82 tỷ USD), đủ để gây ra một cuộc khủng hoảng nếu rời EU. Còn EU, nếu mất Anh, đồng nghĩa với việc mất 21 tỷ USD/năm.

Cuộc bầu cử lần này cũng là cách để trưng cầu dân ý chuyện đi hay ở lại EU và nó sẽ đưa nước Anh đến một giai đoạn mới, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền chính trị và nó tác động mạnh đến tương lai nước Anh, Giáo sư chính trị Jon Tonge của Đại học Liverpool nói. Còn tờ Le Figaro của Pháp nhận định: Dù bên nào được chọn, cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn châu Âu. 

img

Nga điều chỉnh chiến lược an ninh, Israel hủy bán máy bay cho Ukraine

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.