Thế giới giao thông

Cuộc đua sản xuất ô tô không chìa khóa

09/01/2019, 08:45

Dù đã có nhiều cải tiến nhưng những chiếc chìa khoá vẫn bị đánh giá là bất tiện và không đủ an toàn...

32

Hyundai SantaFe 2019 được tích hợp cảm biến vân tay thay cho khóa truyền thống

Dù đã có nhiều cải tiến nhưng những chiếc chìa khoá vẫn bị đánh giá là bất tiện và không đủ an toàn cho các loại ô tô bốn bánh. Với mong muốn mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng, nhiều nhà sản xuất ô tô đang nỗ lực nâng cấp hệ thống khóa thông minh của riêng mình.

Xu hướng bảo mật của tương lai

Trải qua hàng trăm năm phát triển, những chiếc ô tô đang ngày càng được tích hợp nhiều loại công nghệ, đem lại sự an toàn và tiện ích tối đa cho người sử dụng. Những chiếc chìa khóa xe cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Từ loại chìa cơ khí truyền thống, người dùng ô tô đã dần trở nên quen thuộc với hệ thống chìa khóa điện tử (Fob), giúp chủ xe chỉ cần bấm nút để mở cửa và khởi động phương tiện.

Tuy nhiên, tất cả những công nghệ trên đang bị đánh giá là lỗi thời, không đảm bảo an toàn cũng như bất tiện khi người dùng luôn phải mang theo các thiết bị dạng khóa bên mình.

Để khắc phục hạn chế này, nhiều nhà sản xuất ô tô đã tập trung nghiên cứu và cho ra đời những mẫu xe không cần khóa, được tích hợp công nghệ sinh trắc học, cụ thể là cảm biến vân tay, nhằm tăng cường hệ thống an ninh, bảo mật trên những chiếc xe của mình.

Đây vốn là tính năng đang được áp dụng trên các máy điện thoại thông minh, cửa ra vào các doanh nghiệp như một thiết bị an ninh xác minh danh tính.

Cảm biến được sử dụng trên xe sẽ nhận biết điện dung của con người, qua đó hệ thống có thể tránh được việc sử dụng vân tay giả mạo hay các cuộc tấn công đột nhập.

Đối với ô tô, công nghệ này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được nhiều hãng ô tô sử dụng. Nhưng, theo nhiều chuyên gia, trong tương lai, nó chắc chắn sẽ được phổ biến và là một trong những tính năng cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Cuộc đua của các “ông lớn”

Trong năm nay, hãng Hyundai sẽ cho ra mắt chiếc SUV SantaFe 2019. Đây là mẫu xe đầu tiên được ứng dụng cảm biến vân tay, tích hợp trong tay nắm cửa và nút bấm khởi động.

Hệ thống này cho phép nhiều người dùng chung xe cùng đăng ký trước dấu vân tay của mình. Toàn bộ dữ liệu bảo mật sẽ được mã hóa và lưu trên xe. Ngoài ra, nó cũng nhận diện và giúp chủ xe điều chỉnh các thông số trên xe như vị trí ghế, gương chiếu hậu… cho phù hợp.

Hyundai đã chọn Trung Quốc là thị trường đầu tiên bán dòng xe có sử dụng công nghệ mới này. Nếu phản ứng của người tiêu dùng tại đây khả quan, hãng xe triển khai nó tại nhiều khu vực khác trong các năm sau.

Trước đó, Bentley đã có cảm biến vân tay trên dòng siêu SUV Bentley Bentayga, nhưng chỉ có thể mở được cửa xe. Muốn khởi động xe vẫn cần có chìa khóa truyền thống.

Tuy nhiên, thương hiệu xe sang này đã sẵn sàng để triển khai công nghệ bảo mật mới trên các mẫu ô tô của mình trong tương lai, nhằm nâng cao tính tiện lợi và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo cũng đã ra mắt các mẫu xe không cần dùng khóa từ năm 2017. Thông qua việc tích hợp ứng dụng kết nối và bảo mật không dây, người dùng sẽ quản lý xe bằng phần mềm cài trên điện thoại thông minh.

Khi kết nối bluetooth, ứng dụng sẽ tự động mở khóa khởi động cho xe khi người dùng tới gần và kích hoạt bảo mật khi rời khỏi phương tiện. Đây cũng là tính năng được ứng dụng trên những dòng BMW 3 Series 2019.

Ông Henrik Green, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng, dịch vụ khách hàng và kế hoạch sản phẩm của Volvo cho biết, con người ngày càng muốn sử dụng xe một cách dễ dàng, đa tiện ích và công nghệ sinh trắc học hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu này.

Mặc dù vậy, công nghệ cảm biến vân tay vẫn còn những lỗ hổng cần được khắc phục. Như với SUV SantaFe 2019, Hyundai sẽ phải đảm bảo cảm biến vân tay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết hay khi chiếc xe bị bẩn.

Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm, tỉ lệ lỗi của hệ thống là 1:50.000, như vậy phương tiện vẫn có khả năng bị đột nhập do vân tay giả mạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.