Quản lý

Đánh giá đúng hiện trạng để xác định nhu cầu vốn bảo trì

05/12/2018, 06:08

Phải đánh giá được hiện trạng từng tuyến đường mới xác định được nhu cầu vốn thực sự...

4

Bảo trì mặt cầu Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Tại cuộc họp xây dựng Đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030 do Bộ GTVT tổ chức hôm qua (4/12), nhiều ý kiến cho rằng, phải nêu rõ bức tranh hiện trạng hư hỏng từng tuyến đường để xác định nhu cầu vốn bảo trì phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, từ khi thành lập, nguồn vốn từ Quỹ dành cho công tác bảo trì đường bộ được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn Qũy còn rất thiếu so với nhu cầu tối thiểu. Tổng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ. Tính riêng năm 2018, nguồn vốn dành cho công tác này mới đáp ứng được trên 34% yêu cầu.

“Đến nay, còn tới trên 60% tổng chiều dài mạng lưới quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ. Trong đó, có trên 10.600km đã quá thời hạn trung tu và trên 5.700km quá thời kỳ đại tu do thiếu nguồn vốn. Bên cạnh đó, hệ thống quốc lộ vẫn còn trên 1,3% đường cấp phối, tỷ lệ đường bê tông nhựa mới đạt khoảng 60%”, ông Huyện cho biết thêm.

Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho rằng, cần tính toán chính xác nhu cầu vốn dành cho bảo trì. Muốn tính toán được phải căn cứ vào hiện trạng các tuyến đường và đơn giá. “Phải đánh giá được hiện trạng từng tuyến đường mới xác định được nhu cầu vốn thực sự”, ông Quốc nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, phải nêu rõ được sự cần thiết của đề án, đánh giá rõ thực trạng từng tuyến đường, theo từng vùng. Cùng đó, phải bổ sung thêm số liệu bảo trì giai đoạn trước 2010 - 2018 để đánh giá nguồn vốn Nhà nước dành cho bảo trì, so sánh với nguồn vốn hiện nay để nổi bật được nhu cầu vốn nêu trong đề án.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đề án sẽ được trình Chính phủ trong năm 2019 để Chính phủ thông qua chuẩn bị cho kế hoạch bảo trì 2019. Do đó, Tổng cục Đường bộ VN cần xây dựng đề án trên tinh thần nghiêm túc, trong đó cần đặc biệt chú ý về căn cứ pháp lý phù hợp và phải phân tích rõ sự cần thiết của công tác bảo trì.

Theo Bộ trưởng, những năm qua dù công tác bảo trì đường bộ đã được tập trung, nhưng thực trạng hư hỏng các tuyến đường cần nhu cầu vốn còn rất lớn, trong khi vốn được bố trí rất ít. Nhiều tuyến đường hư hỏng gây bức xúc trong xã hội nhưng không có nguồn kinh phí thực hiện, dẫn đến chất lượng hệ thống giao thông không đồng bộ và nhiều hệ lụy khác, không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 “Không được chạy theo thành tích và không dấu số liệu, số liệu phải chuẩn, thực trạng phải đúng. Phải đánh giá đúng, có tính chất tổng quan hiện trạng, sát thực tiễn các tuyến đường giữa các vùng miền, nêu rõ nguyên nhân của việc đường xuống cấp do thiếu nguồn vốn và nếu không giải quyết được thực trạng tuyến đường thời gian tới sẽ ra sao. Từ thực tế này cũng cần nêu rõ bức tranh về bảo trì và nhu cầu, kế hoạch nguồn vốn dành cho công tác này theo từng thời kỳ”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng yêu cầu cần nghiên cứu đề xuất thêm các giải pháp huy động nguồn vốn khác từ xã hội hóa cho công tác bảo trì. Đồng thời, nêu rõ giải pháp về quản lý, vật liệu, cách làm để duy trì được hệ thống đường bộ phục vụ phát triển kinh tế. Trong phân kỳ đầu tư phải đảm bảo công bằng, hài hòa giữa các vùng miền. Phải xây dựng được đề án bảo trì đường bộ sát với thực tiễn, chất lượng và thuyết phục để báo cáo Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.