Thế giới giao thông

Đằng sau khủng hoảng tại hãng hàng không Air France-KLM

10/05/2018, 07:19

Hãng hàng không quốc gia Air France-KLM lại tiếp tục rơi vào cuộc biểu tình mới khiến giá cổ phiếu sụt giảm thảm hại...

29

Một cuộc đình công của nhân viên Air France

Hãng hàng không quốc gia Air France-KLM lại tiếp tục rơi vào cuộc biểu tình mới khiến giá cổ phiếu sụt giảm thảm hại, Giám đốc điều hành (CEO) Jean-Marc Janaillac từ chức và đối mặt cảnh báo “sống chết mặc bay” từ chính phủ.

Vì đâu nên nỗi?

Hãng hàng không Air France - KLM được sáp nhập từ hãng Air France và hãng hàng không quốc gia Hà Lan 14 năm trước, từ lâu đã gặp vấn đề với các tổ chức công đoàn của Pháp. Nhiều năm trở lại đây, công đoàn SNPL đại diện cho các phi công của hãng đã thực hiện nhiều cuộc biểu tình vì kế hoạch thuyên chuyển công tác, không thỏa mãn điều kiện làm việc và lương bổng.

Những cuộc biểu tình gần đây, bắt đầu từ tháng 2 đều về vấn đề lương. Công đoàn muốn lập tức tăng lương 5,1% trong khi đó, ban quản lý lại đề xuất tăng 7% mỗi 4 năm một lần và tăng thêm 1% riêng trong năm 2018.

Đề xuất của ban quản lý đã được đưa ra bỏ phiếu vào cuối tuần qua nhưng 55% phiếu phản đối. Sau diễn biến này, Giám đốc điều hành Jean-Marc Janaillac từ chức theo lời hứa trước đó.

Phản ánh mâu thuẫn sâu sắc tại Pháp

Mặc dù số nhân viên biểu tình đã giảm nhẹ so với các cuộc biểu tình trước nhưng sự kiện diễn ra ngày 7/5 buộc Air France phải hủy khoảng 15% số chuyến bay trên toàn cầu.

Giá trị cổ phiếu giảm mạnh khi sàn giao dịch Pháp mở cửa cùng ngày. Theo Tạp chí Forbes, ngay khi mở cửa, cổ phiếu của hãng giảm 13%, sau đó phục hồi nhẹ và tiếp tục giảm 11,6%.

Các hoạt động đình công khiến Air France - một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới tổn thất hơn 300 triệu euro. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố, chính phủ sẽ không cứu hãng hàng không quốc gia này và cảnh báo “sự tồn tại của Air France đang lâm nguy”.

Theo Tạp chí Forbes, sự việc này không đơn thuần chỉ là xung đột giữa công nhân với ban quản lý hãng hàng không mà cần phải xem xét sự việc trong bối cảnh rộng hơn đó là sự phản đối của người lao động với nỗ lực “hiện đại hóa” thị trường lao động Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron.

Sở dĩ vậy, vì ông Macron đang thúc đẩy sửa đổi Luật Lao động với tham vọng hướng tới giảm tỉ lệ thất nghiệp và xây dựng một thị trường Pháp hấp dẫn hơn, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp đang ở mức 10% trong nhiều năm (gấp đôi mức của Anh).

Kế hoạch bao gồm đặt mức trần cho việc bồi thường người lao động bị sa thải, giảm thời gian kháng cáo, thương lượng không cần nghiệp đoàn đối với các công ty dưới 50 nhân viên, trong khi gần một nửa số nhân viên ở Pháp làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Người lao động cho rằng, luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa quyền cơ bản của người lao động nên đã chọn đối đầu khốc liệt với Tổng thống Pháp.

Không riêng trong ngành Hàng không, Tổng thống Pháp cũng thách thức các công đoàn đường sắt Pháp khi tìm cách hủy bỏ quy định một công việc làm cả đời và cải cách tiền lương ở công ty đường sắt Nhà nước SNCF, một lần nữa dẫn tới đình công.

Trong trường hợp Air France, Chính phủ của ông Macron cân nhắc đối đầu với công đoàn đến cùng. Trong đó, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cảnh báo, hãng hàng không có thể “biến mất” nếu công đoàn còn tiếp tục đình công.

Chính phủ sở hữu 1,43% cổ phần hãng Air France-KLM nhưng tuyên bố sẽ không cứu trợ hãng kể cả họ có tổn thất ít nhất 25 triệu euro (tương đương 29,8 triệu USD/ngày).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.