Chất lượng sống

Đầu hè lại “nóng” trẻ đuối nước

20/04/2017, 13:35

Tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam luôn ở mức cao, trong đó nguyên nhân chính vẫn là...

7

Cần dạy trẻ tập bơi từ sớm để phòng chống nguy cơ đuối nước

Cha bất cẩn, con gái 8 tuổi đuối nước trong bồn tắm

Ngày 19/4, TS, BS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nhi T.Ư cho biết,  bệnh nhân Nguyễn N.T. (8 tuổi, Hà Nội) nhập viện ngày 12/4, trong tình trạng suy hô hấp nặng, môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng tử vong cao. Theo lời kể của gia đình, đang tắm cho con gái thì bố của bé T. có việc phải ra ngoài. 30 phút sau quay lại, anh sững sờ thấy con đã bất động trong bồn tắm. “Ngay lập tức bệnh nhân đã được điều trị tích cực như: Hồi sức hô hấp/tuần hoàn, chống phù não. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu cháu, nhưng do bị ngạt nước quá lâu, ngày 14/4, bệnh nhi đã tử vong”, TS. Tuấn cho hay.

Bộ LĐ,TB&XH đang xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6-15 tuổi. 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn. 100% số xã, phường  thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Trước đó, ngày 15/4, dư luận không khỏi xót xa với trường hợp bé Phạm Q. V. (18 tháng tuổi, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bị đuối nước ngay trong ngày đầu tới trường mầm non. Được biết, sáng cùng ngày, người thân đưa bé V. đến trường mầm non thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Tuy nhiên, đến khoảng 10h, gia đình nhận được tin báo cháu V. bị rơi xuống mương nước phía sau trường. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người thân và các giáo viên trường mầm non đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi nhưng sau đó cháu đã tử vong.

Ths, BS. Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, BV Nhi T.Ư cho biết, đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Đây là tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015 có khoảng 2.800 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đo, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi.

Theo BS. Duy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi. Ngoài các điều kiện tự nhiên như sông, suối, ao, hồ… là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ thì ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như: Lu, vại, bể chứa nước, bồn tắm… cũng có thể là những mối hiểm họa tiềm tàng gây đuối nước cho trẻ.

Mới 30% trẻ em biết bơi

Lý giải về tỷ lệ trẻ tử vong cao do đuối nước, BS. Duy phân tích: “Đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải nâng cao ý thức quản lý, giảm sát, không để các em tự do tắm sông, biển, hồ bơi, bồn tắm… mà không có người lớn trông nom”.

Theo BS. Duy, điều quan trọng nhất trong các tai nạn thương tích trẻ em là công tác phòng chống, đừng để những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu chẳng may đuối nước, có thể thực hiện theo các bước đơn giản như sau: Gọi người trợ giúp và nhanh chóng đưa bé ra khỏi nước, kiểm tra đường thở có thông thoáng không? Tiếp đến kiểm tra xem bé có còn thở hay không để tiến hành cấp cứu. Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được, thực hiện “cấp cứu cơ bản” bằng ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé. Tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đợi đội cấp cứu đến.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo. “Nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn”, bà Hoa thông tin. Thống kê cho thấy, hiện nay mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Trong khi đó, việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. “Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống tại các xã nghèo, vùng khó khăn chưa được tiếp cận với các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước”, bà Hoa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.