Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển

29/05/2015, 13:28

ĐBQH đề xuất nghiên cứu thành lập Bộ Kinh tế biển để tập trung quản lý các vấn đề tài nguyên biển, hải đảo...

21

Đại biểu QH Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo - Ảnh: Anh Tuấn

Sáng qua (28/5), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật này trong tình hình hiện nay.

Rõ hơn quyền khai thác tài nguyên biển

Dự thảo Luật đã thể chế hóa các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tài nguyên, môi trường; là cơ sở để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được đầy đủ, thống nhất; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo giữa các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định của Dự thảo Luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự thống nhất giữa luật này và các luật khác có liên quan; một số điều Dự thảo Luật quy định còn chung chung cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành.

Cần bổ sung quy định “Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch kinh tế biển và hải đảo”, sau đó mới phân làm quy hoạch chuyên ngành và nên giao cho Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm. Chính phủ cũng nên nghiên cứu thành lập Bộ Kinh tế biển để tập trung quản lý các vấn đề tài nguyên biển, hải đảo...

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)

Một số ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả bãi ngầm lúc nổi, lúc chìm mới bao quát hết được các thành phần trên biển. Luật phải đưa ra các phương pháp xử lý xung đột giữa các ngành, địa phương trong việc quản lý, khai thác tài nguyên biển. Đồng thời, bổ sung quy định rõ hơn đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên các vùng biển, đặc biệt là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) cho rằng, cần bổ sung chiến lược khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào đối tượng phải lấy ý kiến cá nhân và tổ chức liên quan.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, luật phải phù hợp chiến lược quốc gia về quy hoạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường; chiến lược biển Việt Nam. Về việc cấp phép nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài có tư cách pháp nhân, theo ông Vẻ, trong trường hợp tổ chức và cá nhân nước ngoài có tư cách pháp nhân ở nước ngoài nhưng không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam thì xử lý thế nào? Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định nơi tổ chức được thành lập ở nước ngoài phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Đưa đảo chìm, đảo nổi... vào luật để bảo vệ chủ quyền

Bên cạnh các ý kiến này, các đại biểu cũng còn nhiều băn khoăn về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, về quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; về phạm vi vùng bờ...

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hướng tới xây dựng một hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên biển và hải đảo, tức là quản lý nhiều ngành, lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối. Sự ra đời của luật này không làm thay thế các luật chuyên ngành. Với luật này thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn quản lý Nhà nước về nuôi trồng và khai thác hải sản theo Luật Thủy sản, Bộ GTVT quản lý Nhà nước về cảng biển về nghiệp vụ cảng biển, hàng hải.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) lại cho rằng, cần bổ sung quy định “Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch kinh tế biển và hải đảo”, sau đó mới phân làm quy hoạch chuyên ngành và nên giao cho Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm. Chính phủ cũng nên nghiên cứu thành lập Bộ Kinh tế biển để tập trung quản lý các vấn đề tài nguyên biển, hải đảo...

Còn đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) lại đề nghị nhiệm vụ của Luật này để quản lý, khai thác và tài nguyên môi trường biển Việt Nam. Nếu chúng ta không đưa vào quy định về đảo nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô là chưa phù hợp. Cần quy định vào luật này thì việc lên tiếng để bảo vệ chủ quyền của chúng ta trong cộng đồng quốc tế sẽ mạnh mẽ hơn.

Hôm qua, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân. Trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, trưng cầu ý dân là phương thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của công dân. Đó là, quyền của công dân trực tiếp biểu quyết quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, cho đến nay, chế định trưng cầu ý dân vẫn đang dừng lại ở các quy định của Hiến pháp và một số văn bản pháp luật có liên quan, mà chưa được thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về trưng cầu ý dân và cũng chưa bao giờ tổ chức trưng cầu ý dân ở Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.