Thị trường

Dân biển miền Trung vẫn è cổ trả lãi ngân hàng

11/07/2016, 09:08

Nhiều ngư dân tại một số địa phương bị thiệt hại vẫn đang phải chạy ăn và chạy tiền trả lãi ngân hàng.

9

Ông Tỵ và cuốn sổ vay lãi ngân hàng với 2 lần phải đóng đủ lãi vay trong tháng 5 và tháng 6 - Ảnh: Văn Thanh

Mặc dù Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ ngư dân vay vốn ngân hàng, nhưng theo tìm hiểu của Báo Giao thông, nhiều ngư dân tại một số địa phương bị thiệt hại vẫn đang phải chạy ăn và chạy tiền trả lãi ngân hàng.

Chạy ăn và chạy tiền trả lãi

Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 15 nghìn người trực tiếp đánh bắt ngoài biển và 45 nghìn người làm dịch vụ nghề cá. Thống kê sơ bộ thiệt hại về kinh tế tỉnh này phải gánh chịu khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực thủy, hải sản chiếm khoảng 2.300 tỷ đồng.

Thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều biện pháp từ cấp phát gạo cứu đói cho người dân tới trích ngân sách hỗ trợ bằng tiền cho mỗi hộ chịu ảnh hưởng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Quảng Bình về việc khắc phục hậu quả cá chết hồi cuối tháng 4, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án khoanh nợ, giãn nợ những khoản vay cũ, hỗ trợ ngư dân vay ưu đãi khi có nhu cầu chuyển đổi sang làm nghề mới. Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Giao thông, còn rất nhiều người dân vẫn phải xoay xở trả lãi ngân hàng.

Đối với những trường hợp chưa được khoanh nợ, giãn nợ như Báo Giao thông đã phản ánh, ông Hiếu cho biết, sẽ kiểm tra, rà soát lại và khẳng định, tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng gián tiếp, trực tiếp đều được xem xét cho giảm lãi vay. Tuy nhiên, người vay phải có đơn, tờ trình theo mẫu hướng dẫn của ngân hàng vay vốn thì sẽ được xem xét giảm lãi khi đến kỳ hạn. 

Cụ thể, ngư dân Nguyễn Thị Thơi (trú tại xóm 8, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, gia đình vay ngân hàng gần 100 triệu đồng để mua tàu, ngư cụ… nhưng 3 tháng qua chúng tôi vẫn phải trả lãi mặc dù gia đình không thể ra khơi đánh cá”, chị Thơi buồn bã.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Lụa (xóm 8, thôn Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Trạch - có 5 người con), 2 tháng nay phải ăn bằng gạo cứu trợ, tiền trợ cấp của Nhà nước. Giờ tiền đã hết, gia đình phải chạy gạo ăn từng bữa. Trước đó, gia đình chị Lụa cũng vay hàng trăm triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Thế nhưng, 2 tháng qua, gia đình chị Lụa cũng vẫn phải đóng lãi vay hàng tháng.

Để minh chứng cho lời nói của mình, những người dân như bà Thơi, chị Lụa, ông Tỵ không ngần ngại dẫn chúng tôi về tận nhà để lấy sổ vay ngân hàng cho xem. Cụ thể, ông Tỵ đưa hồ sơ đã vay 250 triệu đồng từ Agribank, ngày 19/5 và 19/6 ông đã trả lãi ngân hàng 2 lần với số tiền hơn 4 triệu đồng (gần bằng số tiền trợ cấp Nhà nước hỗ trợ gia đình ông sau thảm họa cá chết).

Tại cảng cá Sông Gianh, huyện Bố Trạch, ngư dân Nguyễn Văn Hải (trú Quảng Phúc, TX Ba Đồn) cũng khẳng định, chưa từng được ngân hàng khoanh nợ cho số tiền 1 tỷ đồng mà anh đã vay cách đây 2 năm của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) để góp vốn mua tàu cá.

Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Tất Hữu, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Mật (Vĩnh Thái, Vĩnh Linh) cho hay, hai năm trước, gia đình ông vay vốn ở Ngân hàng Agribank huyện Vĩnh Linh 50 triệu đồng (hạn 5 năm). Đến nay, gia đình ông Hữu đã trả được 20 triệu đồng, song quý vừa rồi vẫn phải trả lãi bình thường.

Chưa thực hiện vì chưa có văn bản chỉ đạo

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch thừa nhận: Đúng là có chủ trương khoanh nợ cho ngư dân vùng bị thiệt hại sau thảm họa cá chết hàng loạt. Nhưng việc này do các ngân hàng thực hiện. Thời gian qua, huyện chủ yếu tập trung hỗ trợ ngư dân kịp thời trong việc cấp phát gạo, tiền hỗ trợ thiệt hại ban đầu. Về việc thống kê số hộ đang vay vốn để khoanh nợ, ông Duy khẳng định “chúng tôi chưa thực hiện”.

Đối với phạm vi toàn tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Phương án khoanh nợ khoản vay ngân hàng cho các ngư dân bị thiệt hại do đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Bình thực hiện.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Quảng Bình, trên địa bàn có 4.055 khách hàng vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng với dư nợ 1.059,9 tỷ đồng; Trong đó, dư nợ bị thiệt hại 739,1 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 437 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 153,9 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi tiền vay cho 350 khách hàng, số tiền 15,7 tỷ đồng; Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn về tối đa 7%/năm cho 1.025 khách hàng, dư nợ 150,6 tỷ đồng; Giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn về tối đa 10%/năm cho 52 khách hàng, dư nợ 52,8 tỷ đồng; Cho vay mới 670 khách hàng, doanh số cho vay 251,8 tỷ đồng...

Liên quan đến chủ trương khoanh nợ, giãn nợ theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Bình cho biết, cơ quan này chưa nhận được văn bản chỉ đạo về nội dung này. NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Bình chỉ giảm lãi, xóa lãi cho các hộ vay thu mua tạm trữ, chưa thực hiện khoanh nợ cho bất cứ ngư dân vay mới nào.

Đại diện NHNN cho biết, liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do thảm họa cá chết, cơ quan này đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho vay thu mua tạm trữ hải sản trên địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đối tượng là các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vay vốn để thu mua, tạm trữ hải sản, từ ngày 5/5 đến hết ngày 5/6/2016; Lãi suất áp dụng mức ngắn hạn thấp nhất cho các khoản vay cùng kỳ hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên, nhưng không vượt quá 7%/năm. “NHNH chưa có văn bản chỉ đạo nào liên quan đến việc khoanh nợ, giãn nợ”, đại diện NHNN xác nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.