Dấu ấn của "đội quân miền Tây"

03/07/2014, 13:26

Những con người ngày ấy giờ đây vẫn còn làm việc ở các đơn vị thuộc Cienco 1. Cơ chế thị trường khốc liệt không kém gì chiến tranh, nhưng rồi họ sẽ quen và sẽ thắng.

TIN LIÊN QUAN

 

Đảm bảo giao thông là công việc đòi hỏi người ta phải trẻ tuổi, phải dũng cảm
Đảm bảo giao thông là công việc đòi hỏi người ta phải trẻ tuổi, phải dũng cảm


“Quân miền Tây" rải khắp các “điểm nóng”


Ông Đặng Hạ kể, có một thời được điều tới làm Trưởng Ban chỉ huy công trường kết nghĩa Quảng Bình. Anh Hoàng Đình Vi làm Phó ban. Chiến tranh ác liệt trên mặt trận giao thông. Mặt trận phía trước cần hàng hóa. Đảm bảo giao thông là công việc đòi hỏi người ta phải trẻ tuổi, phải dũng cảm. Giống như thế hệ lên miền Tây vài năm trước, giờ đây chiến tranh chống Mỹ khiến hàng vạn thanh niên miền Bắc sôi sục hơn. Các đơn vị thanh niên xung phong, các đội công nhân làm đường nườm nượp từ Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An… vào. 


Các đơn vị lớn đều do các Trưởng Ty giao thông phụ trách, lo cho hàng vạn quân. Thời ấy, lúc nào tôi cũng như sống trên chuyến tàu nhanh. Không thấy mệt. Tôi đã chứng kiến những mất mát, hy sinh dũng cảm của đồng đội. Những con người ngày ấy giờ đây vẫn còn làm việc ở các đơn vị thuộc Cienco 1. Cơ chế thị trường ác liệt không kém gì chiến tranh. Rồi họ sẽ quen và sẽ thắng. Tôi luôn tin tưởng như vậy. Đó là phong cách làm việc quân sự, dẫn tới phong cách công nghiệp. Ở Cục Công trình 2, năm 1971, tôi và anh em bắt đầu đưa năng suất công nghiệp vào làm ăn có quy trình, có lỗ có lãi, có hạch toán gần giống với ngày nay.

Cuộc đời ông là bộ phận không thể tách rời của các công trình. Thời gian của ông dành 50 phần trăm cho công trường. Ông ít khi được đoàn tụ với gia đình ngày lễ Tết. Những cơn sốt đêm của con nhỏ không có ông bên cạnh, chữ cái đầu tiên chúng đọc được không có ông chứng kiến. Rồi chiến tranh, sơ tán, xếp hàng mua dầu, mua gạo cho bếp ăn gia đình... vợ ông phải làm”.

Quân của Cục Công trình 2 ở khắp nơi trên miền Bắc. Mỏ than ở Thái Nguyên cũng có. Ở miền Đông nhiều hơn vì miền Tây đường sá đã xong, chiến tranh dồn vào miền Đông, mà ở đâu có địch đánh phá thì quân của chúng tôi phải dồn về đấy. Tuy vậy, ATK thời chống Pháp vẫn rất quan trọng trong chiến tranh chống Mỹ, giao thông luôn phải thông suốt. Những con đường ở Thái Nguyên - Đình Cả, ở Chợ Chu, rồi Hòa Bình - Xuân Mai - Kim Bôi, quân của tôi vẫn rải đều. Còn ở Quảng Ninh với Hạ Long, Cửa Ông, Cẩm Phả… là một điểm lớn địch đánh phá ngày đêm.

Thời chiến tranh đôi khi có những quãng dừng ngắn. Mấy tháng năm 1971, có đôi chút dừng bom đạn như vậy. Người ta bắt tay vào làm cái gì đó. Cục Công trình 2 cũng vậy, đang tiến hành phương án làm ăn có thu chi, hạch toán. Ở công trường Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông… đang tiến hành công việc thì năm 1972, chiến tranh quay lại, ác liệt hơn bao giờ. Bom nổ khắp nơi, từ các nhà máy đến các xưởng đóng tàu, thủy lôi ngoài biển, nhà cháy, người chết… Công việc phải dừng lại hết, hoặc có làm thì làm kiểu du kích. Ở Yên Viên, Kép, Đông Anh, Cẩm Phả, Cửa Ông, đâu cũng là trọng điểm. Cục Công trình 2 có trụ sở ở 278 phố Hàng Bột, nhưng quân ở khắp trên miền Bắc. Khi chiến tranh quay lại vào thời điểm năm 1972, quân của Cục Công trình 2 đảm nhận việc bảo đảm giao thông cùng quân đội. Chiến tranh làm công việc đã vào nề nếp phải xáo tung lên. Nhưng thích nghi nhanh với tình hình mới, Cục Công trình 2 xếp lại những dự định làm việc trong thời bình.


Năm 1972 ác liệt đi qua, biết bao con người đã đoàn kết, dũng cảm, giữ vững truyền thống của lớp người lên miền Tây. Điển hình là đội cầu 112 và 114. Đó là hai đội cầu anh hùng mà nhiều người trong số họ đã từng làm đường ở miền Tây. Anh Nguyễn Lưu, Phạm Quang Tuyến, Hà Đình Cẩn, Tạ Đình Bảy… và bao nhiêu người nữa. Họ đang góp phần vào những công việc thời bình ngày hôm nay. 

Những “viên đá” đầu tiên 


Từ năm 1973, phía Bắc Tổ quốc yên hơn những năm trước. Cục Công trình 2 tổ chức lại các công trường, các đội cầu, các xí nghiệp. Công trường Hạ Long và Nhà máy đóng tàu Phà Rừng là nơi thu hút hầu hết quân tinh nhuệ của thời làm sân bay, thời làm đường ở miền Tây. Anh em đã được rèn luyện tác phong công nghệp, đều có tay nghề vững vàng. Cục Công trình 2 có thể đảm đương được nhiều loại hình chuyên môn như cầu, đường; Kiến trúc nhà xưởng, xây dựng cảng, sản xuất đá, xi măng, tham gia khôi phục đường sắt… 


Ngày hôm nay những công việc này chẳng còn lạ lẫm gì. Cienco 1 đã nổi tiếng ở nhiều công việc mới, nhưng vào thời điểm cuối những năm 70, đầu những năm 80, đó là những cố gắng lớn lao của lãnh đạo, đã tìm việc cho anh em, và anh em cũng đáp ứng được yêu cầu mới. Tất cả đã là những viên đá đầu tiên xây dựng công trình lớn vào thời điểm cuối thế kỷ 20. Những con người lên miền Tây vào những năm sáu mươi ấy, ngay thời kỳ các nơi còn theo cơ chế bao cấp, đã đưa các đơn vị của Cục Công trình 2 vào guồng máy vận hành kinh doanh, tự hạch toán, rời “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước. Đó là câu trả lời cho những thành công vang dội của Cienco 1, trong thời điểm này và trong tương lại.


Ông Đặng Hạ kể với tôi một cách sinh động về bước đi của Cienco 1. Ông gắn bó với đoàn quân này từ khi tóc còn xanh, tài sản duy nhất chỉ là chiếc ba lô và bộ quần áo lính, như mọi người. Thế hệ ông là thế hệ lên miền Tây, thế hệ đặt niềm tin vào ngày mai, thế hệ coi sự hy sinh là nét đẹp nhất của đời người. Nghe ông kể về cuộc đời mình và đồng đội, tôi hình dung được biết bao con người đã gắn đời mình vào một công việc, hoàn thiện công việc đó với tinh thần trách nhiệm lớn nhất.


Khi đất nước khó khăn nhất, ông và những người lính, người công nhân của miền Tây ngày ấy không tự cho phép mình rời vị trí. Ông cho rằng tác phong ấy có được từ những ngày tháng gắn bó với miền Tây. Những con người của Cienco 1 đang bước sang thế kỷ 21 bằng những bước chân lên miền Tây cách đây 50 năm. 

Nhà văn Lê Minh Khuê
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.