Điện ảnh

Đạo diễn Cha cõng con:“Không ấm ức khi trả bằng khen Cánh diều vàng”

11/04/2017, 07:47

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Lương Đình Dũng để làm rõ thêm vấn đề này.

24

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Ngày 10/4, đạo diễn, nhà sản xuất phim Cha cõng con - Lương Đình Dũng tuyên bố trả lại bằng khen cho Ban Tổ chức Giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng ngay lập tức. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Lương Đình Dũng để làm rõ thêm vấn đề này.

Tôi không hậm hực, bức xúc

Đến thời điểm này anh đã bao nhiêu lần tham dự giải thưởng Cánh diều vàng?

Tôi đã 3 lần tham dự giải Cánh diều vàng. Năm 2004, tôi tham dự ở hạng mục phim ngắn với Hạnh phúc đỏ. Phim được giải khuyến khích nhưng sau đó bộ phim được chọn chiếu tại liên hoan phim lớn của Pháp. Năm 2007, tôi tham dự Cánh diều vàng ở hạng mục phim ngắn với Chuyện ông Mờ và chỉ nhận được bằng khen của Ban giám khảo. Bộ phim này sau đó được giải Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29. Sau đó, tôi làm bộ phim Xẩm đỏ. Tôi định tham gia nhưng suy nghĩ mãi lại quyết định không tham dự. Lần thứ 3, tôi tham dự với bộ phim Cha cõng con. Trước khi dự giải Cánh diều vàng, tôi cũng do dự. Nhưng nghĩ, Cánh diều vàng là sân chơi quê nhà, mình góp thêm sự trân trọng và niềm vui với điện ảnh.

Tuy nhiên, cả 3 lần tham dự tôi tự nhận mình là người vô duyên với Cánh diều vàng.

Vậy lý do gì khiến anh trả lại bằng khen Cánh diều vàng?

Cho đến thời điểm này, bộ phim Cha cõng con đã lọt vào 8 liên hoan phim quốc tế. 6 liên hoan phim đã chọn chiếu tranh giải ở Mỹ. Mới đây, là LHP Canada 13, LHP Milano của Ý đã đề cử 5 hạng mục, sau 10 năm ấp ủ, gần 3 tháng quay phim, hơn 1 năm hậu kỳ với kinh phí lên tới gần 18 tỷ đồng.

Tại Cánh diều vàng, Cha cõng con được đề cử ở ba hạng mục: Diễn viên nam chính xuất sắc; Đạo diễn xuất sắc; Phim điện ảnh xuất sắc. Tuy nhiên, phim chỉ nhận được bằng khen từ Ban giám khảo cho hạng mục Phim điện ảnh. Sau khi các đoàn phim lên nhận giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc, tôi đã đến trước mặt giám khảo và một số vị quan khách ngồi đó và giới thiệu: Tôi là đạo diễn phim Cha cõng con và tôi xin gửi lại bằng khen, giải thưởng này cho BGK.

Sau đó, tôi tiếp tục theo dõi lễ trao giải. Tôi không hậm hực, bức xúc ghê gớm gì cả. Tôi chỉ thấy Cha cõng con là một phim rất khác lạ, cách kể không giống bộ phim nào. Tôi mong mỏi được mọi người hiểu cho cách làm phim này. Nếu mọi người không hiểu góc độ đó cho tôi, tức là tôi xin trả lại giải thưởng. Để giữ lại một sự trân trọng, sự trang trọng của Cha cõng con trong lòng khán giả. Đó là lý do duy nhất tôi xin trả lại giải thưởng Cánh diều vàng.

25

Một cảnh trong phim Cha cõng con

BGK chưa tiếp cận được phim Cha cõng con

Khi anh quyết định trả giải thưởng, BTC phản ứng như thế nào?

Một vài người cũng khuyên tôi không nên gửi lại. Tuy nhiên, tôi đã nói rồi thì tôi sẽ gửi lại.

Ê-kíp “Cha cõng con” có biết việc anh trả lại giải thưởng Cánh diều vàng?

Tôi vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn và nhà sản xuất. Giải đó trao cho phim tức là trao cho đạo diễn. Tôi có quyền nhận hay không nhận. Tuy nhiên, với cả ê-kíp làm phim tôi nghĩ họ sẽ buồn, nhưng họ sẽ vui bởi vì Cha cõng con sẽ đi xa hơn nữa chứ không phải dừng tại đây (Cánh diều vàng - PV).

Nhìn vào sự việc, có thể nói anh cho rằng, BGK họ không hiểu cách làm phim của anh?

Tôi không nói là như thế! Nhưng tôi có cảm giác, mọi người có thể chưa tiếp cận được cách thể hiện khác lạ của Cha cõng con nên mới đưa ra đánh giá như vậy. Nếu họ chưa hiểu thì phải chia sẻ. Bộ phim này không chỉ hướng tới cuộc thi, nếu hướng tới cuộc thi tôi đã đủ giải rồi.

Không thành công tại Cánh diều vàng, ngay đến phát hành trong nước, phim “Cha cõng con” cũng không gặp thuận lợi?

Tôi nhận được lời mời công chiếu Cha cõng con tại các liên hoan phim nước ngoài, đề nghị phát hành tại châu Âu. Còn trong nước các nhà phát hành phim kết luận: Phim của tôi không thể hút khách, thiếu những yếu tố bạo lực, hành động, cảnh nóng, kinh dị nên họ quay lưng.

May mắn sau đó, tôi tìm được nhà phát hành Lotte và thỏa thuận được việc thuê phòng chiếu tại các cụm rạp của: CGV, Galaxy, Quốc gia, BHD... với tổng số rạp lên tới 66 rạp trên toàn quốc. Bộ phim chính thức ra rạp từ ngày 5/4, nhận được rất nhiều bình luận tích cực từ dân trong nghề, báo chí lẫn khán giả. Sau ba ngày công chiếu, phía hãng phát hành Lotte cho biết, tại một số rạp khi chiếu vào giờ tốt, lượng khán giả phủ từ 70-80% rạp.

Tuy nhiên, ở những cụm rạp khác, tình trạng hoàn toàn trái ngược. Cha cõng con chỉ được chiếu vào những giờ thấp điểm, có rất ít khán giả tới rạp... Một bộ phim dành cho trẻ em, gia đình nhưng bị chiếu vào lúc 9h sáng, 23h hoặc lúc 16h20 ngày thường. Có cụm rạp suất chiếu vào khung giờ 8h50, 9h15 sáng ngày thường, làm khó cả khán giả lẫn nhà sản xuất. Không chỉ vậy, việc quảng bá cho Cha cõng con ở những cụm rạp này cũng vô cùng hạn chế.

Từ những lý do này phim Cha cõng con có thể bị đẩy ra khỏi rạp sớm, bị gán mác phim không có người xem.

Chiếm được nhiều giải thưởng cũng như LHP quốc tế, nhưng phim của anh lại bị o ép ngay trong nước. Anh cảm thấy thế nào?

O ép hay không tôi không dám bình luận, khán giả và dư luận sẽ tự biết. Với tôi, giải thưởng lớn nhất là khán giả, những đứa trẻ, cha mẹ và những giọt nước mắt dành cho cha và con.

Ba lần tham gia Cánh diều vàng đều vô duyên. Anh sẽ tiếp tục tham gia giải thưởng này nữa không?

Đến bây giờ tôi chưa nghĩ gì đâu. Làm phim xong thì tính sau.

Phim Cha cõng con là câu chuyện về người cha tên Mộc sống với cậu con trai Cá ở vùng sông núi quanh năm phải chống chọi với bão lũ. Mẹ Cá mất sớm, một mình bố Mộc tảo tần gà trống nuôi con. Căn nhà họ ở cũng tạm bợ và tồi tàn. Anh Mộc làm nghề đánh cá để nuôi con. Tiền anh chẳng có nhiều, nhưng cuộc sống của 2 bố con lúc nào cũng tràn ngập niềm vui và những tiếng cười.

Bé Cá gầy tong teo như que củi, nhưng rất hiếu động, thích chạy nhảy và đặc biệt thích ngước nhìn bầu trời xanh thẳm để rồi nhoẻn miệng cười. Cá cũng giống như tất cả đám trẻ con ở vùng đất ấy, chúng thích nghe kể chuyện về thành phố rực rỡ sắc màu, thành phố không bao giờ ngủ, thành phố có tòa nhà cao chạm tới mây xanh, có những con chim sắt (máy bay) ngày ngày đi về tổ. Cá và những đứa bạn của nó mơ về thành phố như mơ về miền đất trong những câu chuyện cổ tích. Chúng được hứa hẹn rằng sau này lớn lên, sẽ được đặt chân đến vùng đất nhiệm màu ấy.

Nhưng rồi một ngày kia khi chưa kịp lớn, Cá đã được bố cho lên thành phố. Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng thằng bé cứ hồn nhiên bám vào lưng bố, reo lên thích thú vì ước mơ của mình đã thành sự thật. Kể từ đây, bộ phim tái hiện hành trình của 2 cha con Mộc - Cá ở vùng đất xa lạ, chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, trong nỗi lo toan của người cha và nụ cười vô ưu của người con...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.