Y tế

Dân báo sốt, y tế phường chờ “giấy xét nghiệm” mới diệt muỗi?

15/07/2017, 13:09

Người mắc sốt xuất huyết phải có giấy xác nhận của bệnh viện, y tế dự phòng mới xuống diệt muỗi?

14

Phun thuốc diệt muỗi ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết Ảnh: Phượng Hoàng

Có xác nhận “dương tính với SXH” mới xử lý ổ dịch?

Tính từ đầu năm tới nay, số ca SXH trên cả nước đã lên tới gần 49.000 ca, trong đó có 14 trường hợp đã tử vong.

Nằm viện vì SXH đã gần 1 tuần, chị Nguyễn Hồng N. (Trần Phú, Ba Đình, HN) cho biết, khu chị ở có đến 3 trường hợp cũng mắc SXH. Tuy nhiên, khi báo tin cho Trạm Y tế phường thì được cho biết phải có giấy của viện khẳng định mắc SXH mới sớm tiến hành thông báo ổ dịch và phun thuốc diệt muỗi. Bất ngờ khi nghe thông tin này, chị N. cho biết, người dân đã chủ động thông báo với mong muốn không để hình thành ổ dịch ở khu dân cư lại gặp “thủ tục hành chính” như vậy.

Tương tự, tại tổ 41, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, nhiều cá nhân cũng mắc SXH. Vị tổ trưởng tổ dân phố đã có thông báo với trạm y tế phường. Tuy nhiên, cán bộ y tế cũng đòi hỏi phải có xác nhận “dương tính với SXH” mới xử lý ổ dịch.

"Trong phòng chống dịch SXH hiện nay, quan trọng là phát hiện dịch sớm, có biện pháp bao vây bằng việc thông báo cho người khác phòng bệnh, phun hóa chất diệt ổ dịch. Vì vậy, nếu nói rằng phải có giấy xét nghiệm dương tính SXH hay thủ tục này nọ, theo tôi cần phải làm rõ vấn đề, không thể như vậy."

Ông Trần Đắc Phu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
(Bộ Y tế)

Cách làm nói trên của cán bộ y tế xã, phường có đúng trong khi dịch SXH đang hoành hành khắp Hà Nội? Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Cách làm như vậy là sai. Với những trường hợp chỉ nghi ngờ SXH cũng đã phải ngăn chặn. Ngay trường hợp tử vong tại Hà Nội cũng là do chủ quan không nghi ngờ mắc SXH, nên khi nhập viện đã trong tình trạng quá nặng không xử lý được. Trong phòng chống dịch SXH hiện nay, quan trọng là phát hiện dịch sớm, có biện pháp bao vây bằng việc thông báo cho người khác phòng bệnh, phun hóa chất diệt ổ dịch. Vì vậy, nếu nói rằng phải có giấy xét nghiệm dương tính SXH hay thủ tục này nọ, theo tôi cần phải làm rõ vấn đề, không thể như vậy”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Theo quy định của luật, những người nghi mắc bệnh truyền nhiễm cần phải thông báo với cơ sở y tế hoặc chính quyền và khi báo không cần bất kỳ thủ tục nào cả. Nguyên tắc là sau khi nhận thông tin, trạm y tế phường có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, báo Trung tâm Y tế dự phòng quận điều tra, xác minh địa bàn có SXH, bọ gậy không, sau đó mới có phương án xử lý”. Ông Cảm cũng cho hay, trong trường hợp cá nhân nếu thông báo lên phường chưa được, cần tiếp tục lên quận hoặc trực tiếp gọi đường dây nóng Phòng chống dịch của Hà Nội (094 9396115 và 096 9082115), chắc chắn sẽ được tiếp nhận thông tin và được xử lý.

Liên quan đến phòng chống dịch SXH, nhiều ý kiến cho rằng, “sau khi phun thuốc vẫn tiếp tục xuất hiện muỗi, liệu chất lượng hóa chất phun diệt muỗi SXH có ổn (?)”. Trả lời câu hỏi này, ông Phu khẳng định: “Tất cả hóa chất diệt muỗi đều được thử nghiệm, thực địa cả ba miền. Đồng thời, luôn có bộ phận theo dõi thử tính kháng và hiệu quả hiện vẫn được khẳng định hoàn toàn ổn”. Còn việc sau phun vẫn xuất hiện muỗi, ông Phu lý giải, muỗi truyền SXH có đặc tính đậu khắp nơi do vậy phải phun dạng khí dung, tạo cả không gian sương mù diệt toàn bộ đàn muỗi đang mang mầm bệnh. Tuy nhiên, do cách phun không tồn lưu, nên chỉ tác dụng 2 ngày và cần phải tiếp tục phun lần hai. Bên cạnh đó, muỗi SXH còn có thể di chuyển trong bán kinh 50m nên nếu cả khu vực không phun đồng loạt thì cũng rất khó có thể diệt hết muỗi.

Ông Phu nhấn mạnh, việc phun thuốc diệt muỗi SXH cũng chỉ là một cách, nhưng cốt lõi là từ mỗi cá nhân cần chủ động loại bỏ các vật dụng tích nước có khả năng làm ổ bọ gậy, tạo sinh trưởng cho muỗi SXH.

Ông Phu cũng khuyến cáo: “Hiện, đã xảy ra trường hợp giả danh Viện Dịch tễ, Viện Sốt rét đi phun thuốc diệt muỗi SXH và thu tiền với chất lượng kém. Do vậy, người dân cần lưu ý, việc phun thuốc muỗi của các đội y tế dự phòng hoàn toàn không mất phí”.

Nhiều dịch bệnh khác gia tăng

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm (tổ chức ngày 13/7), ông Trần Đắc Phu đánh giá dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước. Ở nước ngoài như Trung Quốc, khu vực Trung Đông và trên nhiều quốc gia, dịch bệnh như H7N9, MER Co-V, hay SXH vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2017 của Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm não virus, có 367 ca mắc, 10 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2016, tăng cả số ca mắc và tử vong. Nhiều bệnh dịch khác cũng có dấu hiệu tăng, điển hình như ho gà, số mắc mới tăng 186% với 193 ca; bệnh than tăng 9 ca mắc; dịch bệnh do virus Zika có 27 ca; bạch hầu 7 ca…

Riêng với liên cầu lợn, theo ông Nguyễn Bá Đăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc tăng vọt với 69 ca và 4 ca tử vong. Bệnh dịch diễn ra rải rác ở 23 tỉnh, thành phố, riêng Huế có 10 ca nhưng không tập trung thành ổ dịch. Ông Đăng cũng cho rằng, mặc dù số ca tử vong không tăng nhưng cần cảnh báo về việc ngày càng có nhiều bệnh lây truyền từ động vật. Đặc biệt là các bệnh từ lợn như: Liên cầu lợn, ổ chứa virus viêm não Nhật Bản, bệnh ký sinh trùng như sán lợn…

Ông Trần Đắc Phu cho biết: “Không đảm bảo ATTP, khô hạn thiếu nước sạch; điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều, giao thương đi lại… là nguyên nhân khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè”.

Để phòng bệnh dịch mùa hè theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, mỗi người cần tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ nhỏ. “Với những người có biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà”, ông Đắc cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.