Góc nhìn

Đặc nhiệm chống khủng bố danh bất hư truyền

08/02/2016, 06:31

Tại Pháp, chỉ riêng trong năm vừa qua đã xảy ra gần 10 vụ tấn công khủng bố lớn nhỏ...

62
Pháp tăng cường lực lượng chống khủng bố tại các khu vực quan trọng

Tại Pháp, chỉ riêng trong năm vừa qua đã xảy ra gần 10 vụ tấn công khủng bố lớn nhỏ, trong đó có hai vụ gây chấn động: Khủng bố liên tiếp tại Paris hồi tháng 11 và khủng bố bắt cóc con tin Tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1.

Nếu không có những lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ, trang bị vũ khí tối tân, người dân Pháp khó có thể sớm yên tâm trở lại cuộc sống yên bình, hoa lệ đã làm nên hình ảnh của họ.

Tinh nhuệ hàng đầu thế giới

Đội hiến binh quốc gia (GIGN), Nhóm nghiên cứu, hỗ trợ, can thiệp và thuyết phục (RAID) và BRI (Đội Tìm kiếm và Can thiệp)... là ba lực lượng đặc nhiệm quan trọng trong các chiến dịch chống khủng bố tại Pháp. Ông Thomas Sanderson, Chuyên gia chống khủng bố đến từ Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp đánh giá: “Pháp rất nghiêm túc trong chiến lược đối đầu với khủng bố. Khả năng tác chiến của binh lính, quá trình thực hiện chiến dịch, tất cả đều tuân thủ kỷ luật. Đặc biệt, các lực lượng đặc nhiệm được trang bị những loại vũ khí tối tân nhất trên toàn cầu. Có thể xếp các lực lượng này đứng hàng đầu thế giới”, ông Sanderson đánh giá.

Nhớ lại vụ tấn công khủng bố, bắt giữ con tin tòa soạn Charlie Hebdo gây chấn động hồi tháng 1, các lực lượng chống khủng bố của Pháp đã tiêu diệt toàn bộ ba kẻ tấn công ngay tại hiện trường, giảm tối thiểu số người thiệt mạng. GIGN đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc giải cứu con tin tại Tòa soạn Charlie Hebdo. Sau cuộc vây hãm căng thẳng, hai anh em Said và Cherif Kouachi bị GIGN bị dồn vào một doanh nghiệp in gần thị trấn Dammartin-en-Goële, cách Thủ đô phía Đông Bắc Paris khoảng 48 km. Sau đó, đội đột kích ập vào và nhanh chóng tiêu diệt hai kẻ tấn công, giải thoát con tin an toàn.

Theo ông Sanderson, đơn vị này được trang bị vũ trang tối tân với MP5 và MP7, đây là “các loại súng máy do Đức sản xuất, có độ chính xác gần như cao nhất thế giới”. Không chỉ vậy, họ cũng được trang bị các loại súng máy hiện đại khác do Pháp và Bỉ thiết kế. Theo tờ SpecWarNet (một trang web theo dõi các lực lượng đặc nhiệm toàn cầu) cho biết, GIGN đã tham gia cả nghìn chiến dịch, giải cứu hàng trăm con tin.

Để có thể hoàn thành các nhiệm vụ đó, các thành viên GIGN được tinh chọn từ những cảnh sát đã có 5 năm kinh nghiệm và phải tham gia quá trình huấn luyện kéo dài ba tháng. Sau đó, họ tiếp tục được rèn luyện thêm hơn 1 năm. Chương trình huấn luyện GIGN nổi tiếng hà khắc nhất thế giới. Đặc biệt, giai đoạn huấn luyện tăng cường sức chịu đựng, họ phải thực chiến với huấn luyện viên, bị nốc ao đến kiệt sức song, vẫn phải gượng dậy tiếp tục chiến đấu đến cùng. “Họ đều là những binh lính tinh nhuệ, hành động nhanh, gọn, hiệu quả. Trình độ của họ ngang hàng với đội giải cứu con tin của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)”, ông Sanderson nhận định.

Đội thứ hai tham gia giải cứu trong vụ Charlie Hebdo là RAID. Lực lượng này chịu trách nhiệm theo dõi và tiêu diệt tay súng thứ ba Amedy Coulibaly khi hắn di chuyển, bắt cóc con tin ở một cửa hàng tiện lợi tại miền Đông Paris. Nhà khoa học chính trị, chuyên gia chính sách an ninh Pháp Stephanie Pezard cho biết: “Thành viên RAID được huấn luyện bài bản đa kỹ năng từ khả năng vận động để nhanh chóng ”hạ màn” những thảm họa tấn công tương tự cho đến khả năng đàm phán hàng giờ với những kẻ khủng bố”.

Cũng theo SpecWarNet, RAID được thành lập năm 1985 chống lại các tội ác bạo lực và khủng bố ngày càng gia tăng trên khắp nước Pháp thời điểm đó”. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của RAID là tác chiến tại hiện trường, can thiệp vào các vụ tấn công khủng bố, tội ác nghiêm trọng liên quan tới bắt giữ con tin và tấn công máy bay”. RAID chủ yếu hoạt động ở các khu vực quanh Paris. Tuy nhiên, lực lượng này cũng có thể được triển khai tới bất cứ nơi nào trên nước Pháp theo lệnh của Lực lượng cảnh sát quốc gia.

Danh tiếng của RAID được ca ngợi nhiều nhất không phải qua vụ Charlie Hebdo mà trong vụ giải cứu con tin tại một trường mẫu giáo ở Neuilly vào năm 1993 trong vẻn vẹn 30 giây. Kẻ tấn công người Pháp gốc Algeria tên Erick Schmitt, 42 tuổi, tự nhận mình là “quả bom người” xông vào một trường mẫu giáo tại Neuilly và bắt giữ 21 cháu bé từ 3 - 4 tuổi, cùng với cô giáo Laurence Dreyfus. Hắn mang theo một khẩu súng lục và 16 thanh thuốc nổ quấn quanh người. Tay súng từ chối tiếp chuyện cảnh sát nhưng hắn chấp nhận đàm phán với RAID nhờ tài thương thuyết của cựu đội trưởng Louis Bayon. Erick chấp nhận thả lần lượt các con tin đổi lấy tiền, điện thoại, quần áo... Sau ba ngày, vẫn còn 6 cháu bé cùng cô giáo bị giam giữ. Lợi dụng sơ hở khi kẻ khủng bố quá mệt mỏi sau nhiều ngày căng thẳng, RAID lên kế hoạch, chia đội 8 người thành hai nhóm: Tấn công và bảo vệ con tin. Nhanh chóng, gọn lẹ, RAID thực hiện cuộc tấn công nhanh phủ đầu, tiêu diệt kẻ tấn công trong 30 giây trước khi hắn kịp kích nổ quả bom trên người.

63

Dấu vết cuộc đọ súng ác liệt in hằn trên tấm khiên chắn

Ám ảnh sau cuộc đột kích

Nếu như GIGN là đặc nhiệm thuộc Lực lượng Hiến binh; RAID thuộc Cảnh sát thì Đội Tìm kiếm và can thiệp - BRI là đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ Pháp. Trong cuộc tấn công khủng bố nhà hát Bataclan tháng 11, khiến hơn 100 người thiệt mạng, BRI được điều động tham gia trấn áp, giải cứu thành công những con tin còn lại và tiêu diệt những kẻ tấn công.

Nhớ lại giờ khắc đối mặt khủng bố, Thủ lĩnh nhóm BRI giải cứu con tin Bataclan, đặc nhiệm Jeremy chia sẻ: “Đối với chúng tôi, mỗi thời điểm đột kích đều vô cùng căng thẳng, những kẻ tấn công hùng hổ, vũ khí hạng nặng, bom đạn rồi tiếng súng, bom nổ rền khắp nơi… Nhưng, chúng tôi phải tập trung vào việc đang làm, giữ tinh thần minh mẫn để giải quyết sự việc, không để sai sót dù có bất cứ chuyện gì”.

Jeremy nhớ lại: “Chúng tôi đột kích từ cửa ra vào nhà hát. Lúc đó, hiện trường trước mắt không khác địa ngục trần gian. Tôi ước chừng có tới 700-800 người nằm rạp trên sàn nhà. Máu chảy thành dòng khắp nơi. Không gian tĩnh lặng không một tiếng thở. Vì kẻ khủng bố vẫn còn trong tòa nhà nên chúng tôi phải hành động vô cùng cẩn trọng. Lần đầu nhìn thấy một kẻ tấn công, ở giữa hắn và chúng tôi có khoảng 20 con tin, chúng tôi không thể nổ súng, bởi như vậy cực kỳ nguy hiểm cho các con tin. Khi tới cuối hành lang, chúng tôi bắt gặp hai kẻ tấn công khác. Biết chắc là đến đường cùng, một kẻ đã giật ngòi nổ tự sát. Kẻ còn lại định liều chết tương tự nhưng đã bị chúng tôi tiêu diệt trước. Máu tràn khắp nơi. Khoảng 30 vết đạn lỗ chỗ trên khiên chống đạn của đội đặc nhiệm BRI là bằng chứng cho sự khốc liệt của cuộc đọ súng chớp nhoáng nhưng đầy nguy hiểm”.

“Trong thời khắc trấn áp khủng bố căng như dây đàn, chúng tôi luôn tôn trọng kỷ luật đội hình, không bao giờ tách nhóm khi chưa có chỉ thị”. Khoảng nửa giờ sau khi kết thúc đột kích, nhìn lại xung quanh, chúng tôi mới rùng mình. Chúng tôi quay trở về văn phòng, chia sẻ với nhau đến tận 7h sáng. Có lẽ, một vài người trong chúng tôi vẫn bị nỗi sợ ám ảnh trong nhiều ngày, nhiều tuần sau đó”, anh Jeremy cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.