Chuyện dọc đường

"Đặt lư hương phải tùy tính chất tượng đài"

19/02/2019, 14:23

Tượng đài được phân thành nhiều loại, tùy tính chất mỗi tượng mà nên đặt lư hương hay không.

img
Tượng đài Trần Hưng Đạo (Quận 1, TP.HCM)

Quyết định di chuyển lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo sang đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo của lãnh đạo Quận 1 (TP.HCM) đang gây tranh cãi những ngày qua. Bàn về vấn đề này, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - Nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ quan điểm:

Tượng đài là công trình mỹ thuật ở ngoài trời, được xây dựng bằng chất liệu bền vững, gắn chặt với một môi trường cố định, phải có nội dung và hình thức nghệ thuật hoành tráng, thể hiện một giá trị nào đó kỳ vĩ.

Tượng đài phân thành nhiều loại: tượng trang trí, tượng tưởng niệm… Đối với những tượng đài trang trí, mang tính chất làm đẹp, kỷ niệm thì không nên có lư hương. Còn với những tượng đài mang tính tưởng niệm thì phải có lư hương.

Hiện nay có một số nơi để lư hương ở tượng đài chiến thắng là không đúng, bởi tượng đài này mang tính kỷ niệm, không phải tưởng niệm.

Nhưng tượng đài anh hùng liệt sĩ như Võ Thị Sáu… thì phải có lư hương, bởi theo văn hóa của Việt Nam, mọi người không chỉ tạt qua ngắm mà còn thắp hương, là phương tiện để giao nối giữa con người và thế giới tâm linh.

Về tượng đài danh nhân như tượng đài Trần Hưng Đạo ở TP.HCM thì nên có lư hương. Nhưng “nên có” chứ không phải buộc “phải có”. Có lư hương thì mọi người có thể đến thắp hương, tưởng nhớ một vị danh nhân, anh hùng của dân tộc, thậm chí người ta có thể cầu xin một cái gì đó.

Việc này không có vấn đề gì phải tranh cãi cả.

Tóm lại, có đặt lư hương trước tượng đài danh nhân hay không còn phải tùy theo tính chất, nội dung mà tượng đài truyền tải, được tác giả thiết kế và hội đồng nghệ thuật chấp thuận và duyệt. Tượng cao bao nhiêu, hình thức nghệ thuật thế nào, chất liệu gì, đặt trong không gian ra sao, lư hương đặt thế nào đều phải tính toán và có chủ đích.

Hiện nay, quan niệm giữa tượng đài và tượng thờ theo văn hóa dân gian chưa thống nhất. Tuy nhiên, người dân tin rằng ở mỗi bức tượng luôn có thế giới tâm linh nên mọi người đều rất tôn trọng.

Hồ An (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.