Thời sự

Đại diện BIDV “phản pháo” về đề nghị thu hồi khoản 2.500 tỷ

26/01/2018, 20:15

Đại diện BIDV “phản pháo” đề nghị thu hồi khoản 2.500 tỷ của Viện Kiểm sát

FullSizeRender (5)

Chiều 26/1 đại diện BIDV đã đưa ra nhiều luận cứ về "đề nghị thu hồi khoản 2.500 tỷ của Viện kiểm sát

Ngày 26/1, trong phiên xử Phạm Công Danh giai đoạn 2, đại diện ngân hàng BIDV là bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc pháp chế đã trình bày quan điểm liên quan tới đề nghị của VKS về việc buộc thu hồi khoản tiền 2.500 tỷ. Liên quan việc BIDV cấp tín dụng và thu hồi nợ vay cho 12 công ty do VNCB giới thiệu trong khuổn khổ gói hợp tác 4 nhà, bà Phương cho rằng BIDV áp dụng đầy đủ các quy chế cho vay theo Quyết định 1627 của NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định tại Thông tư 21 năm 2012, Thông tư 01 về về tiền gửi liên ngân hàng… 

Liên quan bản luận tội của Viện Kiểm Sát ngày 22/1 theo đó tuyên thu hồi 6.126 tỷ của 3 ngân hàng (trong đó BIDV là hơn 2.500 tỷ). Trong phiên 17/1, đại diện Ngân hàng CB cũng yêu cầu 3 ngân hàng hoàn trả cho CB 6.126 tỷ và lãi phải trả.

Mặc dù trong phiên sáng 26/1 đại diện CB không tiếp tục trình bày rõ thêm các luận cứ, quan điểm pháp lý để bảo vệ cho yêu cầu của mình. Như vậy ý kiến đại diện VKS là thu hồi và của CB là hoàn trả nhưng tựu chung giống nhau là đang yêu cầu 3 ngân hàng phải chịu trách nhiệm thiệt hại xảy ra tại VNCB do Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra.

“Chúng tôi khẳng định BIDV không vi phạm pháp luật và không có nghĩa vụ hoàn trả số tiền 2.500 tỷ cho VNCB.  Ý kiến của VKS, CB không nêu rõ căn cứ pháp lý để BIDV hoàn trả số tiền này", đại diện BIDV nói.

Theo đó đại diện BIDV trình bày 8 vấn đề cho thấy ngân hàng không có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền trên.

Thứ nhất, yêu cầu thu hồi hoặc hoàn trả số tiền 2.500 tỷ là yêu cầu phí lý không phù hợp với nguyên tắc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Thứ hai, thực chất VNCB không thể thiệt hại 2.500 tỷ trong khi vẫn hưởng lợi 4.000 tỷ trong tài khoản của mình.

Thứ ba, thiệt hại xảy ra nếu có theo cáo trạng là hoàn toàn do lỗi của vncb vì thế VNCB không thể buộc ngân hàng khác phải gánh chịu.

Thứ tư, BIDV đã tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình cấp tín dụng, nhận tài sản bảo đảm cho vay, thu hồi nợ vay.

Thứ năm, việc thu hồi của BIDV đã được đoàn giám định NHNN kết luận phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ sáu, thiệt hại nếu có đã xảy ra gần 4 năm VNCB trước đây không có bất cứ ý kiến khởi kiện gì về thu hồi khoản thiệt hại như vậy có đảm bảo về vấn đề thời hiệu xem xét hiệu lực giao dịch hay không.

Thứ bảy, về cơ sở pháp lý trong việc thu hồi nợ vay về cơ sở kinh tế và theo thông lệ thị trường BIDV không phải và không thể hoàn trả số tiền này. Cuối cùng, hệ lụy với ngành ngân hàng đối với môi trường kinh doanh khi đặt ra vấn đề xem xét lại các giao dịch tất toán từ nhiều năm trước.

Trong số 8 vấn đề trên BIDV lý giải chi tiết cho vấn đề đầu tiên quan trọng nhất. Cụ thể, đại diện BIDV cho rằng vụ án này là vụ án xét xử bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm bị truy tố về tội cố ý làm trái. Theo đó hành vi của các bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6126 tỷ. Theo quy định của khoản 1 điều 42 BLHS 1999 bị cáo là những người trực tiếp gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho VNCB. Việc yêu cầu thu tiền từ các ngân hàng hoàn trả cho VNCB rồi yêu cầu các bị cáo bồi hoàn lại cho 3 ngân hàng không khác nào “đánh bùn sang ao”, chuyển thiệt hại từ VNCB cho các ngân hàng khác.

Bản chất thiệt hại ở đây là thiệt hại trong mối quan hệ giữa VNCB và 12 công ty là quan hệ pháp lý độc lập không liên quan gì đến BIDV. Việc giải tỏa tất toán tiền gửi và chuyển toàn bộ số tiền 3.141 tỷ (trong đó gồm gốc và lãi) cho VNCB như vậy BIDV đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bên nhận gửi tiền của VNCB. Do đó theo quy định và thông lệ quốc tế BIDV không thể trả 2 lần cho VNCB trên một hợp đồng tiền gửi. BIDV không giao dịch, không quan hệ cá nhân với ông Danh và các bị cáo.

Theo đó BIDV không thể và không phải chịu trách nhiệm thiệt hại gây ra do cá nhân là quản lý điều hành của VNCB gây ra. Khoản tiền 2.500 tỷ BIDV thu nợ từ 12 khách hàng vay vốn không phải là tiền do phạm tội mà có cũng không phải là vật chứng của vụ án. Việc thu nợ phù hợp với các hợp đồng tín dụng, tiền đó không phải là vật mang dấu vết tội phạm nên không phải vật chứng, do phạm tội mà có. Nếu tiền mà BIDV thu nợ là tiền do phạm tội mà có thì phải bị Nhà nước tịch thu và chỉ có cách xử lý duy nhất là tịch thu vào ngân sách chứ không có chuyện thu hồi hoàn trả cho CB như ý kiến của VKS.

Theo đó đại diện BIDV đề nghị HĐXX không chấp thuận đề nghị của VKS, Ngân hàng CB về việc buộc 3 ngân hàng hoàn trả 6.126 tỷ và lãi phát sinh. Mà phải căn cứ vào khoản 1 điều 42 BLHS năm 1999 buộc Phạm Công Danh và đồng phạm và 12 công ty của Danh bồi thường thiệt hại cho VNCB. Phía BIDV cũng đề nghị công nhận giá trị pháp lý của toàn bộ các giao dịch hợp đồng tài liệu mà BIDV đã xác lập trong quá trình cho vay và thu hồi nợ từ 12 công ty theo đúng kết luận của giám định Ngân hàng Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.