Thế giới

Đại gia Trung Quốc nô nức dự họp Quốc hội

05/03/2015, 16:05

Vào Quốc hội là một mục tiêu của tầng lớp giàu nhất Trung Quốc và năm nay có tới 200 người

3.1
Li Hejun, người gần đây được tạp chí Hồ Nhuận xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc, sẽ dự họp kỳ họp Quốc hội nước này năm nay

Theo hãng tin CNBC, ngày càng có nhiều những cá nhân thuộc hàng ngũ những người giàu nhất Trung Quốc tham dự kỳ họp Quốc hội, sự kiện chính trị thường niên lớn nhất ở nước này. Điều này cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa chính trị và kinh tế ở Trung Quốc.Truyền thông Trung Quốc cho hay, hơn 200 nhân vật giàu có tiếng của Trung Quốc là đại biểu tại Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc và kỳ họp Quốc hội nước này năm nay, tăng so với con số 155 người vào năm ngoái.

Trong số này có 36 người là tỷ phú, bao gồm Li Hejun, người gần đây được tạp chí Hồ Nhuận xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc.

Cả Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc và kỳ họp Quốc hội nước này đều khai mạc trong tuần này và được giới truyền thông quốc tế theo dõi chặt chẽ để xác định các mục tiêu chính sách của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Trong đó, kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc khai mạc sáng nay (5/3) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, còn Cả Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc đã khai mạc trước đó vào ngày 3/3.

Những gương mặt giàu có khác góp mặt trong hai cuộc trên có Zong Qinghou, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng đồ uống Hangzhou Wahaha, người giàu thứ ba Trung Quốc; Pony Ma - nhà sáng lập công ty Internet Tencent, người giàu thứ năm Trung Quốc, và Lei Jun, nhà sáng lập hãng công nghệ Xiaomi, tỷ phú giàu thứ 10 của nước này.

Gia nhập chính trường là một mục tiêu của tầng lớp giàu nhất Trung Quốc, cả vì các lý do cá nhân cũng như nhằm tìm kiếm những chính sách thuận lợi cho công ty của họ.

“Nhiều người giàu ở Trung Quốc dựa trên các mối quan hệ chính trị để kiếm tiền. Và đó là lý do vì sao họ rất muốn tham gia vào các hoạt động chính trị”, chuyên gia kinh tế độc lập Andy Xie nhận xét.

Trước đây, các mối quan hệ chính trị trong thế giới doanh nghiệp ở Trung Quốc thường bị đánh đồng với tư bản thân hữu, nhưng chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay đã kéo dài 2 năm của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đang khiến bản chất của mối quan hệ này ngày càng thay đổi.

“Ở Trung Quốc hiện nay, việc có mối quan hệ thân thiết với chính quyền có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, ngược lại”, chuyên gia kinh tế Alastair Chan thuộc công ty phân tích Moody’s Analytics đánh giá. Ông Chan cho rằng, lý do của điều này chính là việc Bắc Kinh nỗ lực cải cách các doanh nghiệp quốc doanh và mở cửa thị trường tài chính.

Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này được dự báo sẽ đưa ra nhiều thông tin rõ hơn về các dự án hạ tầng, đầu tư và quan hệ thương mại với châu Âu và châu Á như một phần trong chiến lược tiến ra toàn cầu của Bắc Kinh. Bởi vậy, các doanh nhân Trung Quốc đang rất hào hứng chờ đợi cơ hội mới được mở ra.

“Chúng tôi dự báo sẽ có thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài được quyết định trong năm 2015 và có thêm nhiều công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà nước và tư nhân, tranh thủ những cơ hội này để mở rộng hoạt động kinh doanh và các kênh phân phối ở nước ngoài”, một báo cáo của ngân hàng Barclays có đoạn viết.

Một số chuyên gia thậm chí còn nói rằng, kỳ họp Quốc hội hàng năm của Trung Quốc giờ chỉ còn là một sự kiện giao lưu giữa các doanh nhân và chính trị gia, tương tự như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ.

“Ở Trung Quốc, quyết định do một số rất ít người đưa ra. Những dạng hội họp này thực sự không có nhiều ý nghĩa về bản chất… Chỉ là nơi để giới giàu gặp gỡ với các chính khách quan trọng”, chuyên gia Xie nhận xét.

Theo dự báo, trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, Bắc Kinh sẽ hạ dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP về mức khoảng 7% trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy vậy, giới chuyên gia không kỳ vọng có thêm nhiều thông tin kinh tế khác đến từ kỳ họp lần này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.