Pháp đình

Cựu tướng Phan Văn Vĩnh khai trước tòa về mối quan hệ với CNC

19/11/2018, 16:17
image

Chiều 19/11, cựu tướng Phan Văn Vĩnh khai trước HĐXX trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

46508843_289571498566362_8366226976960151552_n

Bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an khai tại phiên tòa

Ngày 19/11 - ngày thứ 7 diễn ra phiên xét xử sơ thẩm ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tiếp tục phần xét - hỏi các bị cáo.

Thành lập công ty bình phong theo quy định của Bộ Công an

Chiều cùng ngày, bị cáo Phan Văn Vĩnh được HĐXX gọi thẩm vấn. Trả lời rõ ràng, rành mạch, bị cáo Vĩnh cho biết đã thừa nhận tội danh "Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ" bị truy tố.

"Với tư cách là Tổng trưởng Tổng cục cảnh sát, trong 6,5 ngày qua tôi được ngồi trên ghế bị cáo lắng nghe 90 phiên thẩm vấn với các bị cáo, thật lòng hết sức day dứt và hối hận bởi 92 bị cáo và 92 gia đình đã bị lâm vào vòng lao lý của pháp luật.

Không chỉ thế, nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu những công dân khác, những gia đình khác ngoài xã hội cũng bị liên lụy bởi vụ án này, chắc hẳn giờ này, họ đã và đang rất đau khổ. Như vậy, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hệ lụy rất nhiều gây ra cho xã hội một sự bất an. Bị cáo hết sức thấm thía, ân hận.

Với vai trò từng là người chỉ huy trong cơ quan điều tra tội phạm, phòng và đấu tranh với tội phạm lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn để không có vụ án này xảy ra", bị cáo Phan Văn Vĩnh nói.

Theo bị cáo Phan Văn Vĩnh, mối quan hệ giữa ông và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là cấp trên - cấp dưới, bị cáo là Tổng cục trưởng và là chỉ huy của Nguyễn Thanh Hóa. 8 năm hoạt động chưa có mâu thuẫn giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cá nhân với nhau và ông cũng không có mâu thuẫn gì với Nguyễn Văn Dương.

Về mối quan hệ và thời gian biết Nguyễn Văn Dương, ông Vĩnh khai Nguyễn Văn Dương là Công ty nghiệp vụ của C50 thuộc Tổng cục của bị cáo, là mối quan hệ của đối tác thực hiện nhiệm vụ của C50 chỉ đạo, điều hành.

"Bị cáo biết Dương trong thời điểm bắt đầu về Tổng cục cảnh sát năm 2011. Khi nhận nhiệm vụ từ địa phương về Tổng cục, tại cuộc chia tay ở Nam Định, bị cáo có gặp đoàn tới thăm trong đó có Nguyễn Văn Dương về Nam Định nhưng chỉ biết thôi", bị cáo Phan Văn Vĩnh khai.

Theo ông Vĩnh, khi ông về nhận nhiệm vụ tại Tổng cục cảnh sát, cục C50 đã được thành lập và đi vào hoạt động và lúc đó chức năng nhiệm vụ của C50 có điều quy định Cục C50 được thành lập Công ty nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao với hồ sơ đăng ký công ty nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm.

>> Xem video lời khai của ông Phan Văn Vĩnh trước tòa:

Chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục cảnh sát nơi ông công tác là đấu tranh, phòng và chống tội phạm đảm bảo TTATXH trên toàn quốc. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ những chủ trương, đường lối, hoạt động có tính chiến lược đảm bảo về an ninh quốc gia và TTATXH, thực hiện quản lý nhà nước của lực lượng CAND trên những bộ phận, những đơn vị được tổng cục quản lý. Thực hiện công tác đảm bảo hậu cần cho lực lượng và những nhiệm vụ khá do Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ quy định.

Trước câu hỏi "Tại sao Tổng cục cảnh sát lại chọn Nguyễn Văn Dương để thành lập công ty nghiệp vụ của C50" của HĐXX, ông Vĩnh cho biết, trước khi lựa chọn CNC làm công ty nghiệp vụ của C50, Ban Thường vụ của Đảng ủy Tổng cục đã thảo luận và đi đến thống nhất lập tờ trình căn cứ vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, sau khi xét các điều kiện có được thì C50 báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an thành lập công ty nghiệp vụ mà ban đầu là Công ty TNHH, đơn vị của C50, cử người và góp vốn để tham gia chương trình ký kết hợp tác này. Trong đó, Cục trưởng Cục C50 là người chịu trách nhiệm làm thủ tục thành lập điều hành đối với hoạt động của Công ty.

"Công ty trách nhiệm  hữu hạn đầu tư an ninh công nghệ cao là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an vào thời điểm ngày 10/10/2011. Trước đó, vào đầu năm 2011, CNC ký thỏa thuận hợp tác với cục C50 nhưng chỉ sau khi ký rồi bị cáo mới được biết. Bị cáo được cục trưởng C50 và Nguyễn Văn Dương thông báo trực tiếp trên đường đi công tác rằng: "Em đã ký hợp đồng hợp tác với CNC". Sau đó, bị cáo không được nhận được văn bản ký hợp tác 2 công ty hoặc báo cáo từ cấp dưới lên về việc hợp tác này", cựu tướng Phan Văn Vĩnh khai.

HĐXX hỏi: "Bị cáo có hỏi cụ thể việc hợp tác như nào không?", Bị cáo Vĩnh trả lời không hỏi vì, trong thảo luận với Ban Thường vụ, chúng tôi thảo luận rất kỹ về mô hình thành lập công ty nghiệp vụ này, đã được thông qua. Và sau đó, Cục trưởng cục C50 Nguyễn Thanh Hóa có trình cho tôi ký báo cáo với Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ về mô hình này và được Thứ trưởng phê duyệt, đồng ý về mặt chủ trương khi tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật nghiệp vụ.

"Sau đó, tôi có bút phê kính chuyển đồng chí cục trưởng cục C50 thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của anh Ngọ còn CNC và cục trưởng C50 thảo luận tờ trình, đề án như nào thì trách nhiệm thuộc về C50", ông Vĩnh nói.

Không biết CNC được cấp xe biển xanh

HĐXX hỏi: "Với trách nhiệm là một Tổng cục trưởng, khi được nghe báo cáo, bị cáo không có trách nhiệm hỏi cụ thể việc hợp tác như nào hay sao?"

Bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, ông rất nhiều công việc khác, chuyên môn bị cáo thực hiện ở Tổng cục với 16 đầu mối, đây là một trong những thành tố thuộc Tổng cục quản lý. Hơn nữa, tại Cục C50 có một Tổng cục phó phụ trách trực tiếp theo dõi, chỉ đạo toàn giúp cho bị cáo, do vậy, việc thông báo này, bị cáo luôn tin rằng thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng.

HĐXX tiếp tục chất vấn: "Bị cáo có suy nghĩ gì về việc trong quá trình CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an mà lại tạo điều kiện cho CNC được ở trụ sở số 10 Hồ Giám cũng như được cấp xe biển xanh?"

Bị cáo Vĩnh cho biết, bản thân không biết về việc CNC được cấp và đi ô tô biển xanh. Còn về trụ sở ở số 10 Hồ Giám đây là một căn hộ được Bộ Công an phân cho Tổng cục và Tổng cục giao cho Cục chính trị hậu cần quản lý, tu bổ, bảo quản.

"Đây như một căn hộ nhỏ giống như nhà dân bình thường chứ không phải một trụ sở nên khi C50 cùng Cục chính trị hậu cần thống nhất thảo luận, báo cáo bị cáo cho CNC làm trụ sở công ty, bị cáo cho rằng cũng là một giải pháp hợp lý", bị cáo Phan Văn Vĩnh nói.

Cơ quan công tố xác định, sau khi chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa và cấp dưới lập đề án công ty bình phong, ông Phan Văn Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương đến gặp cựu lãnh đạo C50 để thỏa thuận, đưa CNC làm công ty bình phong.

Năm 2015, Phan Sào Nam biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game bài đánh bạc Rikvip. Thực tế, phải vài tháng sau, ông Vĩnh mới ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong.

Quá trình hoạt động, ông Vĩnh thấy công ty bình phong liên kết vận hành chui 2 game đánh bạc, đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game trên. Khi chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ TT&TT xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do CNC phát hành.

Đến khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Công ty CNC và game bài Rikvip, 23dzo mang tính chất đánh bạc trá hình, ông Vĩnh cũng không thực hiện mà còn chỉ đạo chỉnh sửa văn bản để cấp phó ký, trong đó khẳng định 2 game bài trên đã được cấp phép.

>> Toàn cảnh phiên xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.