Thế giới giao thông

Tủi phận người phụ nữ Afghanistan đầu tiên lái taxi

06/03/2015, 07:41

Người ngồi ghế lái chính là người khiến chiếc taxi mang số hiệu 12925 trở nên đặc biệt.

101
Sara Bahayi đang đợi khách

Từng ngày vượt định kiến

Thoạt nhìn, chiếc Toyota Corolla ấy cũng giống như tất cả những chiếc taxi khác mải miết đi dọc con đường hiểm trở ở Afghanistan. Người ngồi ghế lái có khuôn mặt tròn, tóc đen, quàng chiếc khăn màu tím, đây cũng chính là người khiến chiếc taxi mang số hiệu 12925 trở nên đặc biệt.

Sara Bahayi, người phụ nữ Afghanistan đầu tiên lái taxi, cũng là người duy nhất trên đất nước này chủ động tìm kiếm và có một công việc thực sự. 38 tuổi, chưa lập gia đình, Sara Bahayi bị coi là trơ trẽn trong xã hội gia trưởng, nơi phụ nữ bị coi là công dân hạng hai và thường bị lạm dụng.

Hàng ngày, cô đến công ty taxi được điều hành bởi những người đàn ông bảo thủ, chịu đựng những cái nhìn kẻ cả, những câu nói giễu cợt thậm chí cả sự đe dọa nguy hiểm đến tính mạng. Đa số đàn ông chẳng bao giờ đi taxi cô lái vì họ cho rằng, đàn bà không bao giờ được phép lái xe chở đàn ông. Tuy nhiên mỗi ngày, Bahayi vẫn kiếm được 10 - 20 USD, đủ để nuôi 15 người họ hàng và người mẹ ốm yếu của cô.

Khách của Sara Bahayi thường là những phụ nữ Afghanistan bị xiềng xích bởi truyền thống và nỗi sợ hãi thường trực; nhưng họ luôn muốn cảm nhận mơ ước được tự do thông qua cô. Có lần cô chở khách tới vùng lãnh thổ của Taliban, đó là chuyến đi mà tất cả các tài xế đàn ông đã từ chối nhận. Một lần khác, cô thuyết phục thành công một người đàn ông có niềm tin giống tất cả những người Afghanistan khác rằng phụ nữ không được phép lái xe, là sai hoàn toàn.

Bahayi nói rằng, thông qua tất cả các hành khách đi xe là phụ nữ, cô đều gửi tới họ thông điệp rõ ràng rằng: “Phụ nữ hãy ra khỏi nhà và kiếm tiền. Đừng sống phụ thuộc vào đàn ông”. Cô nói: “Đã bao lâu rồi phụ nữ sống bằng thu nhập của đàn ông và phải phục tùng mệnh lệnh của đàn ông. Tôi muốn họ trở nên độc lập và có thể làm điều gì đó cho chính bản thân họ”.    

"Phần lớn đàn ông từ chối lên xe tôi lái"

Hai năm trước, Bahayi tham gia lớp học lấy bằng lái xe taxi. 30 học viên trong lớp đều là đàn ông. Để thoát khỏi những trò đùa và ánh mắt soi mói, cô phải ngồi ở tận cuối lớp. Một hôm, một học viên đã nói với cô rằng, việc cô học với họ là sự sỉ nhục, là sự thiếu tôn trọng đối với đàn ông. Ông ta nói: “Nếu cô không cảm thấy ngượng thì tôi lấy làm xấu hổ thay cô”. Hai tuần sau đấy, cô vượt qua kì sát hạch và nhận bằng lái xe trong khi chỉ có 9 người đàn ông cùng lớp đỗ. Nhiều người khác trong đó có người đàn ông chỉ trích cô đã trượt.

Đó không phải là rào cản đầu tiên Bahayi phải vượt qua. Cuối những năm 1990, Taliban giết hại anh rể khiến cô phải đứng ra chăm sóc chị gái cùng 7 đứa con của anh chị. Bahayi làm việc cho các tổ chức từ thiện khác nhau, cố gắng kiếm sống. Nếu có chồng, cô sẽ không được chồng cho đi làm. “Đó chính là lý do tôi không kết hôn”, Bahayi nói với nụ cười buồn bã.

Khi chính quyền Taliban sụp đổ, Bahayi trở thành giáo viên dạy trung học nhưng thu nhập thấp khiến cô không thể cáng đáng được gia đình lớn. Chính vì vậy, cô quyết định thi lấy bằng lái xe và đi làm tài xế taxi. Một người đàn ông hàng xóm tốt bụng đã dạy cô lái xe trong vòng 15 ngày. Sau đó, cô bán một phần mảnh đất mình được thừa kế từ bố rồi mua chiếc sedan Toyota màu đen. Cô bắt đầu chở khách là những phụ nữ hàng xóm, những người cảm thấy an toàn khi đi với cô hơn tài xế nam. Họ cổ vũ cô trở thành lái xe taxi. Bản thân Bahayi cũng cảm nhận rõ cơ hội kiếm tiền của mình.

Vào ngày cô nhận giấy phép lái xe taxi, khách hàng đầu tiên là một phụ nữ đã vô cùng choáng váng khi thấy Bahayi sau vô lăng. Sau phút bất ngờ, cô yêu cầu Bahayi đi hẳn một vòng Mazar - e Sharif. Dọc đường, trẻ con và một số người đàn ông vỗ tay cổ vũ cho cô. Bahayi nhớ lại: “Đó thực sự là một ngày tuyệt vời”.  Tuy nhiên, phần lớn đàn ông từ chối lên xe của cô. Khi đỗ ở điểm chờ khách, những đối thủ cạnh tranh là đàn ông cố gắng chặn xe của cô hoặc ngăn cản khách hàng tiềm năng của Bahayi. Nhưng cuối cùng, họ cũng quen với việc nhìn thấy cô ở chỗ làm việc hàng ngày, dù rằng vẫn liên tục phản đối cô.

Jan Mir - một tài xế taxi 40 tuổi nói: “Tôi chẳng đời nào cho phép vợ mình lái xe cả. Phụ nữ bị cấm lái xe. Xã hội không chấp nhận phụ nữ làm vậy. Nếu họ cố tình làm, tất cả mọi người sẽ nói nhiều điều xấu xa về gia đình họ”. Thế nhưng, những người đàn ông là hàng xóm của Bahayi lại cảm thấy an toàn cho vợ con họ khi được Bahayi chở. Ông Mohammad Akram, có họ hàng đi xe Bahayi nói: “Phụ nữ sẽ cảm thấy an toàn khi đi taxi mà tài xế là nữ. Tôi thấy nữ tài xế taxi cũng giống như nữ bác sĩ mà thôi”.

Ở Afghanistan, ngoài Bahayi là tài xế taxi, một số phụ nữ khác cũng trở thành chính khách, quan chức như Rula Ghani - đệ nhất phu nhân của Afghanistan. Phần lớn họ xuất thân từ những gia đình tiến bộ và có đặc quyền. Chỉ duy nhất Bahayi đến từ một gia đình nghèo khổ ở một trong những vùng đói nghèo nhất của Afghanistan là Mazar -e Sharif. Chính vì vậy cô cũng trở thành động lực cho nhiều phụ nữ còn đang bị xiềng xích bởi xã hội gia trưởng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.