Kinh tế

Đất vàng của VFS sau cổ phần hóa có dễ “xơi”?

28/09/2017, 07:35

“Không phải ai có tiền muốn đầu tư vào làm gì cũng được”, đại diện Bộ Tài chính nói.

12

Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Phải xác định rõ mục đích sử dụng đất

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, theo quy định, trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải xác định xong phương án sử dụng đất. “Đất của doanh nghiệp Nhà nước cũng chỉ được dùng cho ngành nghề chính, không được dùng ngành khác như bất động sản trừ khi doanh nghiệp xin chuyển đổi và được đồng ý hay có quy hoạch của thành phố. Còn nếu doanh nghiệp nhất quyết dùng đất sai mục đích sẽ bị địa phương thu hồi”, ông Tiến phát biểu.

"Khu đất số 4 Thụy Khuê của VFS là Nhà nước cho thuê để làm phim chứ không phải làm việc khác như xây nhà cao tầng hay xây siêu thị. Nếu sử dụng vào mục đích khác phải được cơ quan quản lý cho phép. Trong trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải định giá lại giá trị mảnh đất này bởi đây là một khoản địa tô rất lớn, không nên để thất thoát. Mặt khác, nếu chỉ nhìn vào giá trị mảnh đất của VFS thì cũng không phải nhà đầu tư nghiêm túc”.

Ông Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng CIEM

Về vụ việc cổ phần hóa VFS đang gây tranh cãi do liên quan tới khu đất số 4 Thụy Khuê, Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, sẽ không có chuyện khiếu kiện nếu quy hoạch rõ ràng. Trong câu chuyện này, Bộ Tài chính xác định trách nhiệm thuộc về các bên như sau: Các công ty tư vấn phải có nhiệm vụ tư vấn cho doanh nghiệp cổ phần hóa; thẩm định giá phải khẳng định rõ có đúng giá trị đất đấy trong 10 năm nữa không chuyển đổi mục đích, chỉ xây dựng hãng phim, chỉ làm rạp chiếu phim thôi hay không. VFS cũng có trách nhiệm công bố rõ ràng mục đích sử dụng đất trong bản cáo bạch khi cổ phần hóa, mời gọi nhà đầu tư. “Nếu không công khai mục đích sử dụng đất là vi phạm quy định pháp luật, sẽ bị truy cứu trách nhiệm, nhà đầu tư có thể kiện”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của địa phương là Hà Nội và Bộ chủ quản là Bộ VH,TT&DL trong việc quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị này. “Tới đây, Luật về quản lý tài sản công sẽ quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan”, ông Tiến nói.

“Không phải cứ có tiền là muốn làm gì cũng được”

Theo đại diện Bộ Tài chính, VFS phải thuê công ty tư vấn đủ trình độ để làm rõ giá trị thương hiệu của mình. Đối với các doanh nghiệp đặc thù như VFS, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, không thể chỉ sử dụng phương pháp tài sản hay chiết khấu dòng tiền như doanh nghiệp thông thường để xác định giá trị doanh nghiệp. Bởi, đặc thù giá trị tinh thần và phát triển trong tương lai, giá trị các doanh nghiệp này cao hơn giá trị sổ sách. Đại diện Bộ Tài chính lấy ví dụ nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ nhưng vẫn còn tiềm năng trong tương lai, như ngành công nghệ sinh học. “Vì vậy, xác định giá trị khi cổ phần hóa phải tính đủ các giá trị đó cho họ”, ông Tiến nói.

Về thu hút nhà đầu tư của VFS, ông Tiến nêu quan điểm, với những ngành như xuất bản, làm phim khi thu hút đầu tư cần cổ đông chiến lược cùng ngành nghề. “Không phải ai có tiền muốn đầu tư vào làm gì cũng được”, ông Tiến nói. Thời gian qua, các cổ đông chiến lược cùng ngành nghề có thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm đang bị lép vế trước các nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính. Tuy nhiên, quy định mới về cổ phần hóa đang được Bộ Tài chính soạn thảo sẽ siết chặt vấn đề này theo hướng tiêu chí bắt buộc của cổ đông chiến lược phải giúp phát triển ngành nghề trọng tâm mà doanh nghiệp cổ phần hóa đang hướng tới. “Nếu nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước”, đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Cũng đề cập tới vấn đề cổ đông chiến lược trong vụ việc cổ phần hóa VFS, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, nếu không phải là nhà đầu tư chiến lược thực sự thì không nên bán. “Điều quan trọng nhất là phải định hình được cổ đông chiến lược. Không phải cổ đông chiến lược thì đừng bán. Nếu đúng cổ đông chiến lược thì bán rẻ một tý cũng được”, ông Cung nói và nhận định: “Cái VFS cần ở cổ đông chiến lược không chỉ là vốn mà là những phần mềm, năng lực mềm để phát triển hãng phim mới là quan trọng. Do đó, cổ đông chiến lược ít nhất phải là nhà phát hành phim”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.