Bạn cần biết

Nghiện "chuyện ấy", giận mà thương

24/05/2015, 06:19

Đa phần, dư luận xã hội đều nhìn nhận người nghiện "chuyện ấy" như một thứ bệnh hoạn, trác táng...

81
Cuồng "chuyện ấy" là một căn bệnh mà người trong cuộc rất khó nói

Phát hoảng vì nghiện "yêu"

Gọi điện đến đường dây tư vấn tâm lý, một người phụ nữ xưng tên V., đã ngoài 50 tuổi cho hay, vợ chồng bà đã từng rất hạnh phúc với hai con, một trai, một gái ngoan ngoãn, cuộc sống ổn định của hai viên chức địa phương sắp đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng cách đây ba năm, chồng bà bị TNGT, sau khi điều trị khỏi bệnh, ông bỗng ham mê chuyện vợ chồng quá mức.

“Ngày nào ông ấy cũng đòi hỏi chuyện ấy ít nhất 1-2 lần. Tôi có tuổi rồi nên đáp ứng không đủ thì ông “kiếm” thêm bên ngoài. Ban đầu, tôi nghĩ đó là triệu chứng mãn dục nam kiểu “lửa bùng lên trước khi tắt lịm” nên cố gắng chịu đựng. Nhưng gần đây, ông “muốn” nhiều hơn, như vừa rồi hai vợ chồng đi du lịch cùng cơ quan, trước khi rời nhà ông đã tranh thủ “tình cảm”, lên xe rồi ông còn nằng nặc rủ tôi xuống cuối xe “làm thêm hiệp nữa”. Ông bệnh hoạn quá, khiến tôi thực sự sợ hãi và mệt mỏi, chỉ muốn li dị”, bà V. thở dài.

Theo Bệnh viện Tâm thần TP HCM, hơn 50% số trường hợp nhập viện có chẩn đoán nghiện sex đều mắc chứng trầm cảm. Nhiều con nghiện bị rối loạn giấc ngủ do xấu hổ, tuyệt vọng, lạc lõng trong cuộc sống, công việc sa sút, mất việc… Khảo sát gần 1 nghìn người nghiện "chuyện ấy" cho thấy, 17% người có hành vi tự sát và 72% trường hợp nghĩ tới tự sát.

Theo bà Trịnh Thu Hà, chuyên viên tư vấn tâm lý, Trung tâm Tư vấn tình cảm Linh Tâm, có khá nhiều khách hàng gọi điện, chát và đến thẳng Trung tâm để xin tư vấn về chứng nghiện sex của người thân và của cả bản thân. Kể cả người nghiện "yêu" và người thân của họ đều bối rối, lo lắng về chứng bệnh “không biết chia sẻ với ai; không rõ chữa trị ở đâu”.

“Nó cũng giống như rất nhiều thứ khác, nhiều quá thì dễ sinh bệnh. Bệnh cuồng "yêu" dễ dẫn đến những hành vi sai trái như: Quấy rối tình dục người khác, có những cuộc tình vụng trộm, thích cử chỉ suồng sã, lẳng lơ, thích các phim ảnh khiêu dâm, hay mua dâm… Hiện, trên thế giới có 4-6% dân số bị nghiện "yêu"; chứng này xuất hiện ở 8% nam giới và 3% nữ giới”, bà Hà cho hay.

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư cho biết cũng đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nghiện tình dục tới mức rối loạn tâm thần. Có bệnh nhân nữ nghiện game, quan hệ buông thả với nhiều người mà cuối cùng cũng không ai chịu được. Khi không còn “đối tác” để “đáp ứng”, nữ bệnh nhân như phát điên, xé quần xé áo, luôn miệng đòi được “yêu”.

Lại có bệnh nhân nam được gia đình phát hiện ra cuồng sex khi trong phòng chứa ngập đồ lót nữ, suốt ngày đóng cửa xem phim cấp ba và thủ dâm. Khuyên bảo mãi không được, đến khi bệnh nhân cả ngày không chịu mặc quần áo, cứ thấy nữ giới, kể cả mẹ và chị gái cũng xông vào ôm, đòi “quan hệ tình dục” thì gia đình đành cưỡng bức đưa vào bệnh viện.

Nỗi đau giấu kín

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, dư luận thường nhìn nhận người cuồng "yêu" là bệnh hoạn, trác táng, nhiều người xa lánh, dè bỉu. Thực ra đây là một căn bệnh và bản thân người nghiện tình dục cũng rất khổ sở, dằn vặt, bứt rứt và khó chia sẻ với mọi người. Ban đầu, người nghiện tình dục thường không nhận ra mình mắc bệnh, bởi họ thường nhầm lẫn giữa ham muốn tình dục cao và nghiện "chuyện ấy". Thậm chí, có người còn thấy tự hào vì năng lực bản thân, vì cho rằng “yêu” nhiều chứng tỏ cơ thể khỏe mạnh. Đến khi bị chuyện này chi phối mọi hoạt động đời sống, không làm chủ được hành vi và cảm xúc khi bị từ chối, thì họ trở nên sợ hãi, cô độc, trầm cảm, tuyệt vọng, lạc lõng... Họ giấu kín không dám chia sẻ với người thân, bạn bè, ngại chữa trị, khiến bệnh tăng nặng và trở nên rối loạn tâm thần.

“Việc điều trị chủ yếu là bằng các thuốc an thần, thần kinh ức chế, nội tiết tố ức chế… Điều trị rất khó khăn và lâu dài, kết hợp cả điều trị tâm lý lẫn sinh lý”, bác sỹ Dũng cho hay.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Hà, những người cuồng "yêu" có thể dành cả ngày cho tình dục, từ tưởng tượng, hồi tưởng, ảo tưởng đến trải nghiệm thực tế. Do tâm trí ngập tràn ám ảnh tình dục, nên họ thường bỏ bê các khía cạnh khác của cuộc sống, chỉ loay hoay tìm cách thỏa mãn ham muốn bằng cách xem phim “nóng”, thủ dâm, tán tỉnh, ve vãn người khác phái hoặc thậm chí mua dâm, cưỡng bức người khác...

“Người nghiện tình dục là nam hay nữ thì cũng rất khó khăn để giữ gìn hạnh phúc gia đình, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, dễ mắc các căn bệnh về tình dục và công việc thậm chí cũng sa sút”, bà Thu Hà cho hay.

Vì vậy, người cuồng "chuyện ấy" rất cần sự hỗ trợ của người thân, đặc biệt là bạn đời, người yêu. Những người thân, bạn bè của người mắc bệnh này cần đưa bệnh nhân tránh xa các sách, báo, tranh ảnh, các trang internet khiêu dâm; giúp người bệnh thiết lập lối sống hài hòa, cân bằng giữa tình dục và công việc; tăng cường tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể vận động, khỏe mạnh và trí não được minh mẫn, sáng suốt...

Đồng thời, bản thân bệnh nhân phải có ý chí mạnh mẽ để vượt qua căn bệnh, nói như chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: “Nghiện tình dục cũng giống nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, chỉ là thói quen khó bỏ. Nhưng nếu người trong cuộc đã có ý thức muốn cai thì thắng lợi đã được 50%”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.