Kinh tế

Đà Nẵng vững “thế rồng” thu hút đầu tư

15/10/2017, 18:08

Sự phát triển của Đà Nẵng được thể hiện rõ nhất ở công tác quy hoạch, hạ tầng, cơ chế chính sách...

12

Hạ tầng giao thông mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư Đà Nẵng

20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hình hài một đô thị trẻ trung, năng động với ưu thế hạ tầng giao thông kết nối, vị trí địa lý, nguồn nhân lực, sự phát triển đồng bộ quy hoạch đến cơ chế, chính sách ưu đãi, cùng sự kiện APEC 2017… đã và đang tạo hấp lực mới thu hút các nhà đầu tư “đổ bộ” vào Đà Nẵng.

“Nam châm" thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia, thành tựu trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và cải cách hành chính đã giúp cho thành phố có môi trường thuận lợi để đạt tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao. Sự phát triển của Đà Nẵng được thể hiện rõ nhất ở công tác quy hoạch, hạ tầng, cơ chế chính sách, đến các lĩnh vực du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, bất động sản… Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, hàng loạt công trình cầu đường tiêu biểu, kiến trúc “độc nhất vô nhị” cả nước, con đường 5 sao Nguyễn Tất Thành, các tuyến đường vành đai phía Nam, trục giao thông đối nội… đã góp phần mở rộng không gian đô thị, tăng tính thông thương, kết nối; hình thành khu đô thị mới văn minh, thay đổi diện mạo Đà Nẵng."=

KTS. Hoàng Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng từng đánh giá: Sự phát triển của đô thị Đà Nẵng đã hình thành “thế rồng” vững chãi. Không những một mà là hai, con rồng thứ nhất với vóc dáng từ vệt đô thị phía Đông - Đông Bắc, đầu là ngọn núi Sơn Trà hướng ra biển Đông, thân rồng là dòng sông Hàn uyển chuyển, duyên dáng, thơ mộng. Con rồng thứ hai ngự ở phía Tây - Tây Bắc thành phố với đầu rồng là ngọn núi Bà Nà vươn cao sừng sững, hòa quyện với mây trời, rừng xanh; thân rồng là dòng sông Cu Đê. Cả hai con rồng hòa quyện tạo nên sự phát triển cân bằng của đô thị Đà Nẵng với đuôi rồng là những nhánh sông: Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Túy Loan, Vĩnh Điện, Cổ Cò…

Không phải ngẫu nhiên trong Tạp chí chuyên đề đầu tư Đà Nẵng, lãnh đạo các tập đoàn lớn và uy tín trên thế giới đánh giá cao lợi thế và sự năng động của thành phố bên sông Hàn. Bởi Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn về sự khác biệt của một thành phố sự kiện, lễ hội, thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện mà còn là nơi đáng để đầu tư với nhiều ưu thế vượt trội. Giám đốc Điều hành Tập đoàn Indochina Capital Peter Ryder - người trực tiếp tham gia đầu tư Đà Nẵng suốt gần 20 năm qua, ví thành phố có sức hút đầu tư như “thỏi nam châm”. Đây là thành quả của quá trình hoạch định, phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Theo ông Ryder, với tầm nhìn chiến lược và thông suốt, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách kích thích đầu tư và tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch cho các nhà đầu tư. Chính điều này đã giúp thành phố trở nên hấp dẫn và Đà Nẵng đang trở thành một trong những nơi lý tưởng để sinh sống, làm việc, đầu tư kinh doanh.

TS. Võ Duy Nghi, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức (Vietranstimex) cho rằng, với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, kết hợp cạnh tranh về chi phí, chính sách đầu tư mạnh mẽ, môi trường kinh doanh chuyên nghiệp và lực lượng lao động trẻ được đào tạo bài bản, dồi dào, Đà Nẵng đang trên đà phát triển trở thành trung tâm năng động, đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.

Theo các doanh nghiệp, 4 năm liên tiếp đạt “quán quân” bảng xếp hạng chỉ số PCI, 9 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số ICT-INDEX về sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT (ICT Index)… minh chứng nỗ lực của Đà Nẵng trong việc xây dựng, định hình môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Kết quả khảo sát cho thấy, Đà Nẵng tiếp tục chuyển biến các chỉ số, như chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đào tạo lao động... Lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng đánh giá: Chỉ riêng năm 2016, 30 thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được TP cắt giảm. Thành phố triển khai đề án “Thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành”, với các mô hình một cửa liên thông hiện đại, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung… Qua đó, Đà Nẵng ước tiết kiệm được cho công dân, tổ chức hơn 300.000 ngày làm việc.

13

Cầu Trần Thị Lý- điểm nhấn hạ tầng giao thông Đà Nẵng

Tăng mạnh đầu tư, khởi sắc FDI

Thống kê của Sở KH&ĐT Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2017, đã có gần 3.500 doanh nghiệp, đơn vị được Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 18.408 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% về số doanh nghiệp và tăng 37,05% về số vốn so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, thành phố có gần 22.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 140,7 nghìn tỷ đồng. Đáng kể, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài được chú trọng, khởi sắc với 73 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 61,6 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2017 (tăng 4 lần so với cùng kỳ 2016). Lũy kế đến nay, thành phố có 525 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2,998 tỷ USD. 

Phó giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (XT&HTĐT) Đà Nẵng Nguyễn Kỳ Anh cho biết: Hiện có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Đà Nẵng, điển hình Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Theo ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban XT&HTĐT Đà Nẵng, để có được kết quả này, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi đầu tư có chọn lọc..., thời gian qua, thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, gắn chặt với chính sách ưu đãi; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hơn 10 tháng qua, Ban XT&HTĐT thành phố đã làm việc trực tiếp hơn 140 đoàn với 700 lượt nhà đầu tư từ: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông... về môi trường đầu tư Đà Nẵng; trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư 490.000 USD. Đồng thời, đang xúc tiến 17 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng gần 600 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp, logistics...

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng vừa công bố gần 70 danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, nguồn vốn huy động. Trong đó, riêng lĩnh vực cơ sở hạ tầng có 14 dự án, tiêu biểu như trung tâm logistics, cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt… Cùng các dự án quy mô như Tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh…

Các chuyên gia cho rằng: Nếu xét về quy mô phát triển công nghiệp, Đà Nẵng có vẻ “hụt hơi” so với các tỉnh trong khu vực như Quảng Nam, Khánh Hòa. Tuy nhiên, với đặc thù của mình, Đà Nẵng đang chuyển dịch theo chiều sâu bền vững với đà tăng trưởng ngành dịch vụ du lịch mạnh mẽ, đóng góp cơ bản vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Đại diện các doanh nghiệp đầu tư lớn Đà Nẵng cho biết: Phát huy kết quả đạt được, Đà Nẵng cần tận dụng hơn nữa các lợi thế, tiềm năng của mình; thu hút các dự án lớn, đặc biệt là dự án FDI còn khá “khiêm tốn” với dư địa của Đà Nẵng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, sự nhất quán trong bộ máy chính quyền. Dẫu khó khăn, thách thức luôn hiện hữu nhưng bài học về sự đoàn kết và đồng thuận trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng sẽ luôn là bài học quý giá nhất để thành phố làm nên những điều kỳ diệu hơn trong những năm tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.