Làm báo cùng Giao thông

Dân đâu cần quy trình xả lũ

06/11/2016, 07:58

Người dân ở vùng rốn lũ TX Ayun Pa mấy ngày nay nghe tin lũ về đã tất tưởi lo lắng đến thắt lòng.

25

Người dân buôn Jứ Ma Uôk (xã Ia Broái, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) liều mình vượt đập tràn rời khỏi nơi bị cô lập giữa lũ

Ông Siu Lam (57 tuổi, phường Sông Bờ, TX Ayun Pa, Gia Lai) thấy chúng tôi thì chỉ vào ngôi nhà đã ngập mất lối đi, buồn rầu nói: “Tôi gửi vợ con cùng ít tài sản lên nhà họ hàng rồi. Giờ chỉ mình tôi với con xuồng nhỏ ở đây trông nhà cửa”.

Ông Siu Lam nói, mỗi lần nghe đài, hoặc chính quyền thông báo thủy điện xả lũ là nơm nớp lo. Tôi sống đây cả đời, kể từ khi thủy điện bắt đầu vận hành thì nỗi lo lắng mưu sinh lại thêm nặng. Mùa hạn, thủy điện giữ nước thì khô hạn, cây cối chết cả, dòng sông Ba nước rút còn trơ đáy cát. Mùa mưa thì sợ bị xả lũ. Mưa to, cộng thêm thủy điện xả nước trong hồ tích, nước dâng vù vù, chỉ 1 vài giờ có khi đã ngập hết nhà cửa. Giờ muốn sắm đồ điện như tủ lạnh, máy móc cũng lo nước vào là hỏng.

ta vinh yen

Nhà báo Tạ Vĩnh Yên

Tối qua, một cán bộ Ban phòng chống lụt bão tại Gia Lai thốt lên với chúng tôi, 21h Nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak nhắn tin và chuyển fax cho lãnh đạo các huyện, thị xã khu vực hạ du dưới chân đập thuỷ điện ở Gia Lai thông báo xả lũ. 3 tiếng sau là nước về, lãnh đạo TX An Khê lóp ngóp cùng dân di dời tài sản tránh lũ dữ ngay trong đêm. Vào giờ ấy mà báo tin xả lũ thì quả thực làm khó địa phương. Hàng nghìn người dân thấp thỏm lo âu rồi không biết dòng nước ở chân đập thủy điện sẽ ra sao khi mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài.

Ngay trong ngày 2/11, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phải ký văn bản hoả tốc yêu cầu chấn chỉnh việc xả lũ. Văn bản nêu rõ: “Ngày 1/11, Thủy điện An Khê - Ka Nak bất ngờ xả lũ với mức xả 200m3/s và đến 11h, ngày 2/11 thì nâng mức xả lũ lên 600m3/s nhưng không thông báo đến chủ tịch tỉnh Gia Lai - Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai để chỉ đạo ứng phó với phòng chống ngập lụt ở địa phương”.

5 tháng trước, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào công tác tại Gia Lai, chính ông Thành đã kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp giúp địa phương điều phối nguồn nước Thủy điện An Khê - Ka Nak.

Ông Thành cho biết, từ khi Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng đối với hạ lưu sông Ba, khiến 450 nghìn dân tại 7 huyện chịu ảnh hưởng. Đã có trên 6.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; gần 7.000 ha cây trồng bị hạn, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Đó là hiểm họa về mùa khô, còn trong mùa lũ, những ngày qua, khi mà những cơn mưa lũ “đổ bộ” vào miền Trung cũng là lúc dân Gia Lai phải gánh chịu thêm nỗi lo lũ chồng lũ từ thủy điện.

Một chuyên gia nói với chúng tôi, đa phần dung tích của các nhà máy thủy điện miền Trung, Tây Nguyên thuộc loại nhỏ nên không thể có chức năng điều hòa như thủy điện lớn. Với các công trình thủy điện lớn, mùa lũ tích nước, mùa khô xả cung cấp nước cho vùng hạ du khô hạn. Nhưng với thủy điện nhỏ, lúc nào cũng cần tích nước để phát điện, mưa to, lũ về là phải xả nhanh nếu không sẽ vỡ đập. Xả lũ như vậy cũng được xem là đúng quy trình. Do vậy, người dân phải chịu hiểm họa lũ dữ gấp đôi.

Riêng Thủy điện An Khê - Ka Nak có công suất lớn hơn (173MW), phải xem lại khi nào cần xả nước cứu dân chứ không chỉ để cứu vỡ đập thủy điện theo đúng quy trình.

Vâng! Người dân cũng đã quá quen thuộc với cụm từ “đúng quy trình” từ khi xuất hiện thủy điện trên mảnh đất họ an cư nhiều đời nay. Xây đúng quy trình, xả lũ đúng quy trình, thiệt hại đúng quy trình.

Vừa tìm được một chỗ ngồi vững chãi giữa mênh mông nước dữ, thấy chúng tôi cầm máy ảnh, một người đàn ông ở Ayun Pa nói: “Nhà báo đừng viết bài xả lũ đúng hay sai quy trình nữa, chúng tôi không quan tâm quy trình ấy như thế nào, chỉ cần mùa khô cây cối có nước sống, mùa lũ không phải leo lên mái nhà”(!).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.