Chuyện dọc đường

Cung cấp dịch vụ tốt cho người dân

11/06/2018, 07:35

Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ hành chính công... là một trong những giải pháp để “giải phóng” biên chế.

2

Việc chuyển giao cho DN, tổ chức xã hội đảm nhiệm dịch vụ hành chính công là cần thiết (Trong ảnh: Làm thủ tục kiểm định xe cơ giới tại Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội ) - Ảnh: Tạ Tôn

Đây có lẽ là hình ảnh sinh động nhất miêu tả cách thức để thực hiện mô hình “nhà nước nhỏ - xã hội lớn” như tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hình tượng “nhà nước nhỏ” hàm ý là bộ máy Nhà nước tinh gọn nhưng vẫn hiệu lực, hiệu quả trong khi đó, “xã hội lớn” mang ý nghĩa các doanh nghiệp được hoạt động, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ hành chính công, chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công là một trong những giải pháp để “giải phóng” biên chế. Khi đó, Nhà nước sẽ không phải “tốn cơm” nuôi những bộ máy cồng kềnh mà có thể giao cho các thành phần ngoài Nhà nước đảm đương khi họ có khả năng, có nguồn lực để thực hiện.

Thực tế, đột phá trong việc xã hội hoá dịch vụ công chứng đã khiến những gì được coi là bức xúc nhất trong lĩnh vực này gần như được “xoá sổ”. Chỉ trong một thời gian ngắn, không còn cảnh chen nhau, xếp hàng chờ đợi, không còn “cò” công chứng nở rộ như báo chí vẫn nêu.

Cũng như vậy, trong lĩnh vực đăng kiểm, việc xã hội hoá mạnh mẽ đăng kiểm xe cơ giới thời gian qua đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải, tạo thuận lợi cho chủ phương tiện, lái xe khi đến đăng kiểm định kỳ. Thực tế, khi có cạnh tranh, các cơ sở đăng kiểm buộc phải đầu tư hệ thống dây chuyền, thiết bị kiểm định hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi nếu không đáp ứng được nhu cầu xã hội, không tương xứng với đồng tiền khách hàng bỏ ra thì việc “đóng cửa chỉ là thời gian”.

Tất nhiên, việc xã hội hóa dịch vụ nào, lộ trình ra sao, cách thức thế nào sẽ tiếp tục là vấn đề cần phải bàn. Đừng nghĩ chuyển giao đi là xong. Hay nói cách khác, không thể đánh đồng xã hội hoá với việc Nhà nước “buông xuôi”, “hết trách nhiệm”, “khoán trắng” cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội triển khai. Trước, trong và sau khi thực hiện chuyển giao dịch vụ cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội thực hiện, liên tục cần đánh giá năng lực, hiệu quả, chất lượng, nếu làm không tốt thì Nhà nước phải có giải pháp, chế tài, thậm chí có thể thu lại để thực hiện tiếp bởi mục tiêu cuối cùng phải là cung cấp cho người dân dịch vụ tốt nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.