Hạ tầng

Dân mong sớm đầu tư QL27 qua Lâm Đồng

23/04/2015, 09:12

QL27 là tuyến đường nối từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng, đến Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên đang xuống cấp...

71
Mặt đường quá hẹp, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, nhất là những khúc cua, đèo dốc khiến việc đi lại khó khăn và nguy cơ mất ATGT

QL27 là tuyến đường chiến lược nối từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng, đến Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên nhưng đang xuống cấp trầm trọng, gây mất ATGT. Sau nhiều lần lập dự án đầu tư nâng cấp cải tạo bất thành do khó khăn về vốn, người dân nơi đây rất vui mừng khi dự án được bố trí vốn để triển khai giai đoạn 2016-2020.

Đoạn đường lắm sống trâu, nhiều ổ gà

Trung tuần tháng 4/2015, PV Báo Giao thông khảo sát thực tế toàn bộ chiều dài 91km trên tuyến QL27, đoạn từ Liên Khương đến cầu Krông Nô (Lâm Đồng). Nhiều đoạn trên tuyến đường này mặt đường đang bị biến dạng nghiêm trọng, tạo thành những ổ gà, gồ sống trâu rất nguy hiểm. Đặc biệt là tại những khúc cua, các đoạn đèo dốc, nhựa bị bong tróc, “ổ gà”, “ổ voi” như những cái bẫy rình rập người đi đường…

Làm nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng trên đoạn tuyến này có hai đơn vị là Đội Quản lý và xây dựng công trình (QL&XDCT) Lâm Hà và Đam Rông. Tuy nhiên, theo các đơn vị này, do nguồn kinh phí có hạn, nhân lực, máy móc ít…, đường hư hỏng quá nặng nên họ chủ yếu làm công việc trám, dặm vá để bảo đảm ATGT nên chỉ được một thời gian đường lại bị hỏng.

"Mong rằng dự án được triển khai ngay từ đầu giai đoạn vào năm 2016 để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng ngừa TNGT… cho tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nói chung”.

Ông Trương Hữu Hiệp
Giám đốc Sở GTVTtỉnh Lâm Đồng

Ông Hồ Ngọc Toàn, Đội trưởng Đội QL&XDCT Lâm Hà cho hay, đơn vị được giao đảm trách 40km trong khi chỉ vỏn vẹn có 14 nhân sự nên vừa phải sơn sửa mặt đường vừa phải khắc phục các sự cố gây mất an toàn, dặm vá các “ổ gà, ổ voi…”.

Còn theo Đội trưởng Đội QL&XDCT Đam Rông Nguyễn Văn Hoàng, Đội chỉ có 8 nhân sự làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng 51km tuyến đường này nên phải thuê lao động bên ngoài theo thời vụ. Thế nhưng, do địa hình phức tạp, nền đường yếu và thường xuyên bị xe chở nông sản, xe chở gỗ tàn phá nên có rất nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Công việc sửa chữa chỉ là biện pháp tình thế.

Ông K’ An (60 tuổi, người dân tộc K’Ho ở xã Đạ Đờn, huyện Đam Rông) bày tỏ: “Mấy năm nay, đường sá xuống cấp, người dân chúng tôi đã khổ càng thêm khổ. Vận chuyển hàng hóa khó khăn, giá nông sản rẻ, cái nghèo khó cứ đu bám người dân. Chúng tôi mong Nhà nước sớm nâng cấp, mở rộng đường để người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Mặc dù tuyến QL27 có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho nhiều tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên, nhưng do được đầu tư từ khá lâu nên đã xuống cấp trầm trọng, không còn tương xứng và chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế”.

Đã tìm được vốn đầu tư, nâng cấp

Được biết, đoạn từ Km83 - Km174 (91km từ Liên Khương đến cầu Krông Nô) được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT Lâm Đồng quản lý, bảo trì đi qua nhiều đoạn đèo dốc, mặt đường trung bình chỉ rộng 5,5m… nhưng lại có đủ loại phương tiện cùng lưu thông, nguy cơ TNGT rất cao. Để đảm bảo giao thông cho tuyến đường này, ngoài số kinh phí sửa chữa thường xuyên, Tổng cục Đường bộ VN có bố trí một số gói định kỳ, chia ra từng đoạn; đoạn nào xuống cấp nhiều thì cho đầu tư trước, xoay vòng nhưng hiệu quả không cao.

Sau đó, Sở GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tại Quyết định 3111 ngày 28/10/2010, với tổng mức được phê duyệt của dự án là 1.355 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên từ đó đến nay, Bộ cũng chưa sắp xếp được. Trước thực trạng trên, Bộ GTVT có chỉ đạo chuyển sang hình thức đầu tư BOT. Tuy nhiên, vì lưu lượng xe không nhiều, địa hình lại phức tạp, dân cư thưa thớt nên rất khó kêu gọi đầu tư BOT. Vì thế, UBND tỉnh đã đề nghị chuyển hình thức đầu tư khác.

“Lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh rất vui mừng bởi trong chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 7/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đồng ý đưa đoạn Liên Khương - Krông Nô vào đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn trung hạn 2016 - 2020”, ông Hiệp nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.