Đắk Lắk: Dân khóc ròng vì dự án chậm đền bù GPMB

26/07/2016, 18:03

Vì chờ giải phóng mặt bằng (GPMB), người dân đành bỏ chết nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu...

5

Người dân xã Hòa Thắng cho biết, hai diện tích liền kề nhưng một bên đã đền bù, nhà thầu đã thi công nhưng một bên hơn một năm qua vẫn chờ đền bù

4 tháng sau khi nhận quyết định thu hồi đất phục vụ dự án Đại lộ Đông Tây, TP Buôn Ma Thuột, người dân vẫn “mịt mù” về số tiền đền bù. Vì chờ giải phóng mặt bằng (GPMB), người dân đành bỏ chết nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu...

Dân  kêu “chết theo dự án”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khương Minh Phục (thôn 1, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) - Tổ trưởng, đại diện cho 22 hộ dân có diện tích đất bị giải tỏa để phục vụ Dự án Đại lộ Đông Tây, lắc đầu ngán ngẩm: “Hiện, thôn 1 có 22 hộ có diện tích bị GPMB. Cả 22 hộ này đều đang “chết dở, sống dở”, mỏi mòn chờ dự án giải tỏa đền bù để có thể ổn định cuộc sống”.

“Suốt ngày, bà con cứ trông chờ dự án đền bù, cây cối không chăm sóc bỏ chết khô, thu hoạch không được, nhà cửa hư hỏng không dám sửa chữa khiến người dân rất bất an”, ông Phục nói và cho biết, từ tháng 7/2015, người của dự án xuống đo đất và kiểm đếm cây trên đất để đền bù. Đến ngày 30/4/2016, gia đình ông nhận quyết định thu hồi đất nhưng đến nay vẫn “mịt mù” về số tiền. Hiện, gia đình ông có 2.469m2 trong khu vực GPMB, tuyến đường đi ngang qua lấy nhà, buộc gia đình ông phải tháo dỡ. Tuy nhiên, hơn một năm qua không thấy công khai giá đền bù. Vườn cây ăn trái, cà phê và tiêu bỏ chết cả năm trời vì chờ GPMB, khiến gia đình ông rơi vào khó khăn vì mất trắng thu hoạch.

"Đối với việc khiếu nại về giá đất và giá cây bơ, việc định giá bồi thường do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Trung tâm trên cơ sở giá hiện hành. Giá đất đền bù là do tỉnh ban hành, làm tới địa bàn nào sẽ cho khảo sát và xây dựng giá đất, tiến hành công khai lấy ý kiến người dân và bồi thường theo giá thực tế”.

Ông Lê Đức Hải
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột

Tương tự, ông Lê Văn Chuỗi (77 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) bức xúc: “Gia đình tôi có 6.200m2 đất, diện tích bị thu là 4.000m2 gồm: Nhà ở, cây sầu riêng và bơ. Sau 7 năm trồng và chăm sóc, diện tích cây bắt đầu cho thu hoạch nhưng phải phá bỏ. Đó là chưa nói đến việc mỗi cây bơ và sầu riêng cho thu hoạch từ 3 - 6 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khi áp giá đền bù, mỗi cây bơ được định giá 650 nghìn đồng; Sầu riêng được tính hơn 3 triệu đồng/cây”.

Đáng nói hơn, khi kiểm đếm số lượng cây bơ để đền bù, đơn vị GPMB không tính số gốc cây thực tế mà áp “1 sào đất chỉ trồng 14 cây bơ”.

Cũng cho rằng việc áp giá đền bù không thỏa đáng, ông Phạm Văn Phàn (73 tuổi, ngụ phường Tự An) cho biết: “Gia đình tôi được thông báo mức đền bù là 398 triệu đồng cả nhà và đất. Trong khi đó, theo giá thị trường nhiều người trả nhà và đất của tôi với giá khoảng 600 triệu đồng. Như vậy, với mức đền bù 398 triệu đồng, thử hỏi chúng tôi làm sao có thể mua được miếng đất khác và xây được căn nhà trên đất thành phố này?”.

Diện tích chưa đền bù, dân được trồng cây ngắn ngày

Xin được nhắc lại rằng, Dự án Đại lộ Đông Tây TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được khởi công vào cuối tháng 9/2015. Dự án do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 998 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ (khoảng 90%) và 10% nguồn ngân sách địa phương. Dự án có chiều dài 6,9km, điểm đầu tại nút giao đường Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng, điểm cuối tại nút giao giữa QL27 với đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, là công trình cấp II, đường phố chính trung tâm, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án được triển khai, công tác đền bù, GPMB có khoảng 661 hộ và 9 tổ chức bị ảnh hưởng. Hiện nay, công tác GPMB đã và đang được triển khai theo tinh thần những nơi nào thuận lợi cho giải phóng trước để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, do việc bố trí kinh phí chậm dẫn đến công tác này đang gặp khó khăn. Ngoài ra, việc đo đạc hồ sơ còn sai sót cần phải điều chỉnh vì do các hộ dân mua bán, chuyển nhượng, tách thửa... Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư để có đất bố trí tái định cư cho các hộ chưa xong nên chưa có đất bàn giao dẫn đến công tác GPMB chưa được triển khai đồng bộ.

Ông Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết, lộ trình đền bù, GPMB diễn ra trong ba năm (2015-2018) và đang được thực hiện đúng tiến độ. Hiện, đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 3,6km.

“Việc GPMB chúng tôi đã họp dân và đã có thông báo lộ trình GPMB. Đối với những diện tích chưa đền bù, người dân được phép trồng cây ngắn ngày. Đối với cây công nghiệp đã kiểm đếm rồi, mọi thay đổi đơn vị không chịu trách nhiệm”, ông Hải nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.