Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

Dấu ấn người lính Trường Sơn

22/02/2015, 10:42

Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ghi dấu ấn trên đường Hồ Chí Minh thời đổi mới.

712

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công đường Hồ Chí Minh đoạn
Khe Gát - Tăng Ký

Phát huy mạnh mẽ truyền thống

Gần 40 năm qua, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) đã tham gia xây dựng hàng nghìn công trình hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi, trong đó có nhiều công trình trọng điểm quốc gia, điển hình là Dự án đường Hồ Chí Minh.

Trải qua gần 40 năm hoạt động trên mặt trận xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, lực lượng của Binh đoàn đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, nơi khó khăn gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia thi công nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, điển hình là dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I).

Để phá thế độc đạo QL1, khơi dậy tiềm năng, xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, chủ trương xây dựng trục đường từ Bắc vào Nam dọc theo phía Tây của đất nước qua dãy Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ rất sớm. Theo quy hoạch tổng thể năm 1997, đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.167km, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 5/4/2000, lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể cấp Nhà nước tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một trong những trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn I có 37 đơn vị xây dựng chuyên nghiệp cấp Tổng công ty và tương đương đã được Chính phủ chỉ định không phải qua đấu thầu, trong đó có Binh đoàn 12- Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Trên đại công trình này, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến dài 310 km; khảo sát, thiết kế báo cáo nghiên cứu khả thi 1.192 km...

Bản lĩnh người lính Trường Sơn

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc TCT Xây dựng Trường Sơn cho biết, đoạn tuyến từ Khe Gát đến Tăng Ký thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình là một trong những đoạn đường phải thi công trong các điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ vì địa hình hiểm trở với núi cao, vực sâu, thời tiết khắc nghiệt và đây cũng là vùng trọng điểm của sốt rét; điều kiện nơi ăn ở, sinh hoạt đời sống hàng ngày của bộ đội thiếu thốn đủ đường, thông tin liên lạc, giao thông đi lại và cung cấp vật tư vật liệu gặp nhiều khó khăn...

“Với tinh thần, ý chí và bản lĩnh của người lính Trường Sơn được quay trở về với cội nguồn, với con đường huyền thoại mà các thế hệ cha anh đã làm nên trong cuộc kháng c hiến chống Mỹ cứu nước là động lực to lớn, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội lực của bộ đội Trường Sơn trên công trình này”, Thiếu tướng Đỗ Giang Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, trong quá trình triển khai xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh, Tổng công ty thường xuyên được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng, của lãnh đạo Bộ GTVT và trực tiếp của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh là động lực to lớn, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực ở từng tập thể và tất cả lực lượng trong Tổng công ty tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Do vậy, sau thời gian hơn ba năm thi công, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công 138 km đường, vượt tiến độ hơn 5 tháng và đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế, với khối lượng đào đắp 5,2 triệu m3 đất đá, thảm bê tông nhựa và rải mặt đường bê tông xi măng 168.000m3/138 km, xây dựng 568 cống, 7 cầu vĩnh cửu với tổng giá trị sản lượng trên 600 tỷ đồng.

Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết, cùng với nhiệm vụ thi công xây dựng dự án, Tổng công ty còn làm tốt công tác dân vận, luôn giữ vững mối đoàn kết với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân, tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đóng quân và thi công. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.