Xã hội

“Đại gia mù” giữa đại ngàn Trường Sơn

20/05/2017, 08:12

Ông Đinh Văn Vật được người dân trìu mến gọi tên “đại gia mù” giữa đại ngàn Trường Sơn.

10

Ông Vật bên cánh đồng lúa của mình

Dò dẫm lập nghiệp

Trong căn nhà nhỏ nằm trên ngọn đồi bằng phẳng giữa tiếng suối chảy, chim hót, ông Vật  (thôn Mang He, xã Sơn Bua, Sơn Tây, Quảng Ngãi) ngồi thong dong uống nước trà. Dò dẫm lấy phích nước chế trà, khuôn mặt ông hơi nghiêng, hướng tai về phía khách để lắng nghe thay cho ánh nhìn. Ông kể, ngày cuộc chiến giành độc lập dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt, những chàng trai Ca Dong cầm súng ra tiền tuyến, ông cũng vậy. “Đạn bom không hề hấn gì với tôi, vậy mà trong một lần hành quân cùng đồng đội, không may bị trúng chất độc hóa học của địch, khiến đôi mắt bị nhiễm trùng, mờ dần rồi mù hẳn. Đó là năm 1973”, giọng ông chùng xuống.

"Năm 1999, xã Sơn Bua được thành lập, tôi được phân công về công tác ở vị trí Phó chủ tịch UBND xã. Mọi thứ rất khó khăn, ngay gia đình tôi cũng thiếu ăn triền miên. Nhờ ông Vật cho 5 sào đất để trồng lúa mà gia đình tôi mới có cái ăn, tôi mới an tâm công tác. Gia đình tôi mang ơn ông ấy suốt đời”.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua
Đinh Văn Tôn

Trở về sau cuộc chiến tranh, đôi mắt không còn nhìn được là trở lực quá lớn. Những tính toán cũng bay theo gió trời. Tưởng rằng cuộc sống rơi vào ngõ cụt, nhưng tình yêu thương của cô thiếu nữ Ca Dong Đinh Thị Dết như sự “cứu rỗi” cuộc đời ông. Câu chuyện tình cổ tích giữa núi rừng đơm hoa bằng đám cưới nhỏ, căn nhà và mụn con. “Lúc đó, tôi nói vợ phải “tập đi” cho tôi. Bởi, có tự đi được mới làm ăn được. Cuối cùng, sau mấy tháng trời mò mẫm, nhiều lần đâm vào bụi cây, bờ tường… tôi tự đi được mà không cần vợ “dắt” nữa nhờ cảm quan, đôi tai”, ông Vật nhớ lại. Đi được, ông bàn với vợ dẫn ông ra bờ suối khai hoang đất làm rẫy, ruộng.

Bờ sông Bua bây giờ là ruộng lúa, rẫy keo của người Ca Dong. Người dân bản vẫn còn nhớ nguyên câu chuyện của mấy chục năm về trước, anh Vật mù mỗi ngày cần mẫn khai hoang, có khi tự cuốc vào chân mình, khi lại vấp ngã lộn cổ xuống sông, nhưng không bao giờ nản chí. Sau hơn 5 năm, ông đã khai hoang được 23ha ruộng trồng lúa nước. Ngày ngửi mùi lúa đơm bông, ông Vật vui khóc như trẻ con. “Không thấy, nhưng tôi có cả một bức tranh trong đầu về cánh đồng lúa vàng óng, dân bản không còn thiếu đói”, ông Vật bộc bạch. Cứ thế, đất trồng lúa nước của ông ngày càng “phình” ra và cuộc sống gia đình ông ngày càng khá giả. Không chỉ làm ruộng, ông bảo vợ bán lúa mua trâu, bò về nuôi lấy sức kéo. Từ chỗ chỉ có hai con bò và hai con trâu, đến những năm đầu thập niên 90, ông Vật đã có trong tay đàn trâu, bò lên đến hàng chục con.

“Quan tòa” của bản làng

Chẳng biết tự bao giờ, ông Vật trở thành chỗ dựa với đồng bào Ca Dong nơi rẻo cao Mang He. Những ngày đầu thập niên 80-90 của thế kỷ trước, khi cái đói trở thành nỗi ám ảnh của từng nóc nhà tít non cao, ông Vật bàn với vợ rồi quả quyết: “Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, phải lập kho trữ lúa cứu đói cho người dân”. Năm đó, trời gần Tết và rất rét, vợ chồng ông âm thầm đốn cây rừng, lồ ô, tre, nứa về dựng một căn chòi ngay cạnh cánh đồng lúa nhà mình. Căn chòi hoàn thành, vợ chồng ông xin xã cho mở kho thóc. Mọi người ngạc nhiên rồi mừng như trảy hội. Từng tốp người nối nhau tiến về phía đồng lúa nhà ông Vật, nhận từng thúng gạo nghĩa tình. Không chỉ cứu đói trước mắt, ông Vật còn quyết định táo bạo khi “tặng” đất trồng lúa cho những hộ nghèo nhất làng để họ có đất canh tác. “Khi nào người dân tự giải quyết cái đói mới tính chuyện làm giàu được. Tôi ngày trước cũng thế chứ có hơn gì”, ông Vật đúc rút.

Giữa núi rừng Trường Sơn trập trùng, hình ảnh ông Vật cứ thế được truyền nhau bởi sự chân thật, cởi mở, hào sảng. Không những vậy, ông còn là vị “quan tòa” bất đắc dĩ trên địa bàn. Một ngày cuối năm 2011, đôi vợ chồng trẻ trong làng xích mích chuyện gia đình dẫn đến người chồng đánh vợ. Người vợ oan ức báo lên xã và một mực đòi li dị. Chuyện đến tai ông Vật, một “phiên tòa” lập tức được mở ra tại căn nhà của thôn với đông đủ bà con hàng xóm chứng kiến. Ngồi ở ghế “chủ tọa”, ông Vật phân tích cái sai, cái đúng của từng người. Ngay sáng hôm sau, cả bản lại thấy đôi vợ chồng trẻ dắt tay nhau lên nương rẫy canh tác. Không chỉ giữ lại hạnh phúc, ông Vật còn tặng cho họ cả sào ruộng để canh tác.

Cũng từ đó, bất luận chuyện gia đình, xã hội, người dân bản làng đều tìm đến ông như về chốn đạo lý. Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Bua, rất nhiều cuộc cãi vã, xích mích giữa người dân trong làng, giữa các cặp vợ chồng trẻ được ông hóa giải một cách êm thấm từ cái tâm sáng của một ông lão mù.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.