Bạn cần biết

Cựu thanh niên xung phong đan áo tặng bộ đội Trường Sa

18/02/2018, 18:09

Gần 3 năm qua, mỗi ngày bà Mang Thị Bộ vẫn miệt mài đan từng chiếc áo len gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.

60

Gần 3 năm qua, bà Bộ vẫn miệt mài đan gần 200 áo len gửi tặng chiến sĩ Trường Sa

Gửi tình yêu ra đảo

Cuối mùa mưa bão, từng ngọn gió vẫn phất mạnh ven biển Quy Nhơn. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của bà Mang Thị Bộ nằm ngay sau dải cát Nhơn Hải chất đầy những cuộn len xanh, trắng. Tuổi gần thất thập, đôi tay bà Bộ vẫn thoăn thoắt với từng đường kim, mũi len. “Tôi chưa bao giờ ra Trường Sa, chỉ nhìn thấy được công việc cực nhọc của những người lính đảo qua tivi. Ngày trước cũng có đứa cháu đi nghĩa vụ ở Trường Sa về kể ngoài đó lạnh lắm”, bà Bộ mở đầu câu chuyện.

Năm 2015, bà Bộ nảy ra ý định đan áo len tặng các chiến sĩ Trường Sa. Ngặt nỗi điều kiện kinh tế không cho phép, bà Bộ gõ cửa những gia đình khá giả trong xã vận động gom góp tiền mua len. “Tôi nói với bà con, những người chiến sỹ sống xa nhà để canh giữ bình yên biển đảo quê hương, mình ở đất liền êm ấm, bên gia đình thì góp chút sức với các chiến sĩ. Mọi người cứ chung tay mua len, còn tôi sẽ tự đan áo”, bà Bộ kể.

Với những đóng góp của mình, tháng 3/2017, bà Bộ vinh dự được mời tham dự chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Cũng trong năm 2017, bà Bộ tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Lúc đó, có người dị nghị bảo bà Bộ dư hơi thừa sức, lính thì đã có Nhà nước lo chứ cần gì đến mình. Có người còn bảo “bà làm để lấy công lĩnh thưởng”... nhưng bà Bộ vẫn vững lòng, tập trung vào công việc của mình, “mình làm việc tốt, tận tâm chẳng có gì lo, rồi người đời sẽ hiểu. Làm việc bác ái thì không khua chiêng gióng trống”.

Lần đầu tiên, tiền quyên góp được 2 triệu đồng, bà đập thêm heo đất bỏ thêm 1 triệu đồng rồi bắt xe lên chợ trung tâm TP Quy Nhơn mua được 20 ký len. Lúc đó, bà chủ cửa hàng len thấy một cụ bà mua một lúc mấy chục ký len tỏ ra ngạc nhiên. Giá một ký len là 180 nghìn đồng nhưng sau khi nghe mục đích công việc của bà Bộ thì chỉ lấy giá 150 nghìn đồng.

Với số len này, bà Bộ đan được 48 chiếc áo. Cầm chiếc áo vừa thành phẩm nổi bật với tông màu trắng và xanh da trời, bà Bộ bảo: “Nếu đan liên tục thì khoảng 1 tuần 2 áo. Nhưng giờ có tuổi, ngồi đan lâu lại mỏi các khớp nên hơi chậm. Các áo này tôi chọn 2 màu trắng, xanh vì giống với màu áo của lính hải quân. Khi các chiến sĩ mặc vào cũng hợp và có ý nghĩa hơn”.

Những chiếc áo len đầu tiên được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định đón nhận, chuyển tận tay các chiến sĩ Trường Sa. Hình ảnh những chiếc áo các chiến sĩ khoác lên mình được phát trên Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định khiến bà Bộ mừng rơi nước mắt. Tấm lòng và công sức một năm của bà cuối cùng cũng đến được với các chiến sĩ.

Năm 2016, bà Bộ tiếp tục vận động người dân góp tiền mua len. Các cấp Hội Phụ nữ Bình Định, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đồng hành cùng bà Bộ gửi len về. Bà Bộ phấn khởi hàng ngày miệt mài đan áo. Đến nay, bà đã đan gần 200 chiếc áo và thông qua Hội Phụ nữ tỉnh gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. “Riêng năm nay đan được 50 áo rồi, tôi cũng vừa nhờ các cấp gửi ra cho các chiến sĩ”, bà Bộ nói.

61

Các chiến sỹ đảo Đá Thị (Quần đảo Trường Sa) chào đón những đoàn tàu từ đất liền ra thăm đảo - Ảnh: Vũ Tuấn Anh

Chất lính, tấm lòng người mẹ

29 tuổi, bà Bộ tham gia thanh niên xung phong tại chiến trường biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia. Mãi đến năm 1985, khi đã ở tuổi 36, bà mới lập gia đình với một người đàn ông kém 7 tuổi cùng xã.

Hạnh phúc muộn màng của bà Bộ đổ vỡ sau 2 năm do bà không thể sinh con. Cộng thêm nhiều người độc miệng bàn tán, suy diễn, bà Bộ quyết định ly hôn giải thoát cho chồng trong khi vẫn nung nấu ước mơ làm mẹ. Người em ruột của bà Bộ là Mang Thị Bích Hoa (66 tuổi) cũng rơi vào cảnh tương tự khi chồng được vài năm thì đổ vỡ, thành phụ nữ đơn thân. Chị em “lỡ dở chuyến đò” dắt díu nhau về nương náu một nhà cho qua ngày tháng. Ngày ngày, hai chị em bà Bộ buôn bán nhỏ. Những năm sau, sức khỏe kém dần, chị em bà nuôi vài con heo trang trải cuộc sống.

“Hồi đi thanh niên xung phong, thấy các chị em đan áo len mặc cho đỡ rét, tôi cũng bắt chước tập tành, đến nay cũng đã 30 năm”, bà Bộ nói. Theo bà, để đan được một chiếc áo len đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ vì chỉ cần lạc mũi kim thì chiếc áo phô ngay. Việc chọn chiếc kim đan và len để có được một sản phẩm đẹp và nhanh nhất cũng rất quan trọng. Nên chọn các loại len cotton, len sợi thô để khi hoàn thành sản phẩm không bị co, dão như các loại len nilon.

Cứ thế, ngót nghét 3 năm, bà Bộ mỗi ngày thức dậy lúc 5h, tập thể dục, đọc kinh xong lại bắt tay vào đan áo. “Không biết mình còn đủ sức để đan đến lúc nào, nhưng còn sức thì còn làm. Cứ mỗi lần nhìn các chiến sĩ trên ti vi, tôi lại thấy họ như những đứa con của mình, muốn được làm gì đó cho các chiến sĩ như tấm lòng của một người mẹ”, bà Bộ bộc bạch.

Bà Hoa chia sẻ, hai chị em sống với nhau không một mụn con cháu, giờ rảnh rỗi thì làm điều có ích cho đời, sau này có “ra đi” cũng không uổng phí cuộc đời.

“Là công dân Việt Nam, tôi cũng có một phần nghĩa vụ, muốn đóng góp một phần công sức cho Tổ quốc. Còn sức khỏe ngày nào, tôi còn tiếp tục vận động sự hỗ trợ của bà con để mua len đan áo cho các chiến sỹ Trường Sa. Mong các cán bộ, chiến sỹ vững lòng, yên tâm để gìn giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Bộ chia sẻ.

Không chỉ đan áo, đã hơn 10 năm qua, cứ trước mỗi dịp Tết Âm lịch, bà Bộ cùng em gái lại trích ra một số tiền tiết kiệm để mua quà bánh tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Những lúc rảnh rỗi, hai chị em lại đi xin quần áo cũ, cá mắm gửi tặng những người nghèo ở làng phong Quy Hoà. Trước Tết thì lại chuẩn bị bánh kẹo cho bà con nghèo, trẻ em mồ côi cơ nhỡ trong xã.

Bà Mang Thị Huyền Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Hải cho biết: Dù hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao nhưng ngoài số tiền vận động, bà Bộ còn tự bỏ tiền túi, bỏ công sức của mình để đan áo gửi chiến sĩ Trường Sa. Hành động của bà Bộ là rất đáng quý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.