Bạn cần biết

Cúng tảo mộ Tết Thanh Minh cần chuẩn bị những lễ gì?

06/04/2019, 06:46

Khi đi tảo mộ dịp Tết Thanh Minh, việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ đầy đủ là rất quan trọng để bày tỏ tấm lòng thành kính với tổ tiên.

img
Những lễ vật cần chuẩn bị khi đi tảo mộ Tiết Thanh Minh. Ảnh VTC News

Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của tiết này được gọi là Tết Thanh minh. Tết Thanh minh năm 2019 rơi vào ngày 5/4 Dương lịch (1/3 Âm lịch).

Người Việt thường cúng Tết Thanh Minh tại cả hai nơi là ở gia đình và phần mộ tổ tiên.

Lễ cúng khi đi tảo mộ

Khi đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh, việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ sao cho đầy đủ là rất quan trọng. Các vật phẩm dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay). Các lễ vật gồm: Hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ vật đặt trên bàn có thể chung nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương cả. Số hương thắp phải là số lẻ, thường là 1 hoặc 3 nén vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm; đèn hoặc nến là 2 cây tượng trưng cho Mặt Trăng và Mặt Trời.

Về vấn đề lễ chay hay lễ mặn, ngày nay có những quan niệm khuyên nên cúng bằng lễ chay vì như vậy là không sát sinh nên vong hồn tổ tiên dễ siêu thoát. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong. Lễ mặn có thêm rượu thịt, chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc độ vài lạng.

Cách cúng lễ khi đi tảo mộ

Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ đặt lễ vật cúng Tết Thanh Minh vào chỗ thờ chung để làm lễ. Nếu nơi đó không có chỗ thờ, không phải nghĩa trang thì cần chuẩn bị đôn, kệ để đặt đồ lễ chứ không xếp trên mặt đất.

Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau khi hoàn tất các việc, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng. Ngoài ra cũng cần cắm những ngôi mộ gần cạnh đó mỗi mộ một nén hương để tỏ lòng kính trọng và chia sẻ sự thành kính với những ngôi mộ không được chăm sóc cẩn thận hay vô chủ, không có người viếng thăm.

Những chú ý khi đi tảo mộ.

- Không nên đi vào những nơi hẻo lánh để tránh nguy hiểm. Tốt nhất hãy đi theo lối mòn những người đi trước đã để lại.

- Phụ nữ đang thời kì hành kinh hoặc mang thai không nên đi tảo mộ. Không tính đến vấn đề phong thủy, cơ thể người phụ nữ lúc này rất yếu, dễ bị nhiễm lạnh và khí độc có nhiều ở nghĩa trang.

- Khi đi lại cần nhẹ nhàng, cẩn thận. Bạn không nên làm lộn xộn và xới vung đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh.

- Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi. Gia đình cũng đừng quên quét dọn cả phía sau mộ.

- Khi tảo mộ, cần chú ý xem xét bốn phía của ngôi mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.

- Khi tảo mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác. Gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận.

- Những người có khí trường, sức khỏe yếu thì khi vào nhà nên bước qua chậu lửa hoặc tắm nước lá bưởi để xua đi những trường khí độc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.