Vận tải

Cướp biển đổi chiến thuật, tàu biển ứng phó thế nào?

03/03/2017, 19:13

Cục Hàng hải VN vừa yêu cầu các cảng vụ hàng hải tuyên truyền, phổ biến tới các chủ tàu, công ty quản lý...

34

Tàu Giang Hải hiện đang neo ngoài cảng Sandakn (Malaysia) - Ảnh: Lê Tân

Cục Hàng hải VN vừa yêu cầu các cảng vụ hàng hải tuyên truyền, phổ biến tới các chủ tàu, công ty quản lý và khai thác về tình hình cướp biển xảy ra đối với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philipines.

Diễn biến phức tạp biển phía Nam Philippines, Malaysia

Theo Cục Hàng hải VN, riêng tháng 1 tại khu vực châu Á đã xảy ra 6 vụ cướp có vũ trang tấn công tàu thuyền. Trong đó có 4 vụ việc được thực hiện thành công và 2 vụ việc bất thành. Tổ chức các nước tham gia Hiệp định hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở châu Á (ReCaap) cũng phải đề nghị chính quyền các quốc gia ven biển cần phải tăng cường công tác tuần tra tại các khu vực thường xuyên xảy ra tấn công nhằm từng bước hạn chế hiện tượng này. 

"Cán bộ an ninh công ty phải liên tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện cảnh báo nguy cơ cướp biển trong kế hoạch an ninh tàu. Đối với lực lượng thuyền viên trên tàu, khi nhận diện được khả năng bị tấn công, cần kích hoạt báo động vô tuyến khẩn cấp, phát mọi tín hiệu có thể để cảnh báo cho cướp biển biết chúng đã bị phát hiện."

Ông Phạm Thanh Trường
Giám đốc Trung tâm Chứng nhận hệ thốngquản lý chất lượng và an toàn (VRQC, Cục Đăng kiểm VN)

Còn theo Trung tâm Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn (VRQC, Cục Đăng kiểm VN), tình hình an ninh hàng hải nói chung và cướp biển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng gần đây diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, nạn cướp biển có xu hướng tăng mạnh tại khu vực biển Sulu-Celebes phía Nam Philippines và khu vực biển phía Đông Sabah của Malaysia. Từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, xảy ra 2 vụ tàu biển Việt Nam đang trên hành trình chở hàng bị cướp biển tấn công và bắt giữ người. Gần nhất là vụ việc tàu Giang Hải của Công ty CP Vận tải biển quốc tế (Hải Phòng) bị cướp biển tấn công vào chiều tối 19/2 tại vùng biển Philippines và bắt đi 6 người. Trước đó, ngày 11/11/2016, cướp biển cũng tấn công tàu Royal 16 tại vùng biển Philippines và bắt giữ 6 người làm con tin.

Ông Phạm Thanh Trường, Giám đốc Trung tâm VRQC cho biết, nếu trước đây, phương thức thường thấy của cướp biển là tấn công tàu để lấy tài sản, tư trang, sau đó chuyển sang tấn công tàu dầu, nhưng nay cướp biển có xu hướng chuyển sang bắt giữ người để đòi tiền chuộc. Phương thức của cướp biển tấn công tàu rất manh động và tàn bạo, thậm chí sẵn sàng đánh đập, giết chết nạn nhân. Chúng thường dùng tàu cao tốc, súng bắn từ xa uy hiếp, tấn công tàu vận tải, tàu cá đi lại qua khu vực này để bắt người và mang giấu tại các đảo để đòi tiền chuộc.

“Vùng biển Philippines và Malaysia có hoạt động hàng hải tấp nập. Thời gian gần đây, an ninh hàng hải khu vực biển Sulu-Celebes phía Nam Philippines và biển phía Đông Sabah của Malaysia diễn biến phức tạp, rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng trong nước cũng như quốc tế cần cảnh báo các công ty quản lý tàu và sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu để có biện pháp phòng tránh”, ông Trường thông tin.

Tàu biển cần chủ động bảo đảm an ninh

Cục Đăng kiểm VN cho biết, đội tàu biển VN hiện có khoảng hơn 400 chiếc chuyên chạy tuyến quốc tế. Theo công ước quốc tế, các tàu này đều có kế hoạch bảo đảm an ninh trên quá trình lưu thông và được phê duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước. Đại diện VRQC cho biết, kế hoạch bảo đảm an ninh tàu biển VN chạy tuyến quốc tế cũng tương đồng với đội tàu của các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa nguy cơ bị cướp biển tấn công và bắt giữ người, cả doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu cần thực hiện nghiêm kế hoạch an ninh tàu biển.

Ông Phạm Thanh Trường cho rằng: “Trước hết, người đứng đầu công ty quản lý tàu, người phụ trách an ninh, thuyền trưởng và sĩ quan an ninh tàu phải nhận thức được khu vực nêu trên là đặc biệt nguy hiểm mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, không điều động tàu đi vào mà cần lập kế hoạch hành trình đi tránh. Trường hợp bắt buộc đi qua, phải có đánh giá rủi ro kỹ lưỡng, đầu tư nguồn lực con người, tăng cường trang thiết bị và thực hiện đầy đủ các biện pháp để phát hiện cướp biển sớm, cảnh báo từ xa và yêu cầu trợ giúp”.

Cũng theo ông Trường, khi tàu đi qua khu vực nguy hiểm, nên hành trình theo “đoàn” hoặc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong khu vực. Cố gắng hành trình ban ngày và tránh xa các đảo (có thể là nơi trú ẩn của cướp biển; Do sử dụng tàu, thuyền cao tốc nhỏ, nên cướp biển không thể đi cách xa nơi trú ẩn). Cảnh giác, quan sát kỹ biểu hiện bất thường và tránh các tàu cá, tàu n hỏ đơn lẻ; Cho tàu hành trình với tốc độ tối đa có thể; Triển khai tối đa các biện pháp chống tiếp cận, chống xâm nhập (khóa cửa, chăng dây thép gai quanh tàu và các lối lên boong thượng tầng, tăng cường chiếu sáng boong và quanh tàu khi trời tối…

Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng cho biết, đã yêu cầu các cảng vụ hàng hải tuyên truyền, phổ biến tới các chủ tàu, công ty quản lý và khai thác về tình hình cướp biển xảy ra đối với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philipines, đặc biệt chú trọng đến khuyến cáo của ReCaap để đảm bảo không xảy ra sự cố an ninh đối với tàu biển Việt Nam. Cục Hàng hải VN cũng yêu cầu các DN vận tải biển có tàu chạy tuyến quốc tế cẩn trọng khi đi qua eo biển Malacca/Singapore, khu vực vùng biển Đông Sabah và Nam Philipines; Các tàu có tốc độ chậm nên chuyển hướng tránh đi qua các khu vực biển Đông Sabah và Nam Philipines.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.