Hạ tầng

Dân tự nguyện thế chấp sổ đỏ vay tiền làm đường (Kỳ 4)

02/07/2015, 09:07

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện hiến đất, hoa màu, thậm chí cầm cố sổ đỏ để… góp tiền làm đường.

IMG_7046
Hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có bước phát triển vượt bậc.

Giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được “thay áo mới” chỉ sau 5 năm xây dựng. Để có được kết quả đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, thậm chí cầm cố sổ đỏ để… góp tiền làm đường.

Lòng dân là “chìa khóa” để thành công

Từ một vùng đất nhiều khó khăn, nhưng đến nay huyện Xuân Lộc (huyện đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên trên cả nước) đã có hơn 97% đường ấp trên địa bàn được nhựa hóa, bê tông hóa đường GTNT mới. Để có được những kết quả trên, Xuân Lộc đã có những cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân cùng tham gia thực hiện. Tiêu biểu là xã Xuân Bảo (huyện Xuân Lộc). Ông Ngô Hữu Phụng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Xác định người dân là “chìa khóa” thành công trong việc xây dựng đường GTNT, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ dân, cùng chung tay góp sức, góp tiền, góp đất làm đường”.

Một trong những cách làm là tuyên truyền vận động để dân tận mắt chứng kiến những kết quả thực tế mà nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất xây đường cùng Nhà nước. Ông Phụng dẫn chứng: “Trước năm 2010, các tuyến đường trên địa bàn xã chủ yếu là đường đất đỏ, chỉ bê tông hóa được 7 km (đạt 19%). Sau 5 năm thực hiện mô hình nông thôn mới, chúng tôi đã đầu tư được 30 tuyến đường bê tông xi măng (khoảng 30 km-PV). Tổng kinh phí xây dựng các tuyến đường này là 44 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước chiếm hơn 50%, còn lại là huy động từ nhân dân.

Trong 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp cải tạo được 1.662 km đường, hơn 30 cây cầu bê tông cốt thép, 32 cống hộp. Ngoài ra, tỉnh còn huy động sức dân triển khai nâng cấp, cứng hóa các tuyến đường thôn, xóm, đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu sẽ đạt 100% tỷ lệ nhựa hóa đường huyện, các tuyến đường trục, khu, ấp, xóm được cứng hóa đạt 80% số xã (109 xã) đạt chuẩn theo quy định của Bộ GTVT.

Một địa phương có cách làm độc đáo khác là xã Gia Canh, huyện Định Quán. Xác định được lợi ích của việc làm đường trong khi kinh phí hỗ trợ của địa phương còn hạn hẹp, nhiều nông dân đã tự nguyện góp tiền làm con đường mới khang trang. Ông Trần Văn Mỹ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ quốc, ấp 3, xã Gia Canh cho biết: “Trước đây, các tuyến đường GTNT trong ấp chủ yếu là những con đường “nắng bụi, mưa lầy”, người dân đi lại rất vất vả. Sau khi có kế hoạch làm đường trong ấp 3, địa phương đã họp các hộ dân và thống nhất chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa các con đường trong ấp.

Tuy nhiên, một số hộ khó khăn chưa có tiền đóng phí làm đường, mọi việc tưởng rơi vào bế tắc. Trong lúc khó khăn, một số hộ gia đình chấp nhận đi vay mượn, thậm chí thế chấp sổ đỏ tạm thời bù vào phần những hộ chưa có tiền góp".

Ông Nguyễn Văn Hinh, một trong những hộ chấp nhận thế chấp sổ đỏ góp tiền làm đường chia sẻ: “Để sớm thoát cảnh đường nắng bụi, mưa lầy tôi chấp nhận thế chấp sổ đỏ tạm thời và được chính quyền địa phương cũng như các hộ dân chưa đủ tiền cam kết hoàn tiền trong một năm. Vợ tôi cũng nhiệt tình ủng hộ nên tôi mạnh dạn xung phong cho mượn sổ đỏ thế chấp 50 triệu đồng lấy tiền làm đường”, ông Hinh kể.

Cũng từ sự mạnh dạn tiên phong của ông Hinh, ông Đại và một số hộ khác cũng lấy sổ đỏ vay ngân hàng để ứng tiền đóng cho những hộ chưa góp đủ số tiền làm đường còn lại cho địa phương. "Đường đã làm xong khang trang, sạch đẹp. Thấy được lợi ích thiết thực này, các hộ trước chưa góp đủ tiền cũng đã cố gắng hoàn lại phần tiền đã được ứng trước để các hộ ông Hinh, ông Đại lấy lại sổ đỏ”, ông Mỹ, một người dân trong xã cho hay.

Nông thôn khoác “áo mới”

Chia sẻ về công tác vận động xây dựng đường GTNT ông Trương Công Lý, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) cho biết, trước đây xã Xuân Tâm là một xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh. Khi có chủ trương làm đường mới, hầu hết người dân đều ủng hộ, nhưng trong quá trình vận động góp tiền cùng Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn do một số hộ nghèo chưa có tiền.

“Trước hoàn cảnh đó, nhiều người đã sẵn sàng ứng tiền làm đường như: hộ ông Nguyễn Xuân Khương, Nguyễn Đăng Ảnh (ấp 7)… mỗi hộ đã ứng 60 triệu đồng cho các hộ nghèo góp tiền làm đường. Ngoài ra, còn nhiều hộ khác đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng ứng tiền làm đường sau đó chờ các đợt thu hoạch ngô, khoai, sắn lấy tiền chuộc lại”, ông Lý chia sẻ và cho biết, hiện nay xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đường được bê tông hóa, khang trang sạch đẹp, bà con giáo dân đi lễ thuận lợi, đám hỏi, đám cưới, đám tang… Trước đây, xe máy còn đi lại khó khăn, bây giờ đường đổ bê tông xanh-sạch-đẹp, ô tô có thể vào tận nhà rước dâu không phải đậu xe từ QL1, lội bộ đường sình lầy như trước.

Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2014, tỉnh đã đầu tư cho lĩnh vực giao thông gần 1.140 tỷ đồng. Ngành giao thông đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan mở mới và nâng cấp gần 400 km đường, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên trên 1.735 km đường các loại. Nâng cấp và xây dựng mới nhiều cầu bê tông cốt thép phục vụ người dân đi lại.

“Nhờ việc hoàn thành nhiều công trình giao thông, trong đó có GTNT, công tác vận tải hành khách, hàng  hóa và nông sản trên địa bàn thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh”, ông Bình cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.